Triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp thu hồi nợ thuế
Trong năm 2022, ngành Thuế đã kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đối với những trường hợp chây ỳ, để nợ thuế, có dấu hiệu tẩu tái tài sản, bỏ trốn. Toàn Ngành đã ban hành 160.504 quyết định cưỡng chế tài khoản, 18.991 quyết định cưỡng chế hóa đơn, 3.054 quyết định cưỡng chế thu hồi giấy phép và 152 quyết định cưỡng chế bằng các biện pháp khác.
Triển khai các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế thu nợ thuế
Năm 2022, Tổng cục Thuế đã bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính kịp thời triển khai những giải pháp thu nợ, xử lý nợ thuế, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời trong toàn Ngành.
Trong đó, ngành Thuế đã tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế thu nợ thuế. Ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2022, Tổng cục Thuế giao chỉ tiêu thu nợ và chỉ tiêu nợ thuế cho các Cục Thuế, để lập kế hoạch thu nợ theo tháng, quý và giao chỉ tiêu thu nợ đến từng cán bộ, công chức quản lý nợ; gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với nhiệm vụ thu hồi nợ thuế của đơn vị.
Tổng cục Thuế đã tổ chức theo dõi, giám sát tình hình nợ thuế để chỉ đạo đôn đốc nộp kịp thời vào NSNN; rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, lập danh sách các doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nợ, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung rà soát, phân loại những người nộp thuế (NNT) để xác định rõ nguyên nhân nợ thuế, chỉ đạo các Cục Thuế áp dụng các biện pháp phù hợp với từng đối tượng để thu nợ vào NSNN.
Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo cơ quan thuế các cấp đẩy mạnh việc ban hành thông báo nợ thuế bằng phương thức điện tử gửi NNT để đôn đốc, nhắc nhở nộp tiền thuế nợ và cung cấp thông tin cảnh báo tình hình nợ thuế cho NNT. Trong năm 2022, toàn ngành Thuế đã ban hành 448.182.650 lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp gửi đến NNT, đạt 100% số NNT phải thông báo, gửi thư điện tử trao đổi thông tin qua email về tình hình nợ thuế của doanh nghiệp.
Kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đối với những trường hợp chây ỳ, để nợ thuế, có dấu hiệu tẩu tái tài sản, bỏ trốn. Trong năm 2022, toàn ngành Thuế đã ban hành 160.504 quyết định cưỡng chế tài khoản, 18.991 quyết định cưỡng chế hóa đơn, 3.054 quyết định cưỡng chế thu hồi giấy phép và 152 quyết định cưỡng chế bằng các biện pháp khác.
Năm 2022, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website của cơ quan Thuế với 588.732 lượt NNT chây ỳ, nợ thuế không nộp tiền thuế đúng hạn với tổng số tiền thuế nợ đã công khai là 186.424 tỷ đồng.
Bên cạnh công tác nghiệp vụ, ngành Thuế cũng tăng cường hoàn thiện cơ chế chính sách để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nợ, cưỡng chế thu nợ thuế. Trong năm 2022, Tổng cục đã ban hành Quy trình Quản lý nợ và Quy trình cưỡng chế nợ thuế thay thế cho các quy trình cũ áp dụng từ năm 2015.
Tổng cục Thuế cũng tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý nợ thuế, tổ chức giám sát chặt chẽ việc xử lý nợ đọng thuế, trực tiếp chỉ đạo xử lý nợ đọng đối với các doanh nghiệp nợ lớn. Hàng tháng đánh giá tình hình thực hiện đôn đốc và thông báo bổ sung những trường hợp nợ mới phát sinh, nợ thuế tăng cao để các Cục Thuế tổ chức đôn đốc thu kịp thời vào NSNN; thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế....
Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cơ quan thuế các cấp trong việc xử lý nợ đọng thuế, Tổng cục Thuế tập trung chỉ đạo hướng dẫn, giải đáp các kiến nghị vướng mắc trong quá trình xử lý, đôn đốc thu tiền thuế nợ, cưỡng chế nợ thuế của các Cục Thuế và NNT để phấn đấu thực hiện được các chỉ tiêu thu tiền thuế nợ đã giao cho các Cục Thuế...
Song song với đó, kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn cho NNT, giúp NNT ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh; kịp thời hướng dẫn NNT lập giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất để được hưởng chính sách của Chính phủ; Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, giải thích các quy định pháp luật về nợ thuế, gia hạn nợ thuế cho NNT.
Hiện đại hóa công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, ngành Thuế đã nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng các thay đổi nghiệp vụ quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định...
Số tiền thu hồi nợ thuế năm 2022 là hơn 39 nghìn tỷ đồng
Nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, lũy kế ước tính đến thời điểm ngày 31/12/2022, toàn ngành Thuế đã xử lý xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế cho 41.224 NNT, với tổng số tiền là 1.966 tỷ đồng.
Đồng thời, xử lý không tính tiền chậm nộp thuế đối với 484 lượt NNT với tổng số tiền là 294 tỷ đồng; xử lý nộp dần tiền thuế đối với 11 trường hợp với tổng số là 85 tỷ đồng; xử lý gia hạn nộp thuế đối với 11 trường hợp với tổng số là 26 tỷ đồng và miễn tiền chậm nộp đối với 1.463 trường hợp với tổng số tiền là 252 tỷ đồng.
Ước tính đến cuối năm 2022, tổng số NNT đã được xử lý khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp NSNN theo Nghị quyết 94/2019/QH14 với tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp được xử lý là 35.229 tỷ đồng. Trong đó, xử lý khoanh nợ tiền thuế là 28.217 tỷ đồng; Xử lý xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 7.012 tỷ đồng.
Lũy kế ước tính đến thời điểm ngày 31/12/2022, toàn ngành Thuế thực hiện thu hồi và xử lý điều chỉnh nợ là trên 39.000 tỷ đồng. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ là 31.000 tỷ đồng; điều chỉnh nợ là 8.000 tỷ đồng.
Tổng số tiền nợ thuế do ngành Thuế quản lý ước tính đến thời điểm cuối năm 2022 là 122.918 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng thu năm 2022 ước tính 10,7%; tỷ lệ tổng nợ có khả năng thu trên tổng thu năm 2022 ước tính 7,1%.
Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý (đang trình các cơ quan có thẩm quyền xử lý xóa nợ) và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ do ngành Thuế quản lý ước tính đến thời điểm cuối năm 2022 là 103.523 tỷ đồng, tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng thu năm 2022 ước tính 9%.