Triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: Một năm nhìn lại

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2019

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/6/2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) đến nay, sau hơn 01 năm triển khai đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động trong việc triển khai các nội dung đề cập trong Luật và các văn bản quy định chi tiết, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng, khai thác có hiệu quả tài sản công của quốc gia.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/6/2017. Nguồn: internet
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/6/2017. Nguồn: internet

Kết quả thực hiện một số nội dung quản lý nhà nước về tài sản công

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng 18 đề án quy định chi tiết thi hành Luật, bao gồm 15 Nghị định của Chính phủ và 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, các cấp có thẩm quyền đã ban hành 24 văn bản, cụ thể: 14 Nghị định của Chính phủ, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 07 Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính; Hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định (quy định việc sử dụng TSC để thanh toán cho nhà đầu tư (NĐT) thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao.

Để xử lý khoảng trống pháp lý trong thời gian Chính phủ chưa ban hành Nghị định quy định việc sử dụng TSC để thanh toán cho NĐT thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 28/12/2018 về việc sử dụng TSC để thanh toán cho NĐT thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao. Đồng thời, để các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng TSC, Bộ Tài chính đã có Công văn số 14735/BTC-QLCS ngày 31/10/2017 và Công văn số 2030/BTC-QLCS  ngày 13/02/2018 đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy việc triển khai thi hành Luật. Như vậy, ngoại trừ Nghị định quy định việc sử dụng TSC để thanh toán cho NĐT thực hiện các dự án theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao, các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng TSC đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan ban hành đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Luật.

Cùng với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cũng được triển khai tích cực. Bộ Tài chính đã tổ chức đăng tải Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản quy định chi tiết thi hành trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Trang Thông tin điện tử về tài sản nhà nước; Tuyên truyền những nội dung chính, những quy định mới về quản lý, sử dụng TSC thông qua 03 cuộc họp báo chuyên đề, các bài viết, chuyên mục đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ Tài chính cũng đã tổ chức 05 hội nghị để phổ biến các nội dung chủ yếu của Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản quy định chi tiết cho tất cả các bộ, cơ quan trung ương, Sở Tài chính các địa phương; Phối hợp tổ chức hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật và các văn bản hướng dẫn cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính đã thành lập 3 đoàn công tác, trực tiếp khảo sát nắm bắt tình hình thực tế triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản hướng dẫn tại một số địa phương, đồng thời tổng hợp những tồn tại vướng mắc để kịp thời hướng dẫn xử lý.

Các bộ, ngành, địa phương đồng bộ vào cuộc triển khai Luật

Theo báo cáo của 38 bộ, ngành và 63 địa phương, kết quả triển khai Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản hướng dẫn được khái quát cụ thể thông qua 7 nội dung sau:

Thứ nhất, tập huấn triển khai Luật Quản lý, sử dụng TSC: Có 28 bộ, ngành và 60 địa phương đã tổ chức tập huấn triển khai Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành đến các cơ quan chủ quản, các tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Nhiều địa phương đã tổ chức tập huấn đến cấp lãnh đạo, cán bộ cấp xã. Các bộ, ngành, địa phương còn lại (Văn phòng Quốc hội, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các tỉnh Bình Thuận, Bình Phước, Cần Thơ) đã có văn bản gửi các đơn vị thuộc phạm vi quản lý đề nghị triển khai thi hành hoặc tổ chức họp để quán triệt việc triển khai Luật Quản lý, sử dụng TSC.

Thứ hai, rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan trung ương, địa phương: Có 28 bộ, ngành và 60 địa phương đã thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật ban hành liên quan đến quản lý, sử dụng TSC.

Thứ ba, ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền trong quản lý, sử dụng TSC theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP: Có 11 bộ, ngành (Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Xây dựng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - BHXHVN) và 62 địa phương đã ban hành quy định về phân cấp quản lý TSC theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Một số bộ, ngành (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN), TTXVN, TANDTC, Bộ Tư pháp) tuy đã thực hiện việc phân cấp; nhưng các văn bản phân cấp chủ yếu là văn bản đã ban hành theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Đến nay, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã hết hiệu lực thi hành, vì vậy, những văn bản trên chưa được công nhận là văn bản quy định về phân cấp quản lý TSC. Một số cơ quan (Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước) chưa thực hiện phân cấp bởi do không có đơn vị cấp dưới.

Thứ tư, ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg: Có 06 bộ, ngành (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ TT&TT, BHXHVN, Ngân hàng Phát triển Việt Nam) và 15 địa phương (Bắc Giang, Cao Bằng, Đà Nẵng, Điện Biên, Gia Lai, Hà Nam, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Lai Châu, Sóc Trăng, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang) đã ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng; có 02 bộ, ngành (Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) và 01 địa phương (TP. Hồ Chí Minh) báo cáo không thực hiện việc phân cấp thẩm quyền ban hành.

