IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa quyết định hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới xuống còn 3,7% trong năm nay và năm tới, thấp hơn so với con số 3,9% trong dự báo đưa ra hồi tháng 4/2018.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2016 tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang và những yếu tố rủi ro khác có thể tác động tới kinh tế thế giới.
Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (WEO) vừa công bố, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng 4,7% cho hai năm 2018 và 2019.
Đối với khu vực ASEAN 5 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam), tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ đạt 5,3% trong năm 2018, trước khi dịu xuống 5,2% vào năm 2019.
Những yếu tố đe dọa đà tăng trưởng
Theo IMF, căng thẳng thương mại cùng với khả năng một hệ thống thương mại đa phương dựa trên các luật lệ và quy tắc chung có thể bị thay đổi là những mối đe dọa chính đối với triển vọng kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, sự gia tăng bất ổn trong chính sách của các chính phủ có thể khiến tâm lý của thị trường tài chính bất ổn, qua đó dấy lên những làn sóng biến động, đồng thời khiến hoạt động đầu tư và giao thương chậm lại.
Các rào cản thương mại ngày nhiều cũng sẽ làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu và hạn chế sự lan rộng của các công nghệ mới, khiến năng suất và phúc lợi trên toàn thế giới đều suy giảm. Việc áp đặt những hạn chế lên hoạt động nhập khẩu cũng sẽ khiến hàng hóa tiêu dùng đắt đỏ hơn, qua đó tổn hại đến các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Trong bối cảnh đó, IMF dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ vào khoảng 4,2% trong năm nay, thấp hơn 0,6% so với dự báo hồi tháng Tư vừa qua. Con số này sẽ dịu xuống 4% vào năm tới, thấp hơn 0,5% so với ước tính trước đó.
Báo cáo của IMF nhận định căng thẳng thương mại leo thang là một thách thức lớn đối với nền kinh tế thế giới khi tình trạng bất ổn do tranh chấp thương mại gây ra có thể khiến các doanh nghiệp tạm ngừng hoặc chấm dứt rót vốn, khiến hoạt động đầu tư sụt giảm.
Nếu điều này vẫn tiếp diễn, căng thẳng thương mại sẽ leo thang tới mức kéo theo những rủi ro mang tính hệ thống đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tuy vậy, hoạt động đầu tư ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE) được dự báo sẽ vẫn mạnh trong giai đoạn 2019-2023 và tăng trung bình khoảng 5,5%.
Đối với các nền kinh tế phát triển, triển vọng tăng đầu tư trung hạn là thấp hơn khi dự báo chỉ quanh khoảng 2,5% cho năm nay và năm 2019, rồi sau đó chỉ tăng khoảng 1,5% trong các năm 2020-2023.
Điều này là do đầu tư vào tư liệu sản xuất tại các nước này dự kiến sẽ giảm đáng kể do đà tăng trưởng kinh tế “hụt hơi”.
IMF cảnh báo các điều kiện tài chính toàn cầu, dù vẫn đang khá nới lỏng, có thể bất ngờ thắt chặt do các nền kinh tế phát triển mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ, hoặc việc các rủi ro khác hiển hiện khiến tâm lý thị trường biến động.
Những rủi ro trong trung hạn chủ yếu đến từ những lỗ hổng tài chính chưa được khắc phục, việc các quốc gia thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô không bền vững trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại, bất bình đẳng gia tăng, và niềm tin vào các chính sách kinh tế chủ đạo sa sút.
Báo cáo của IMF cho biết lạm phát ở các nền kinh tế phát triển ước tăng từ 1,7% năm 2017 lên khoảng 2% trong năm nay. Trong khi lạm phát tại các nước EMDE (ngoại trừ Venezuela) dự kiến sẽ tăng lên 5%, so với mức 4,3% ghi nhận hồi năm 2017.
