Tổng cục Dự trữ Nhà nước:

Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ gạo theo Nghị định số 116/NĐ-CP

PV.

Thực hiện chính sách hỗ trợ gạo theo Nghị định số 116/NĐ-CP của Chính phủ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã hoàn thành xuất sắc việc xuất cấp, vận chuyển trên 30 nghìn tấn gạo đến với gần 480 nghìn học sinh vùng đặc biệt khó khăn của trên của 47 tỉnh thành trong cả nước.

Niềm vui của các em học sinh khi được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ.
Niềm vui của các em học sinh khi được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ.

Theo ông Phạm Phan Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN: Để đảm bảo cấp gạo kịp thời cho các địa phương hỗ trợ học sinh trong học kỳ II năm học 2016 - 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục DTNN xuất cấp trên 30.000 tấn gạo cho gần 480.000 học sinh của 47 tỉnh, thành phố theo nguyên tắc: Các địa phương đã có báo cáo chi tiết về số lượng học sinh, số gạo hỗ trợ thì cấp theo số lượng báo cáo; các địa phương chưa có số liệu báo cáo thì tạm cấp theo số liệu của các địa phương đã phân bổ trong học kỳ I năm học 2016 - 2017 để tính cho 4 tháng của học kỳ II năm học 2016 - 2017.

“Ngay khi nhận nhiệm vụ, từ những ngày cuối tháng 2, Tổng cục DTNN đã triển khai thực hiện một cách khẩn trương, hiệu quả theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính”, ông Phạm Phan Dũng nhấn mạnh.

Chia sẻ về những năm gắn bó cùng những chuyến xe chở hàng cứu trợ, một cán bộ thủ kho của Cục DTNN khu vực Đà nẵng tâm sự: “Đường đến với các em học sinh vùng đặc biệt khó khăn luôn rất khó khăn. Trời nắng thì còn đỡ, chứ nếu trời mưa thì thật khó, đường đất lầy lội, nhưng mỗi lần gần tới điểm trường của các em học sinh, chúng tôi càng cố gắng để đưa gạo đến với các em nhanh nhất, luôn phải đảm bảo số lượng và chất lượng tốt nhất”.

Ở bất kỳ địa phương nào trên cả nước, từ các em học sinh, các bậc phụ huynh cho tới chính quyền địa phương đều rất phấn khởi khi được tiếp nhận chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ. Tại các tỉnh miền núi, nhiều trường đã sử dụng gạo được hỗ trợ để tổ chức nấu ăn cho các em, thông qua đó quản lý chặt chẽ số gạo được cấp phát, sử dụng đúng mục đích.

Đối với các trường không tổ chức nấu ăn cho các em thì các thầy cô đã tích cực tham gia tiếp nhận, phân bổ gạo cho các em học sinh, phối hợp với phụ huynh học sinh để giao gạo về tận nhà cho các em, đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình các em không phải ăn ngô, ăn sắn trong mùa giáp hạt.