2017 - Năm của những kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam
Năm 2017, quy mô thị trường vốn đạt trên 100% GDP, chỉ số VN Index tăng 48% so với năm 2016 – mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua… “Kết quả này khẳng định vai trò thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, đồng thời, cho thấy nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với các thành viên thị trường, các hiệp hội trong thời gian qua”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà ghi nhận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2018, tổ chức ngày 22/1/2018, tại Hà Nội.
Những dấu mốc ấn tượng
Báo cáo về tình hình thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2017, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết: Năm 2017, với nỗ lực đổi mới, hoàn thiện khung khổ chính sách và điều hành, TTCK đã có sự phát triển vượt bậc, hoàn thành tốt các mục tiêu và kế hoạch đề ra, khẳng định vai trò kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ công tác cổ phần hóa và xử lý nợ xấu.
Quy mô thị trường vốn đạt trên 100% GDP; Chỉ số VN Index tăng 48% so với năm 2016 – mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua; Thanh khoản thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tăng 66%; Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) đạt kỷ lục, trong khi lãi suất phát hành TPCP năm 2017 đạt mức thấp nhất từ trước đến nay (bình quân lãi suất phát hành là 6,07%/năm gảm 0,42% so với năm 2016, giảm 0,21% so với năm 2015).
Năm 2017, TTCK phái sinh đi vào hoạt động, đã góp phần hoàn thiện cơ cấu của TTCK, hoàn chỉnh cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam bao gồm: Thị trường huy động vốn và thị trường phân tán rủi ro. TTCK phái sinh tuy mới triển khai nhưng có sự tăng trưởng mạnh cả về hợp đồng, giá trị giao dịch và số lượng tài khoản...
Dòng vốn nước ngoài vào ròng cao nhất 10 năm qua, với tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài trên TTCK đạt 46,7 nghìn tỷ đồng, giá trị danh mục của NĐT nước ngoài đạt mức cao nhất từ trước đến nay (tăng 90% so với cuối năm 2016).
Theo báo cáo của UBCKNN, 2017 cũng là năm thành công của hoạt động đấu giá thoái vốn với tổng số phiên đấu giá thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp chiếm 73% số phiên đấu giá cổ phần trên 2 Sở, với tổng giá trị thu về gấp 7,8 lần so với năm 2016, góp phần đem lại nguồn vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Công tác thanh tra, giám sát vi phạm tiếp tục được UBCKNN tăng cường và triển khai toàn diện trên TTCK, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nhằm hạn chế các hành vi trục lợi, thao túng thị trường. Đặc biệt, UBCKNN lần đầu tiên từ chối chấp thuận báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán của 15 doanh nghiệp đại chúng và đình chỉ tư cách kiểm toán viên được chấp thuận…
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2018. |
Theo báo cáo của UBCKNN, mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, song TTCK vẫn còn một số vấn đề cần tháo gỡ trong thời gian tới. Chỉ rõ những vấn đề còn hạn chế hiện nay của thị trường, tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho hay: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã dần kiện toàn nhưng vấn đề cốt lõi là Luật Chứng khoán vẫn còn có nhiều nội dung cần hoàn thiện cho phù hợp với bối cảnh; Nhiều quy định còn chưa tương thích với nhiều chính sách mới được ban hành như: Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh…
Quy mô thị trường đã tăng lên, UBCKNN cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm khắc nhiều hành vi vi phạm (cụ thể, có tới 349 vụ việc vi phạm đã bị UBCK xử lý, trong đó có một số khá phức tạp)… điều này cho thấy, tính tuân thủ quy định pháp luật của một số thành viên thị trường còn chưa cao.
Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, thị trường hiện nay phát triển cũng chưa thật sự cân bằng giữa thị trường trái phiếu và cổ phiếu, trong thị trường trái phiếu thì giữa trái phiếu doanh nghiệp và TPCP còn chưa cân bằng và thị trường trái phiếu tuy đã có lộ trình cụ thể nhưng để thúc đẩy thì vẫn còn khó khăn. Nhận định điều này, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết: Nghị định hình thành và phát triển tổ chức định mức tín nhiệm tuy đã báo cáo Chính phủ ban hành, tuy nhiên đến nay mới có 1 doanh nghiệp đăng ký hoạt động và cũng chưa có hoạt động thực tiễn; Tiêu chí xếp hạng tín nhiệm Việt Nam cũng chưa định hình rõ nét; Công ty quản lý lại không có quỹ, chỉ quản lý danh mục đầu tư…
Bốn vấn đề trọng tâm trong năm 2018
Trên cơ sở chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại, Thứ trưởng rần Xuân Hà định hướng 4 vấn đề trọng tâm ngành Chứng khoán cần quan tâm trong năm 2018 và những năm tiếp theo như sau:
Thứ nhất, tập trung xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung, thay thế cho Luật Chứng khoán hiện hành. Nhiệm vụ là phải trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tiên vào kỳ họp thứ 2 năm 2018 (khoảng tháng 11/2018).
Thứ hai, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu TTCK theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện UBCKNN cũng đã và đang lấy ý kiến các đơn vị, bộ, ngành để trình Chính phủ ban hành nhiệm vụ về tái cơ cấu giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, có cả tái cơ cấu về hàng hóa trên thị trường, cơ sở các NĐT, tổ chức tài chính trung gian, đặc biệt là tái cơ cấu khu vực giao dịch thị trường…
Thứ ba, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, là cơ chế thoái vốn nhà nước sao để TTCK thực sự trở thành thị trường thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp và cung cấp nguồn vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế; quản trị điều hành, quản trị rủi ro, công bố thông tin thống nhất, minh bạch…
Thứ tư, cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát, quản lý thị trường, tạo điều kiện cho thị trường tuân thủ quy định pháp luật cao, thực sự là thị trường minh bạch, tạo niềm tin cho NĐT trong và ngoài nước.
Tính chung cả năm 2017, UBCKNN đã ban hành khoảng 349 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, với tổng số tiền là 30,4 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2016.