Nguyên nhân nào khiến giới siêu giàu càng thêm giàu trong năm 2020?

Bùi Hiền/Reuters

Vào năm 2020, trong khi thế giới biến động theo đại dịch Covid-19 và nền kinh tế toàn cầu trải qua cuộc suy thoái kinh khủng nhất kể từ Thế chiến II thì đối với các tỷ phú, câu chuyện thời kì dịch bệnh lại hoàn toàn khác bởi những người đã giàu có lại càng thêm giàu có.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cách “giữ tiền” trong mùa dịch

Hiện nay, các tỷ phú đang tìm tới các nhà quản lý tài sản để tư vấn về cách giữ gìn và củng cố tài sản của mình trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu do đại dịch.

Theo cuộc phỏng vấn của Reuters với 7 triệu phú, tỷ phú và hơn 20 cố vấn quản lí tài sản, giới siêu giàu đang thảo luận các kế hoạch như chuyển tiền và doanh nghiệp thành quỹ tín thác, chuyển đến các quốc gia hoặc bang khác có chế độ thuế thuận lợi hơn.

Rob Weeber, Giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản Thụy Sĩ Tiedemann Constantia cho biết, một số khách hàng cũng đang cân nhắc bán đi các tài sản lớn như doanh nghiệp trước khi thuế suất tăng.

Theo các nhà quản lý tài sản, tại Hoa Kỳ, sau khi ông Joe Biden được bầu làm Tổng thống và mức thuế được dự đoán cao hơn đối với người giàu, nhu cầu thiết lập quỹ tín thác của khách hàng càng tăng mạnh. Nhờ quỹ tín thác, họ có thể chuyển tiền cho con cái hoặc những người thân khác dưới ngưỡng miễn thuế 11,7 triệu USD.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden đã đề xuất mức miễn thuế quay trở lại mức năm 2009 - 3,5 triệu USD. Alvina Lo, trưởng chiến lược gia tài chính tại Wilmington Trust cho biết rất nhiều quỹ tín thác được tạo ra và tài trợ vào quý IV/2020, sau khi cuộc bầu cử của nước Mỹ diễn ra vào tháng 11.

Nhạy bén tận dụng biến động thị trường

Theo Forbes, tạp chí kinh doanh nổi tiếng nước Mỹ, gần 2/3 tỷ phú trên thế giới đã tích lũy được tài sản lớn hơn vào năm 2020, có những người giàu trở nên siêu giàu kỷ lục trong sự nghiệp của họ nhờ vào khoản tiền thu hồi hàng nghìn tỷ USD từ các nhà hoạch định chính sách. Forbes ước tính rằng các tỷ phú đã giàu hơn 20% cho đến giữa tháng 12 năm 2020.

Theo Maximilian Kunkel - Giám đốc đầu tư của ngân hàng UBS(Thụy Sĩ), nhiều người đã tận hưởng cơ hội đầu tư không giới hạn cho các nhà đầu tư bán lẻ thông thường, tận dụng sự biến động của thị trường bằng các giao dịch phái sinh ngắn hạn. Khi giá tài sản giảm, nhiều khách hàng tư nhân lớn nhất của ngân hàng đã chọn các giao dịch phức tạp hơn được gọi là đảo ngược rủi ro, bởi họ cược rằng giá sẽ tăng vào phút chót.

“Một số khách hàng của chúng tôi rất nhạy bén trong việc tận dụng những biến động lớn nhất của thị trường.”, giám đốc Maximilian Kunkel chia sẻ.

Giờ đây, khi các chính phủ trên toàn cầu phải vật lộn với nợ nần chồng chất và bất ổn xã hội ngày càng gia tăng, các tỷ phú nhận thức được rằng sự giàu có của họ càng thu hút nhiều sự chú ý hơn.

Nhiều người giàu lo lắng về các yêu cầu từ cơ quan thuế và đang đẩy nhanh kế hoạch rót tiền vào các quỹ ủy thác cho con cái của mình. Nhiều gia đình siêu giàu cũng đã tìm cách chuyển các tài sản khác bao gồm các doanh nghiệp sang quỹ tín thác, tranh thủ tình hình lãi suất thấp và định giá thấp khi đại dịch Covid-19 xảy ra để tiết kiệm thuế tiềm năng trong những năm tới. Họ nhận thức được rằng đó là thời điểm cơ hội để họ tiến hành những chiến lược thông minh đối với tài sản của mình.

Nơi an trú của giới siêu giàu

Những người thuộc giới siêu giàu trên toàn cầu cũng đang có những hành động quyết liệt hơn để giữ tài sản bằng cách chuyển đến các quốc gia và khu vực nơi có chế độ thuế thấp và xã hội lành mạnh hơn đối với giới nhà giàu.

Đối với nhiều người giàu ở các nước đang phát triển, lo ngại rằng những căng thẳng về dịch vụ công có thể dẫn đến bất ổn dân sự đã khiến các thế hệ trẻ của các gia đình giàu có càng muốn tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.

Babak Dastmaltschi, người đứng đầu bộ phận quản lý tài sản quốc tế của Credit Suisse cho biết Thụy Sĩ, Luxembourg và Singapore đã trở thành mục tiêu hàng đầu khi các các tỷ phú cân nhắc nơi đặt trụ sở trong dài hạn. Nhiều ý kiến cho rằng, thế giới sẽ ngày càng hướng tới xu hướng là minh bạch hơn.  Giới tỷ phú ưu tiên tìm các khu vực pháp lý phù hợp, minh bạch, cởi mở, được tôn trọng và được quốc tế công nhận.

Henley & Partners, một công ty tư vấn cư trú và quốc tịch toàn cầu có trụ sở tại London, cho biết số lượng người có giá trị tài sản cao tìm cách chuyển nơi ở đã tăng vọt khi đại dịch diễn ra. Cụ thể: số lượng cuộc gọi từ các khách hàng có trụ sở tại Hoa Kỳ đã tăng 206% vào năm 2020 so với năm trước, các cuộc gọi từ Brazil tăng 156%.

Hanson - Giám đốc nghiên cứu chịu thuế của Công ty tư vấn đầu tư NEPC’s Private Wealth group, cho biết việc chuyển đến các bang có thuế suất thấp, bao gồm Texas, Florida và Washington, cũng đang trở nên phổ biến hơn.