Về tiêu chuẩn, định mức cụ thể, đến nay đã có 11 bộ, ngành, 32 địa phương ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Trong đó, có 05 bộ, ngành và 03 địa phương tiếp tục thực hiện theo các Quyết định về tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng đã ban hành theo quy định tại Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg; có 02 bộ, ngành  báo cáo không có máy móc, thiết bị chuyên dùng.

Thứ năm, ban hành tiêu chuẩn, định mức diện tích trụ sở làm việc chuyên dùng, công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp: Có 03 bộ, ngành (Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Ngoại giao, Bộ TT&TT) và 05 địa phương (Đắk Nông, Hà Nam, Hậu Giang, Lào Cai, Sóc Trăng) đã ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý; 07 bộ, ngành (Bộ Tài chính, BHXHVN, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội cựu chiến binh Việt Nam, NHNNVN, TTXVN, Văn phòng Chủ tịch nước) và 01 địa phương (Đồng Tháp) báo cáo là không thực hiện phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức công trình sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Về tiêu chuẩn, định mức cụ thể, có 02 bộ, ngành (Bộ Tài chính, NHNNVN) và 05 địa phương (Hậu Giang, Lào Cai, Quảng Ngãi, Cà Mau, Hà Giang) đã ban hành tiêu chuẩn, định mức diện tích trụ sở làm việc chuyên dùng, công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Thứ sáu, rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung: Có 25 bộ, ngành và 51 địa phương đã thực hiện rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung để bảo đảm căn cứ pháp lý theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSC và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; Trong đó, có 09 bộ, ngành và 31 địa phương đã ban hành quyết định thay thế quyết định ban hành danh mục tài sản mua sắp tập trung của bộ, ngành, địa phương.

Thứ bảy, ban hành quy định phân cấp thẩm quyền quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân: Có 02 bộ (Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao) và 30 địa phương đã ban hành quy định phân cấp thẩm quyền quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; 01 bộ (Bộ TT&TT) và 01 địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu) báo cáo là không thực hiện phân cấp.

Những thành công và hạn chế

Sau hơn 01 năm triển khai Luật đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng. Nhiều bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động triển khai các nội dung đề cập trong Luật và các văn bản hướng dẫn chi tiết, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng, khai thác có hiệu quả TSC của quốc gia. Nỗ lực trên được thể hiện cụ thể như sau:

Một là, việc triển khai Luật Quản lý, sử dụng TSC đã được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ. Các bộ, ngành (gồm Tài chính, Quốc phòng, Công an) đã tích cực trong việc xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật nhằm cụ thể hóa những nội dung quy định tại Luật, tạo lập cơ sở pháp lý về công tác quản lý, sử dụng TSC theo hướng chặt chẽ, sử dụng, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ TSC.

Hai là, các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, phổ biến, tập huấn các nội dung mới của Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; qua đó, giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng TSC nắm bắt được các quy định mới để thực hiện việc quản lý, sử dụng theo đúng quy định. Đồng thời, đã thực hiện việc rà soát các văn bản liên quan đến quản lý, sử dụng TSC do các bộ, ngành, địa phương ban hành để sửa đổi, bổ sung, hoặc thay thế cho phù hợp với các quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSC.

Ba là, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc ban hành quy định về phân cấp trong quản lý TSC theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Vì vậy, việc quyết định trong quản lý, sử dụng, xử lý TSC đã cơ bản thông suốt, tạo sự chủ động cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng TSC.

Bốn là, các bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai việc xây dựng tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng và diện tích chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp (xây dựng dự thảo, gửi xin ý kiến các cơ quan có liên quan...).

Năm là, các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý TSC (Bộ Tài chính, Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng, Cục Tài chính - Bộ Công an, Sở Tài chính, Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện) đã mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước để quản lý tiền thu được từ xử lý TSC theo quy định.

Sáu là, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC theo quy định. Đồng thời, để hỗ trợ quản lý tài sản cố định, 20 bộ, ngành và 35 địa phương chủ động sử dụng các phần mềm khác (ngoài Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước) để quản lý tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó bao gồm cả các tài sản có nguyên giá dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Luật Quản lý, sử dụng TSC còn tồn tại một số hạn chế sau:

Thứ nhất, một số loại tài sản và lĩnh vực còn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc các văn bản quy định, hướng dẫn không còn phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng TSC nhưng chưa được thay thế, sửa đổi, bổ sung. Đơn cử như việc chuyển đổi mô hình chợ, việc quản lý, khai thác quỹ nhà, đất do Công ty quản lý kinh doanh nhà quản lý, tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, một số loại tài sản kết cấu hạ tầng khác. Trong khi, TSC ở Việt Nam hiện nay có phạm vi rất rộng, do nhiều chủ thể khác nhau quản lý, sử dụng. Mặc dù, Luật Quản lý, sử dụng TSC có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý TSC theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch, tuy nhiên, đối với một số TSC đặc thù cần có quy trình rà soát, chuyển đổi phù hợp.

