Triển khai công tác đấu thầu trong ngành Tài chính và một số đề xuất


Công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thời gian qua được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định của pháp luật và trình tự thủ tục được cấp có thẩm quyền ban hành. Công tác kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường nhằm đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động đầu thầu. Bài viết trao đổi về công tác đấu thầu; kiểm tra, giám sát đấu thầu trong ngành Tài chính và đề xuất một số kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu trong ngành Tài chính giai đoạn 2016-2021

Những năm qua, công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định của pháp luật và trình tự thủ tục được cấp có thẩm quyền ban hành. Các lĩnh vực đấu thầu gồm: Phi tư vấn, tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp. Các hình thức lựa chọn nhà thầu chủ yếu được áp dụng gồm: đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu... 

Để triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn Ngành, Bộ Tài chính (trực tiếp là Cục Kế hoạch – Tài chính, đơn vị có chức năng tham mưu và giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý toàn diện về công tác Đấu thầu trong ngành Tài chính) đã nghiêm túc phổ biến, quán triệt tới tất các đơn vị thuộc và trực thuộc để đảm bảo việc triển khai công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định. Công tác phổ biến chủ yếu thực hiện thông qua các hình thức như: Tập huấn trong nội bộ từng đơn vị, đăng thông tin về pháp luật đấu thầu trên Cổng/Trang thông tin của Bộ và của các đơn vị, trao đổi hướng dẫn tại các hội nghị/hội thảo…

Đối với các cán bộ làm công tác đấu thầu của tất cả các đơn vị từ Trung ương đến địa phương đều đã được cử tham gia đào tạo các khóa học và được cấp chứng chỉ đấu thầu theo quy định. Ngoài ra, hàng năm, Bộ Tài chính đã có văn bản thông báo cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc Bộ danh mục các văn bản hướng dẫn pháp luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu để thuận lợi cho việc tra cứu thực hiện.

Triển khai công tác đấu thầu trong ngành Tài chính và một số đề xuất - Ảnh 1

Các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng và hội thảo nghiệp vụ đấu thầu cho các cán bộ của các đơn vị để kịp thời cập nhật kiến thức về đấu thầu. Về cơ bản, đa số cán bộ tham gia công tác đấu thầu của ngành Tài chính đều được đánh giá là có năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác, đáp ứng yêu cầu theo quy định hiện hành về thực hiện công tác đấu thầu.

Đặc biệt, trong công tác đấu thầu mua sắm hàng hóa, thiết bị, ngành Tài chính luôn ưu tiên mua sắm thiết bị có thương hiệu Việt Nam. Tất cả các hồ sơ mời thầu về thiết bị đều đưa nội dung ưu tiên đối với hàng hóa có thương hiệu Việt Nam để đánh giá điểm ưu tiên.

Qua đó, tạo điều kiện khuyến khích chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước, các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong ngành Tài chính sử dụng vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu thực hiện các gói thầu sử dụng vốn Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, đồng thời góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy, hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước.

Bảng 1 cho thấy, mỗi năm, ngành Tài chính tổ chức hàng ngàn gói thầu lớn nhỏ để lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ, với tổng giá trị các gói thầu hàng nghìn tỷ đồng. Tất cả các gói thầu đều được tổ chức thực hiện đúng quy trình, thủ tục, đúng quy định của pháp luật và đều đã lựa chọn được nhà thầu phù hợp yêu cầu, tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu ở mức hợp lý và tỷ lệ năm sau thường cao hơn năm trước.

