Trao đổi về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Trường Đại học Duy Tân

Thuế giá trị giá tăng (GTGT) là một trong những khoản thu đóng góp lớn cho nguồn ngân sách nhà nước (NSNN). Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp rộng rãi về dự án Luật Thuế GTGT sửa đổi. Dự án Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm mở rộng cơ sở thu thuế, chống gian lận, thất thu thuế GTGT, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào NSNN. Một số bất cập trong quy định hiện hành trong Luật sẽ được sửa đổi nhằm bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện. Bài viết làm rõ một số vấn đề điều chỉnh thay đổi trong dự thảo Luật Thuế GTGT.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thuế giá trị gia tăng và vấn đề đặt ra

Ở Việt Nam, tại kỳ họp lần thứ 11 Quốc hội khoá IX đã thông qua Luật Thuế GTGT và có hiệu lực thi hành kề từ ngày 01/01/1999. Thuế GTGT là một loại thuế gián thu đánh trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ và người tiêu dùng cuối cùng sẽ gánh chịu khoản thuế này (Luật Thuế GTGT, năm 1999). Khác với thuế xuất nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu một giai đoạn, loại thuế này đánh nhiều giai đoạn ở tất cả các giai đoạn từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Do đó, nguồn thu từ thuế GTGT trong tổng thu NSNN là rất lớn. Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật Thuế GTGT. Người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế GTGT.

Ngày 3/6/2008, Quốc hội thông qua Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 thay thế Luật Thuế GTGT năm 1997 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT năm 2003, năm 2005. Để khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tiễn, Luật Thuế GTGT đã được sửa đổi, bổ sung ba lần tiếp theo vào các năm 2013, 2014 và 2016.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Thuế GTGT đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội và đã đạt được mục tiêu đề ra khi ban hành Luật. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế thì chính sách thuế GTGT đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Luật Thuế GTGT có điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, với nguyên tắc của thuế GTGT; Một số quy định còn phức tạp, không thuận lợi trong quá trình thực hiện, gây vướng mắc cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.

Luật Thuế GTGT hiện hành cũng chưa có quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường. Đối tượng không chịu thuế GTGT còn nhiều nên chưa bao quát hết các nguồn thu; doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT có mức từ 100 triệu đồng trở xuống/năm cần phải nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với thực tế; đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% còn nhiều; mức thuế suất phổ thông 10% cần phải nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay. Quy định về giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản còn có cách hiểu khác nhau giữa người nộp thuế và cơ quan thuế.

Quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào cần phải chặt chẽ hơn nữa để góp phần ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Đề xuất nhiều điểm mới tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong áp dụng Luật Thuế GTGT hiện hành, tại dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), Bộ Tài chính đã nghiên cứu, bổ sung và đề xuất một số thủ tục hoàn thuế để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ. Một số vấn đề cần trao đổi tại dự thảo Luật Thuế GTGT thể hiện ở các nội dung sau:

Danh mục sản phẩm hàng hoá chịu thuế GTGT

Hiện nay, theo quy định tại Điều 5 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 và Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC quy định, có 26 nhóm hàng hoá dịch vụ không chịu thuế GTGT bao gồm các hàng hoá dịch vụ liên quan đến nông nghiệp, nhóm hàng hoá thiết yếu và các dịch vụ phi lợi nhuận. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng trên thực tế vẫn tồn tại bất cập như thiếu tính cân đối giữa các nhóm hàng hoá dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế.

Việc áp dụng trong thực tiễn cho thấy, cần thay đổi theo hướng thu hẹp Danh mục hàng hoá không chịu thuế, nhằm đảm bảo mục tiêu cân đối, thu đúng, thu đủ. Do đó, tại dự thảo Luật Thuế GTGT, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 để thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, cụ thể như: Giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng như phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và internet phổ cập...

Như vậy, việc xác định danh mục hàng hoá không chịu thuế theo hướng thu hẹp và đưa các dịch vụ sản phẩm như trên vào danh mục hàng hoá chịu thuế là phù hợp. Tuy nhiên, có thể không áp mức thuế suất phổ thông 10% như các mặt hàng thông thường khác mà có thể áp dụng các mức thuế suất thấp hơn như 8% hoặc 5% vì cơ bản nó vẫn thuộc nhóm hàng hoá dịch vụ thiết yếu.

Về giá tính thuế GTGT

Giá tính thuế GTGT hiên hành cũng được Nhà nước ban hành cụ thể trong Luật Thuế GTGT như: Cách xác định giá tính thuế đối với hàng hoá dịch vụ bán ra, giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu, giá tính thuế đối với hàng hoá dịch vụ trong trường hợp dùng để trao đổi tiêu dùng nội bộ, giá tính thuế đối với hoạt động cho thuê, bán trả chậm trả góp hoạt động xây dựng xây lắp, hoạt động môi giới… Dự thảo Luật cũng định hướng sửa đổi, bổ sung giá tính thuế của một số nhóm hàng hóa, dịch vụ nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật như giá tính thuế đối với dịch vụ casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược.

