"Trị bệnh" cổ phần hóa và thoái vốn chậm
(Tài chính) Dù thời gian qua Chính phủ đã liên tục thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp (DN), nhưng tiến độ thực hiện trong nửa đầu năm 2014 vẫn chậm chạp.
"Bắt bệnh"
Theo ông Tiến, nguyên nhân cổ phần hóa, thoái vốn chậm là do đối tượng CPH hiện nay hầu hết là DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp… nên cần nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý.
Hơn nữa, thị trường vốn và thị trường chứng khoán chưa phục hồi. Sức cầu của thị trường còn yếu. Bên cạnh đó, một số DN thực hiện tìm cổ đông chiến lược một cách cảm tính, chưa có quy trình đúng.
Chẳng hạn, các DN Việt Nam thường tìm đối tác chỉ vì một mục đích cụ thể nào đó. Ví như DN cần vốn lớn sẽ tìm đến ngân hàng; DN thiếu đầu ra sẽ tìm cổ đông có khả năng bao tiêu sản phẩm...
Mặt khác, nhiều DN e dè trong việc xây dựng phương án CPH mạnh mẽ. Một số lãnh đạo sợ cổ đông chiến lược mua khối lượng cổ phần lớn và nắm quyền điều hành, sợ bị mất “vị trí”...
Ông Tiến cho rằng, tư duy này cần được thay đổi. Còn lại, các vấn đề khác đều đã có giải pháp và cơ chế thực hiện.
Về việc một số DN thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng trì hoãn CPH, theo ông Tiến, cần phải rà soát kỹ các DN này.
Ví dụ, với các DN may mặc quân phục cho quân đội thì vẫn phải cân nhắc, vì khi may quân phục có thể phản ánh quân số các đơn vị, đây là lĩnh vực cần thận trọng về thông tin.
Nhưng nếu là DN xây dựng do Bộ Quốc phòng thành lập để xây dựng các công trình dân dụng, không gắn với mục tiêu an ninh quốc phòng thì phải CPH như các DN khác.
Ba bước thoái vốn
Về mục tiêu của Chính phủ đề ra trong vòng 2 năm (2014-2015) phải CPH 432 DN, mặc dù mục tiêu này là khá cao, nhưng tới đây, với quy định mới về tiêu chí, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, số DN phải CPH trong 2 năm này có thể sẽ cao hơn con số 432.
Vì thế, ông Tiến nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện mục tiêu này, cần xem xét các khó khăn của DN để sớm có giải pháp giúp các DN xử lý khó khăn, nhưng vẫn phải cương quyết. Nếu các bước triển khai không thực hiện đúng tiến độ sẽ bị nhắc nhở.
Sau khi nhắc nhở, nếu DN vẫn không tích cực thực hiện sẽ kiến nghị Bộ chủ quản tiến hành đánh giá, kiểm điểm hoặc kiến nghị Thủ tướng xử lý.
Theo ông Tiến, với tình hình thị trường chứng khoán phục hồi chậm, một trong những giải pháp quan trọng là phải chuyển đổi thành công ty cổ phần trước khi thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Tức là thực hiện theo 3 bước. Bước một xem xét thành lập công ty cổ phần (tạo hàng hóa cho thị trường, đổi mới quản trị DN, minh bạch thông tin một bước); bước hai là IPO (khi thị trường thuận lợi) và bước 3 là thoái vốn (đưa về đúng tỷ lệ Nhà nước cần nắm giữ).
Như vậy, cách thức CPH đang thay đổi theo chiều sâu, dù theo lộ trình nào thì điều quan trọng nhất là thay đổi thực chất trong quản trị DN; yêu cầu sau CPH DN phải hoạt động hiệu quả, bền vững.
Minh bạch với cổ đông chiến lược
Về tìm kiếm cổ đông, Chính phủ yêu cầu xây dựng tiêu chí, quy định về cổ đông chiến lược và các DN phải thực hiện một cách bài bản.
Muốn tìm được đối tác chiến lược, DN cần chấp nhận chia sẻ mọi thông tin nội tại của mình với các cổ đông chiến lược để họ hiểu rõ thực tại DN trước khi quyết định mua.
Ông Tiến cũng cho biết, đối với lĩnh vực ngoài ngân hàng, DN sẽ làm việc với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để bán thỏa thuận với giá hợp lý.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, DN sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước để chuyển nhượng vốn. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng phương án để thực hiện việc này.
Đáng chú ý là, các văn bản hướng dẫn việc cho phép thoái vốn theo giá thị trường (có thể thấp hơn giá trị sổ sách/mệnh) giá theo Nghị quyết 15 dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng này.
“Văn bản này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện thoái vốn. Các đề án thoái vốn đang triển khai tích cực, kết quả thoái vốn sẽ đạt mức cao trong quý III và quý IV năm nay”, ông Tiến khẳng định.