Kiểm tra, giám sát đấu thầu trong ngành Tài chính giai đoạn 2015-2021

Trên cơ sở quy định của Luật đấu thầu, Cục Kế hoạch – Tài chính đã trình Bộ ban hành Quyết định số 2468/QĐ-BTC về việc hướng dẫn quy định của pháp luật đấu thầu. Theo đó, Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của người có thẩm quyền; hướng dẫn về đơn vị, tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu; và đặc biệt là hướng dẫn về trách nhiệm kiểm tra giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của người có thẩm quyền. Đây là điểm mới rất quan trọng so với những hướng dẫn trước đây nhằm tăng cường trách nhiệm của người có thẩm quyền. Khi thấy cần thiết phải thực hiện giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu do mình là người có thẩm quyền thì người có thẩm quyền xem xét, giao nhiệm vụ cho đơn vị hoặc cá nhân thuộc phạm vi quản lý thực hiện trong Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc thông báo bằng văn bản (trường hợp trong quá trình đấu thầu) để các chủ đầu tư, bên mời thầu biết và phối hợp thực hiện.

Ngoài ra, với số lượng các gói thầu hàng năm rất lớn, để đảm bảo thống nhất trong tổ chức triển khai, bên cạnh các quy định chung của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã ban hành 02 quyết định, 11 văn bản hướng dẫn trong toàn Ngành, cùng hàng chục văn bản giải đáp vướng mắc, kiến nghị của các đơn vị.

Bộ Tài chính là đơn vị đầu tiên ban hành quy định tiêu chí xác định các gói thầu trong nội bộ ngành Tài chính thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng và lộ trình thực hiện (Quyết định số 1706/QĐ-BTC quy định tiêu chí xác định các gói thầu trong nội bộ ngành Tài chính thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng và lộ trình thực hiện đến năm 2025). Bên cạnh đó, Bộ Tài chính thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị trong Ngành về tình hình triển khai công tác đấu thầu theo quy định.

Triển khai công tác đấu thầu trong ngành Tài chính và một số đề xuất - Ảnh 2

Nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và chấn chỉnh kịp thời những tồn tại sai sót của các chủ đầu tư, bên mời thầu, hàng năm, Bộ Tài chính đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát nội dung mua sắm của các đơn vị. Từ năm 2015 đến năm 2021, Bộ Tài chính đã tổ chức được 250 đoàn kiểm tra, giám sát định kỳ theo kế hoạch (chỉ tính các cuộc kiểm tra của cấp trung ương, không kể hàng ngàn cuộc kiểm tra nội bộ), trong đó có lồng ghép kiểm tra nội dung liên quan đến công tác đấu thầu. Đặc biệt, đã tổ chức 12 đoàn kiểm tra, giám sát đấu thầu do Cục Kế hoạch – Tài chính chủ trì theo đúng quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BKHĐT ngày 22/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc giám sát, theo dõi và kiểm tra hoạt động đấu thầu và giám sát trực tiếp 75 gói thầu.

Thông qua công tác kiểm tra, có thể thấy các đơn vị trong ngành Tài chính cơ bản đã tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước và của Bộ Tài chính về đấu thầu trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư mua sắm; các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu được thực hiện đầy đủ, đúng thẩm quyền; thực hiện đầy đủ công khai trong việc đăng tải thông tin đấu thầu… Trên cơ sở kết quả kiểm tra, những điểm hạn chế đã được các đơn vị tiếp thu, bổ sung, rút kinh nghiệm khi thực hiện đấu thầu những gói thầu tiếp theo cũng như phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Đặc biệt, đấu thầu qua mạng được các đơn vị áp dụng và thực hiện có hiệu quả. Từ năm 2018, Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu qua mạng hàng quý để kịp thời nắm bắt tình hình thực hiện chung của toàn ngành, từ đó có văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện có hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu qua mạng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nếu như năm 2016 là năm đầu tiên áp dụng đấu thầu qua mạng, Bộ Tài chính chỉ đạt 0,58% số lượng gói thầu thì năm 2021 theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư con số này đã đạt 94,46% số lượng gói thầu của ngành Tài chính thuộc phạm vi được tổ chức đấu thầu qua mạng.

