Triển vọng kinh tế 2018: Quan trọng vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô
Tại hội thảo Kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018: Vững bước cải cách do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 25/1, các chuyên gia cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững trong năm 2018, Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh và đặc biệt là phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh
Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (CIEM) Nguyễn Anh Dương đánh giá, tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2017 có dấu hiệu phục hồi ở tất cả các ngành, tập trung ở cả 3 khu vực chính là nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và đạt 6,81% - mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Xuất khẩu năm 2017 tăng mạnh do đà phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới, nỗ lực tái cơ cấu thị trường và ổn định tỷ giá. Trong khi đó, ngành khai khoáng, tăng trưởng tín dụng và đầu tư công không có sự gia tăng đột biến. Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2017 đến từ việc cải cách thể chế kinh tế.
Theo Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) Nguyễn Minh Thảo, môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2017 cải thiện tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Cụ thể, năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc so với năm 2016, từ vị trí 60 lên vị trí 55/137 nền kinh tế; môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm ngoái, đây là mức tăng cao nhất trong thập niên qua; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127, cao nhất từ trước đến nay…
Trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực quản lý của các bộ. Mới đây, ngày 15/1, Thủ tướng đã ký Nghị định 08/2018/NĐ-CP, bãi bỏ khoảng 600 điều kiện trong số hơn 1.200 điều kiện của Bộ Công thương.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2017 vẫn còn nhiều vấn đề cần lưu tâm. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017 cao nhưng trên 70% kim ngạch xuất khẩu vẫn thuộc về khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP đạt cao hơn dự báo nhưng vẫn thiếu bền vững. Nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn phải chi trả chi phí không chính thức. Năng suất lao động của Việt Nam dù đã được cải thiện song vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới… Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2018.
Phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM nhận định, năm 2018 là bước ngoặt trong hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Đây cũng là thời điểm Việt Nam phải hoàn thiện thủ tục với các tổ chức kinh tế thế giới để được trao quy chế thị trường. Ông Lê Đăng Doanh lưu ý, Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ bài học của Trung Quốc, dù đã chuẩn bị trong hơn 1 năm nhưng vẫn không được Mỹ, Nhật Bản và EU công nhận trao quy chế thị trường.
Vấn đề này cũng có thể xảy ra đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, việc các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực trong năm nay, kéo theo hàng loạt thuế suất nhập khẩu về mức 0% làm cho nguồn thu cho ngân sách nhà nước giảm mạnh. Để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững hơn trong năm 2018, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần thúc đẩy nền kinh tế thị trường và khuyến khích khu vực doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm mất đi công việc của khoảng 86% lao động trong các ngành dệt may và da giày do áp dụng máy móc, robot vào sản xuất. Tuy nhiên, theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, không nên quá bi quan vào việc cách mạng công nghiệp sẽ lấy đi việc làm của người lao động. Ông Doanh cho rằng nên học hỏi kinh nghiệm từ Đức và Thụy Điển. Mặc dù các nước này vận dụng khoa học công nghệ giúp cho kinh tế phát triển nhưng đồng thời tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm vì giữa doanh nghiệp và nhà nước có sự hợp tác rất chặt chẽ và có quy chế rõ ràng.
Khi một doanh nghiệp vận dụng robot, trí tuệ nhân tạo vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ phải báo cáo cụ thể cho Nhà nước “loại” ra bao nhiêu lao động, thu xếp và bố trí công việc cho người lao động như thế nào? Chính vì vậy, để thực sự đối phó được với cách mạng 4.0, Việt Nam cần có bộ máy nhà nước kiến tạo, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, ông Doanh kiến nghị.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là một trong những việc cần tập trung trong năm 2018. Vì thực tế, năm 2017, rất nhiều bộ, ngành, địa phương đã đưa ra những văn bản liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, để những văn bản này áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, cần có hành động xuyên suốt, liên tục, có như vậy mới củng cố được niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh.
Bên cạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Đình Ân cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô là vấn đề quan trọng của Việt Nam trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tập trung cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước thông qua đẩy mạnh cổ phần hóa và quản trị doanh nghiệp nhà nước.
Cùng với đó là kiên định với cải cách thể chế, và có chính sách tiền tệ hợp lý. Bởi nới lỏng tín dụng có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn, song cũng có thể đẩy nền kinh tế trở lại vòng xoáy của nợ xấu, cản trở năng suất và làm giảm dư địa điều hành nếu có những cú sốc bất lợi sau này.