Triển vọng cho chứng khoán, ngân hàng
(Tài chính) Thị trường chứng khoán (TTCK) đang bước vào những phiên giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết Nguyên đán. Các giao dịch, thanh khoản mỗi lúc một thấp, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã nghỉ Tết sớm. Tuy nhiên, các hoạt động mua bán trên thị trường vẫn rất sôi động trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, 2 lĩnh vực được nhiều chuyên gia dự báo là rất tươi sáng.
CTCK (Công ty chứng khoán) Bảo Việt (BVSC) vừa đưa ra bản phân tích chiến lược năm 2015, nhận định đây sẽ là năm tươi sáng của cổ phiếu ngành chứng khoán, ngân hàng với triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh và kỳ vọng mở room khối ngoại.
Theo đó, sau khi Thông tư 36 có hiệu lực, các CTCK có nguồn vốn dồi dào sẽ có cơ hội để bứt phá, mở rộng thị phần môi giới nhằm chiếm lĩnh thị trường. Một số CTCK nhỏ gặp hạn chế về vốn không đáp ứng được nhu cầu sử dụng margin, có thể tiếp tục bị sáp nhập hoặc thu hẹp lại.
Cơ hội bứt phá
Theo BVSC đánh giá, mức tăng trưởng 22% của chỉ số ngành chứng khoán trong 1 năm trở lại đây chưa phản ánh hết những chuyển biến tích cực trong ngành. Các CTCK lớn được hưởng lợi nhiều từ việc đẩy mạnh tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán và qua đó loại bỏ những CTCK nhỏ, không đủ năng lực tài chính trước yêu cầu mới.
Sự tăng trưởng này có sự đóng góp rất lớn khi TTCK năm 2014 (mức tăng trưởng 113% trên HoSE và 164% trên HNX). Vì vậy, BVSC cho rằng tiềm năng tăng trưởng của ngành chứng khoán vẫn còn rất lớn.
Trong năm 2015, lộ trình tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán đang được đẩy mạnh sẽ loại bỏ những CTCK nhỏ, yếu kém. Qua đó, các CTCK lớn trong top 10 được hưởng lợi.
Thị trường cũng có những hứa hẹn, như: việc ra đời TTCK phái sinh, nới room cho NĐT nước ngoài hay việc chuẩn bị hồ sơ cho việc nâng hạng TTCK lên nhóm thị trường mới nổi.
Các sự kiện này đều sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng về giá trị giao dịch của TTCK, qua đó tạo kỳ vọng và giúp các CTCK được hưởng lợi. Với Thông tư 36 được áp dụng vào đầu tháng 2/2015, BVSC cho rằng các CTCK top đầu có nguồn vốn dồi dào có thể mở rộng thị phần. Hiện tại, đã có một số CTCK vừa và nhỏ thông báo tạm thời thu hẹp các nguồn cung margin liên kết với ngân hàng, bao gồm SHS, MSBS, VND và MBS.
Các CTCK top đầu là tương đối dồi dào, dư địa cho vay khá lớn như SSI, HCM, BVS… Một số cổ phiếu không có hoặc bị hạn chế tỷ lệ thấp trong danh mục cho vay ký quỹ của UBCK hay nhóm các mã có tính đầu cơ, thanh khoản cao như KLF, FLC, OGC…
Tâm điểm cổ phiếu ngân hàng
Trong những phiên giao dịch vừa qua, thị trường khá ảm đạm, trầm lắng, nhưng cổ phiếu ngân hàng vẫn được giao dịch thỏa thuận khá mạnh. Một số NĐT nội nghỉ tết, thờ ơ với thị trường thì khối ngoại lại mạnh tay gom cổ phiếu ngân hàng.
Cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân đã được chuyển nhượng hơn 13,5 triệu cổ phiếu trong phiên với giá 7.000 đồng/cổ phiếu, đạt giá trị 95 tỷ đồng.
Còn cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (EximBank) tiếp tục tạo thu hút sự chú ý của NĐT khi được thỏa thuận 2,56 triệu cổ phiếu, đạt giá trị 31,95 tỷ đồng.
Trong những phiên gần đây, EIB liên tục được được thỏa thuận với khối lượng cổ phiếu rất lớn. Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, EIB đã có 12 phiên thỏa thuận với khối lượng đạt hơn 112 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 9% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của EIB.
Vào thời điểm hiện tại, cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm của thị trường với khối lượng giao dịch "khủng" của các mã khớp lệnh hàng triệu cổ phiếu như: CTG, BID, VCB, MBB...
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) có kế hoạch bán 15% cổ phần cho NĐT chiến lược nước ngoài và 10% cổ phần cho NĐT tài chính nước ngoài trong quý III năm nay. BIDV cũng sẽ tăng thêm 10% vốn điều lệ thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu cho các NĐT hiện hữu trong nửa đầu năm 2015. Đây là nhân tố hỗ trợ tích cực cho thị trường trong bối cảnh diễn biến giao dịch không có nhiều chuyển biến mới trong những phiên trước Tết Nguyên đán. NĐT cứ phải dõi theo sự tăng giảm của BID, CTG, VCB để ra quyết định hành động, ngay cả khi họ không nắm giữ những cổ phiếu này.
Các cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ vai trò chi phối trong diễn biến của VN-Index trong giai đoạn vừa qua. Khối lượng giao dịch lớn của nhóm ngân hàng còn có sự đóng góp của NĐT nước ngoài mua ròng khá mạnh. Sự chủ động của họ trong giao dịch cũng là điều tích cực cho thị trường.
CTCK FPT (FPTS), nhận định tâm lý nghỉ Tết sớm đã hạn chế phần nào sự sôi động của thị trường. NĐT khá cân nhắc khi đổ tiền vào thị trường và cổ phiếu có sự phân hóa mạnh. Cổ phiếu ngân hàng vẫn thu hút được dòng tiền khá mạnh nhưng không duy trì được khả năng tăng cao như trước đây.
Tết âm lịch đang đến gần và sự thận trọng cũng như tâm lý chốt lời trước Tết phần nào đã hạn chế dòng tiền của các NĐT. Thị trường cũng đang xuất hiện dòng tiền mạnh vào các mã cổ phiếu đầu cơ. Tuy dòng tiền chưa thực sự mạnh, mức tăng điểm của các mã chưa lớn nhưng cũng là một tín hiệu sớm cho thị trường trong lúc xu hướng dòng tiền chưa rõ ràng.