Tăng cường hiệu quả công tác đấu thầu trong ngành Tài chính thời gian tới

Có được kết quả tích cực trên là những nỗ lực không nhỏ của toàn ngành Tài chính trong việc tổ chức đấu thầu mua sắm, trên hết là chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ gắn với nâng cao trách nhiệm cụ thể của từng thủ trưởng đơn vị, cùng với công tác tham mưu và tăng cường kiểm tra, giám sát đấu thầu của Cục Kế hoạch – Tài chính, cũng như của các đơn vị tài chính, kế hoạch thuộc người có thẩm quyền mua sắm. Đồng thời, các đơn vị trong toàn Ngành đã quyết liệt đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong đấu thầu mua sắm qua mạng đã giúp nâng cao chất lượng đấu thầu mua sắm của toàn ngành tài chính đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại ở các khâu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu như: kế hoạch lựa chọn nhà thầu ở một vài đơn vị đôi lúc còn phải điều chỉnh; một số hồ sơ mời thầu còn đưa các tiêu chí không phù hợp; thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu vượt quá thời gian quy định; việc đăng tải thông tin trong đấu thầu đôi chỗ còn chưa đảm bảo tuân thủ…

Trong thời gian tới, nhằm làm tốt hơn nữa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả kinh tế, hạn chế thấp nhất những tồn tại, thiếu sót ở các khâu trong quá trình tổ chức đấu thầu, ngành Tài chính cần chú trọng thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, thủ trưởng các đơn vị dự toán trong ngành Tài chính cần quan tâm, chỉ đạo các đơn vị tăng cường theo dõi giám sát hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu do mình là người có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 10/2016/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc giám sát, theo dõi và kiểm tra hoạt động đấu thầu và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Hai là, các chủ đầu tư, bên mời thầu cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các trách nhiệm của mình, bảo đảm tổ chức lựa chọn nhà thầu hiệu quả, nhanh chóng theo đúng quy định. Công khai, minh bạch toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Ba là, các đơn vị phải xây dựng kế hoạch, bố trí cán bộ phụ trách công tác đấu thầu tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng pháp luật về đấu thầu để thuận lợi cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện, tích cực và chủ động tham gia ý kiến với các đơn vị chủ trì trong việc sửa đổi chính sách, pháp luật về đấu thầu.

Bốn là, các đơn vị cần nghiên cứu kỹ Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghiêm túc chấp hành và tăng cường thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng trong phạm vi đơn vị, đáp ứng theo đúng yêu cầu của pháp luật hiện hành và Quyết định số 1706/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy định tiêu chí xác định các gói thầu trong nội bộ ngành Tài chính thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng và lộ trình thực hiện đến năm 2025. Thường xuyên trao đổi, phối hợp với Cục Kế hoạch – Tài chính trong quá trình tổ chức thực hiện.

Với những giải pháp như trên, hy vọng rằng năm 2022 và những năm tiếp theo, các đơn vị trong ngành Tài chính tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa quy định của pháp luật về đấu thầu. Tổ chức lựa chọn nhà thầu đảm bảo cạnh tranh, công khai, minh bạch, tạo sự bình đẳng giữa các nhà thầu, qua đó khuyến khích được những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tham gia dự thầu làm tăng hiệu quả sử dụng vốn, chống thất thoát, lãng phí nguồn ngân sách nhà nước. 

Tài liệu tham khảo:

Bộ Tài chính (2015), Quyết định số 2468/QĐ-BTC hướng dẫn một số quy định của pháp luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu trong nội bộ ngành Tài chính;

Bộ Tài chính (2019), Quyết định số 1706/QĐ-BTC quy định tiêu chí xác định các gói thầu trong nội bộ ngành Tài chính thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng và lộ trình thực hiện đến năm 2025;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), Thông tư số 10/2016/TT-BKHĐT Quy định chi tiết việc giám sát, theo dõi và kiểm tra hoạt động đấu thầu;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

Bộ Tài chính (2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021),  Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu ngành Tài chính năm.

(*) ThS. Nguyễn Chí Dũng, Cục Kế hoạch - Tài chính, Bộ Tài chính

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2022