Triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế Thủ đô tăng trưởng
Năm 2025, TP. Hà Nội sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8% trở lên, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển đột phá 2026-2030.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Thông báo số 154/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tại Hội nghị triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ kinh tế năm 2025 trên địa bàn lĩnh vực kinh tế ngành.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao Chi cục Thống kê chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan liên quan hoàn thiện phương án đánh giá kết quả đạt được giai đoạn 2021-2024, đưa ra phương án (kịch bản) cụ thể cho năm 2025 (theo từng Quý) để đạt được tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên; báo cáo Thành phố trước ngày 29/3/2025.
Các sở, ban, ngành bám sát nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp chủ yếu tại Chương trình hành động số 04/CTr-UBND ngày 14/2/2025 của UBND Thành phố và Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 25/02/2025 của HĐND Thành phố. Trong đó, Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghệ sinh học, các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề theo hướng “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Trong lĩnh vực Thương mại, Sở Công thương chủ trì, cùng Sở Tài chính và các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trung tâm thương mại, chợ…; Đẩy mạnh, tăng cường các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại…
Sở Công thương chủ động đôn đốc chủ đầu tư tập trung nguồn lực, bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án điện lực đang triển khai; yêu cầu ngành điện cần rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai sớm đối với các dự án phát triển nguồn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Về hoạt động xúc tiến đầu tư, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội giao Sở Tài chính khẩn trương hoàn thiện danh mục kêu gọi đầu tư; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế. Đặc biệt tập trung vào các nhà đầu tư chiến lược; thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và viện trợ phát triển chính thức (ODA) phù hợp với bối cảnh mới...
Đối với hoạt động ngoại giao kinh tế, các sở, ban, ngành, đơn vị tích cực đẩy mạnh các quan hệ kinh tế quốc tế theo chiều sâu với các đối tác lớn và có tiềm năng, trên cơ sở gắn chặt với lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, thương mại và phục vụ đắc lực cho các đột phá chiến lược của Thành phố; tăng cường tham gia các liên kết kinh tế, các diễn đàn đa phương quốc tế nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực cho phát triển và nâng cao vị thế của Thủ đô; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế..
Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, giao Sở Tài chính đôn đốc các chủ đầu tư tập trung nguồn lực, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công, phấn đấu đạt giải ngân 100% trong năm 2025.