Thứ hai, tiến độ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng còn chậm, ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản. Theo báo cáo rà soát, hiện nay mới có 50% bộ, ngành, địa phương ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng; đa số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức diện tích chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp. Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH cũng chưa ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo. Thực tế này khiến cho các bộ, ngành, địa phương không có cơ sở để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Ngoài ra, do số lượng máy móc, thiết bị chuyên dùng, diện tích trụ sở chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp quá nhiều, chủng loại đa dạng, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị lại có nhu cầu khác nhau nên việc tổng hợp, xây dựng tiêu chuẩn, định mức chưa được kịp thời.

Thứ ba, một số bộ, ngành, địa phương chưa kịp thời ban hành các văn bản phân cấp thẩm quyền để thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản quy định thi hành Luật. Trong đó, một số bộ, ngành, địa phương tiếp tục sử dụng quy định phân cấp đã ban hành trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng TSC có hiệu lực thi hành. Điều này có thể dẫn đến sai thẩm quyền khi quyết định mua sắm, thuê, sử dụng, xử lý TSC, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.... Điển hình một số nội dung triển khai chậm có thể đề cập tới như: quy định tài sản lớn để phân định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (thống kê đến nay mới chỉ có Bộ Tài chính và 9 địa phương thực hiện); phân cấp thẩm quyền xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân... còn có một số bộ, ngành, địa phương chưa tích cực và chủ động trong việc triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng TSC.

Giải pháp và định hướng triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thời gian tới

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thời gian tới cần chú trọng một số nhóm giải pháp cụ thể sau:

Ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công

Thứ nhất, Văn phòng Chính phủ cần khẩn trương hoàn tất quy trình để trình Chính phủ ký ban hành Nghị định quy định việc sử dụng TSC để thanh toán cho NĐT thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao.

Thứ hai, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan: (i) Rà soát các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSC để bảo đảm hướng dẫn chi tiết đầy đủ các nội dung được quy định trong Luật làm căn cứ pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện; (ii) Trên cơ sở các vướng mắc, khó khăn theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, cần tiếp tục rà soát các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSC để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết).

- Các Bộ gồm Y tế, Giáo dục và Đào tạo, LĐ-TB&XH khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC chuyên dùng trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương quyết định định mức cụ thể.

- Bộ Công Thương cũng cần tập trung rà soát để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 và Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về quản lý và phát triển chợ, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC, pháp luật về đất đai và các quy định có liên quan.

Triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và văn bản hướng dẫn thi hành

- Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành do bộ, cơ quan trung ương, địa phương ban hành liên quan đến quản lý, sử dụng TSC và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh khẩn trương ban hành quy định về phân cấp quản lý TSC theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP và Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg, phân cấp thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP.

Trong thời gian chưa ban hành quy định về phân cấp thì các việc như quyết định quản lý, sử dụng, xử lý TSC; ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp; phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân... do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh quyết định.

- Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo xây dựng, ban hành kịp thời các tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC chuyên dùng để làm cơ sở thực hiện việc giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

- Các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung của các bộ, ngành, địa phương để ban hành, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm căn cứ pháp lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSC và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; tài sản được đưa vào danh mục mua sắm tập trung phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và thực tế của bộ, ngành, địa phương.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh khẩn trương ban hành quy định về tài sản có giá trị lớn để phân định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng TSC tại đơn vị sự  nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý vào mục đích kinh doanh, cho thuê. Trường hợp chưa hoặc không ban hành quy định về tài sản có giá trị lớn thì việc phê duyệt Đề án sử dụng TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh.

- Các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý khẩn trương xây dựng, chỉnh lý hoặc ban hành mới Quy chế quản lý, sử dụng TSC của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức quản lý, sử dụng, xử lý TSC được giao quản lý, sử dụng đúng quy định của pháp luật. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi khẩn trương hoàn thành việc rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản hiện có, để thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác theo quy định.

- Tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý TSC, nâng cấp Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TSC để tiến tới quản lý tất cả các TSC theo quy định; xây dựng hệ thống giao dịch điện tử về TSC để thực hiện các giao dịch về tài sản (như: bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản...) đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý, xử lý TSC.

- Các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh sớm kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý TSC, bảo đảm năng lực để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác quản lý TSC tại các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương theo hướng chuyên nghiệp, tiến tới áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; tăng cường giám sát của cộng đồng xử lý kịp thời nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC. Việc thanh tra, kiểm tra phải thực hiện từ khâu lập dự toán, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản để phòng ngừa kịp thời các hành vi vi phạm.      

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2017), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;
  2. Cục Quản lý công sản (2018), Báo cáo kết quả công tác năm 2018, kế hoạch công tác năm 2019;
  3. Báo cáo chuyên đề về công tác Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2018;
  4. Bộ Tài chính, Báo cáo về kết quả triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.