Bênh cạnh đó, dự thảo Luật tập trung đề xuất sửa đổi giá tính thuế của hoạt đông bất động sản, thay vì áp dụng giá tính thuế bất động sản là giá bán bất động sản chưa có thuế GTGT, trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước như ở hiện tại. Việc hoàn chỉnh cơ sở pháp lý để dùng căn cứ tính thuế trong các trường hợp là phù hợp; đảm bảo tính minh bạch, cụ thể khi áp dụng chính sách thuế GTGT.

Về thuế suất thuế GTGT

Hiện tại, Việt Nam áp dụng thuế suất GTGT ở mức 0%, 5% và 10%. So với các quốc gia trên thế giới, thì mức thuế suất thuế GTGT ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. Ví dụ: Tại Đức mức thuế suất phổ thông là 19%; Trung Quốc mức thuế phổ thông là 17%; Áo mức thuế suất phổ thông là 20%.

Tại dự thảo Luật, chủ trương đưa ra là chuyển một số hàng hóa, dịch vụ 0% sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%, chuyển một số dịch vụ chịu thuế 5% sang đối tượng chịu thuế 10%.

Để khuyến khích hoạt động xuất khẩu hàng hóa, cũng như phát triển du lịch, dự thảo Luật đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định đối với hàng hóa bán tại khu vực cách ly, thiết bị, dụng cụ y tế; giáo cụ dùng để học tập; thực phẩm tươi sống... hàng bán tại cửa hàng miễn thuế thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 0% và hướng dẫn điều kiện và thủ tục được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% cho phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.

Giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế GTGT ở mức thuế suất 5% thuộc các lĩnh vực đã được xã hội hóa mạnh mẽ để bình đẳng với ngành nghề, lĩnh vực thông thường khác như: Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim...

Việc điều chỉnh thuế suất để đảm bảo tính bình đẳng giữa các ngành nghề là phù hợp và tiệm cận với quy định quốc tế về mức thuế suất thuế GTGT. Tuy nhiên, sự thay đổi của chính sách thuế đặc biệt là thuế suất thuế GTGT sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế thị trường và chi tiêu của người dân.

Trên thực tế, tại Việt Nam và các nước trên thế giới vẫn chưa ổn định về tình hình kinh tế, do đó, việc thay đổi mức thuế suất này cần thiết phải có thời gian và lộ trình từng giai đoạn để phù hợp hơn với điều kiện kinh tế nước ta hiện nay.

Về khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật GTGT năm 2008 (sửa đổi năm 2013) như: Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT bị tổn thất; Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng; đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng.

Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ % giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng so với tổng doanh thu hàng hoá, dịch vụ bán ra. Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại được khấu trừ toàn bộ. Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí được khấu trừ toàn bộ; Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó.

Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào cũng được quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật thuế GTGT năm 2008 (sửa đổi năm 2013) như sau: Có hoá đơn GTGT mua hàng hoá, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu; Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng;

Đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện quy định trên còn phải có: Hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ; chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; tờ khai hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu. Việc thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu dưới hình thức thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu, trả nợ thay Nhà nước được coi là thanh toán không dùng tiền mặt.

Dự thảo Luật đưa ra đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai sót để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; đảm bảo minh bạch chính sách tránh vướng mắc trong thực hiện.

Về hoàn thuế GTGT

Tại dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hoàn thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo chính sách rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế như: Đối với cơ sở sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5%; dự án đầu tư; dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu... Sửa đổi quy định về hoàn thuế đối với trường hợp chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chấm dứt hoạt động để phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

Bên cạnh những định hướng đề xuất trên, việc quản lý công tác hoàn thuế GTGT hiện nay một là một vấn đề còn tồn tại và gây thất thoát lớn cho nguồn thu NSNN. Do đó, việc quy định ngưỡng thuế GTGT đầu vào để được hoàn thuế hay đưa ra yêu cầu kiểm toán trước khi hoàn thuế là vấn đề Nhà nước cần xem xét, nghiên cứu để sửa đổi, hoàn thiện với thực tiễn cuộc sống.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH 12;
  2. Bộ Tài chính, Tờ trình về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi);
  3. Pháp luật Việt Nam, Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Hướng tới áp dụng một mức thuế suất, https://baophapluat.vn/sua-luat-thue-gia-tri-gia-tang-huong-toi-ap-dung-mot-muc-thue-suat-post468302.html;
  4. https://mof.gov.vn; tapchitaichinh.vn.