Triển khai quy trình quản lý và cưỡng chế nợ thuế
Theo Tổng cục Thuế, quy trình quản lý và cưỡng chế nợ thuế được ban hành đã bám sát với tình hình thực tế tại địa phương, dễ triển khai thực hiện qua ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các khâu, thuận tiện hơn trong việc trao đổi, gửi thông báo đến người nộp thuế.
Vừa qua, Tổng cục Thuế đã tổ chức 02 hội nghị tập huấn Quy trình quản lý nợ theo Quyết định số 1129/QĐ-TCT ngày 20/7/2022 và Quy trình cưỡng chế tiền thuế nợ theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022. Các hội nghị này đã giúp cục thuế các địa phương hiểu rõ những điểm quan trọng quy trình quản lý nợ và giới thiệu quy trình cưỡng chế tiền thuế nợ và các ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng 2 quy trình mới.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, triển khai công tác quản lý nợ, quy trình quản lý nợ đã sửa đổi, bổ sung các nội dung về phân loại nợ thuế, về hồ sơ phân loại nợ thuế để phù hợp với quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về đăng ký kinh doanh, phá sản…; phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế quản lý.
Đồng thời, quy trình cũng đã bổ sung nội dung, trình tự thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh. Đây là nội dung hoàn toàn mới được đưa vào hướng dẫn trong quy trình quản lý nợ theo Quyết định số 1129/QĐ-TCT.
Cụ thể, theo Quy trình, hàng tháng sau khi rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn, hoặc theo đề nghị từ các bộ phận khác, bộ phận quản lý nợ lựa chọn các trường hợp thực hiện tạm hoãn xuất cảnh gồm: cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Về gia hạn tạm dừng xuất cảnh, áp dụng với người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, trước khi hết thời hạn tạm hoãn xuất cảnh 30 ngày mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì hệ thống ứng dụng quản lý thuế hỗ trợ lập danh sách người nộp thuế thuộc trường hợp gia hạn tạm hoãn xuất cảnh theo Mẫu số 02-1/DS-XC trình lãnh đạo cơ quan thuế ký ban hành, gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và gửi tới người nộp thuế.
Trường hợp người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, thì bộ phận quản lý nợ dự thảo thông báo hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh, trình lãnh đạo ký ban hành, gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để hủy bỏ trong vòng 24 giờ làm việc.
Về quy trình cưỡng chế tiền thuế nợ đã hướng dẫn các nguyên tắc thực hiện cưỡng chế phù hợp với các quy định Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
Theo đó, có 4 trường hợp bị cưỡng chế nợ thuế bao gồm: người nộp thuế có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định; người nộp thuế có tiền thuế nợ khi hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế; người nộp thuế có tiền thuế nợ có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn; người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời hạn ghi trên quyết định.
Cơ quan thuế căn cứ tình hình thực tế của người nộp thuế để áp dụng các biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế tại kho bạc, ngân hàng...
Trường hợp người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức, nhưng cơ sở dữ liệu tại cơ quan thuế không có thông tin về tài khoản, hoặc thông tin về tài khoản không chính xác thì cơ quan thuế phải xác minh thông tin về tài khoản để thực hiện cưỡng chế.
Trường hợp cơ quan thuế có đủ thông tin, tài liệu xác định người nộp thuế đang có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hoặc đã thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ít nhất một lần trong vòng 12 tháng, thì áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan.
Bên cạnh đó, Quy trình được xây dựng trên cơ sở hệ thống công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ tối đa trong các bước thực hiện cưỡng chế: từ hỗ trợ lập danh sách người nộp thuế chuẩn bị cưỡng chế, lập danh sách người nộp thuế phải cưỡng chế, ban hành quyết định cưỡng chế, gửi và công khai quyết định cưỡng chế ở tất cả các biện pháp cưỡng chế.
Chia sẻ về quy trình cưỡng chế nợ thuế vừa được cơ quan thuế Việt Nam ban hành, ông Ota Hidetaka - Cố vấn trưởng Dự án của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, Quy trình có nhiều điểm mới, quy định cụ thể hơn so với trước. Theo đó, với từng đối tượng chậm nộp, sẽ có những giải pháp quản lý phù hợp, từ đó tạo thuận lợi cho cán bộ thuế trong xử lý cưỡng chế nợ thuế...
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý, cần tính tới khả năng khi áp dụng quy trình vào thực tiễn sẽ có những vướng mắc phát sinh, do đó cơ quan thuế cần phân tích từng trường hợp để thực hiện linh hoạt các bước quản lý. Có như vậy, mới tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ trực tiếp xử lý và nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả công tác quản lý nợ, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nâng cấp ứng dụng quản lý, áp dụng trí tuệ nhân tạo AI để xây dựng trợ lý ảo, sổ tay nghiệp vụ, tạo bước đột phá cho quản lý nợ thuế.
Ngoài ra, thực hiện Thông báo số 657/TB-TCT ngày 30/12/2022 về nhiệm vụ, chương trình công tác thuế năm 2023, kết hợp với chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, phố biến, cập nhật, hướng dẫn, trao đổi các nội dung mới của quy trình và dự kiến nâng cấp hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung TMS nhằm đáp ứng quy trình cho các công chức làm công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trong thời gian tới.