Những con số trên cho thấy tình hình lạm phát giữa các quốc gia đều không đồng nhất, tùy thuộc vào chu kỳ tăng trưởng của mỗi nước, cũng như ảnh hưởng từ thị trường tiền tệ nhiều biến động và giá năng lượng tăng cao.
Hợp tác để vượt qua khó khăn
Theo IMF, điều tiên quyết là các quốc gia cần phải hợp tác cùng nhau để giải quyết những thách thức vượt ra ngoài biên giới của chính họ.
Để duy trì và mở rộng những lợi ích đạt được từ hàng thập kỷ hội nhập giao thương toàn cầu dựa theo các quy tắc quốc tế, các chính phủ nên hợp tác để giảm chi phí thương mại hơn nữa, cũng như giải quyết những bất đồng mà không làm gia tăng các rào cản kinh tế.
Hợp tác cũng là yếu tố then chốt giúp các quốc gia hoàn thành nghị trình cải cách trong lĩnh vực tài chính, củng cố hệ thống thuế quốc tế, tăng cường an ninh mạng, giải quyết tham nhũng, giảm thiểu và đối phó với quá trình biến đổi khí hậu.
Ngoài việc kêu gọi chính phủ các nước tập trung xây dựng các chính sách có thể chia sẻ những lợi ích tăng trưởng một cách rộng rãi hơn, IMF còn nhấn mạnh việc cần có "các giải pháp mang tính phối hợp" nhằm đảm bảo tăng trưởng thương mại tiếp tục là một yếu tố then chốt để duy trì và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong báo cáo, IMF cũng kêu gọi các quốc gia nên nắm bắt cơ hội để áp dụng các cải cách cơ cấu, nâng cao năng suất và đảm bảo lợi ích cho xã hội.
Các cải cách này bao gồm khuyến khích đổi mới công nghệ, tạo điều kiện để phụ nữ và thanh thiếu nên tham gia mạnh mẽ hơn vào lực lượng lao động, gia tăng đầu tư vào giáo dục và đào tạo để tăng cường cơ hội việc làm cho người dân.
Những biện pháp điều chỉnh chính sách tiền tệ cần được tiếp tục tại các nước có lạm phát yếu. Nhưng đối với những quốc gia sắp đạt được mục tiêu lạm phát, việc bình thường hóa chính sách tiền tệ cần được tiến hành thận trọng, dựa trên số liệu cụ thể.
Ở các nước đang ghi nhận thị trường việc làm tiệm cận trạng thái toàn dụng lao động, với thâm hụt tài khoản vãng lai cao và tình trạng tài chính không ổn định như Mỹ, nợ công cần được ổn định và dần cắt giảm.
Các biện pháp kích thích kinh tế cũng nên được kết thúc. Trong khi đó, đối với các nước có thặng dư tài khoản vãng lai khá lớn và tình hình tài chính ổn định như Đức, chính phủ nên đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng và giảm sự mất cân bằng thu chi quốc tế.
Báo cáo của IMF cũng nhấn mạnh rằng nghiên cứu của thể chế tài chính này đã chỉ ra những nước có tình hình tài chính vững mạnh trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 xảy ra, và những nước có cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt đều ghi nhận nền kinh tế bị thiệt hại thấp hơn so với các quốc gia có lỗ hổng tài chính lớn.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của của các chính sách vĩ mô và hoạt động giám sát hiệu quả của các chính phủ.
Bên cạnh đó, báo cáo của IMF cũng khuyến cáo các nền kinh tế đang phát triển có thu nhập thấp cần nỗ lực củng cố các điều kiện tài chính của họ, đồng thời ưu tiên các biện pháp giảm nghèo đói.
Những quốc gia này cũng phải tăng cường “sức bền” cho hệ thống tài chính của họ. Đầu tư vào nguồn nhân lực, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng, và giảm khoảng cách trong phát triển cơ sở hạ tầng có thể thúc đẩy đa dạng hóa nền kinh tế và nâng cao năng lực của quốc gia trong việc đối phó với những cú sốc liên quan tới biến đổi khí hậu.