Triển vọng thương mại tự do châu Âu - Việt Nam
Ngày 2/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức họp báo ra mắt Sách trắng lần thứ 9 năm 2017. Chủ tịch EuroCham Michael Behrens cho biết, Sách trắng 2017 đã dành riêng một chương đề cập đến Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), trong đó nhấn mạnh đến việc thực thi và tác động của nó đến hoạt động kinh doanh.
Điểm đến hứa hẹn
Theo đánh giá của EuroCham, việc thực thi và tác động của Hiệp định này vào năm 2018 sẽ đem đến những thay đổi vượt bậc giữa châu Âu và Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị hoãn. Cao ủy Liên minh châu Âu về Thương mại, bà Cecilia Malmstrom nhận định: “Hiệp định EVFTA sẽ mở ra một thị trường có tiềm năng khổng lồ cho các doanh nghiệp thuộc EU.
Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh với hơn 90 triệu người tiêu dùng, tầng lớp trung lưu đang gia tăng và lực lượng lao động trẻ năng động. Thị trường Việt Nam cũng mang đến nhiều cơ hội cho hàng xuất khẩu nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của EU. Hiệp định cũng tạo cơ hội cho một làn sóng đầu tư chất lượng cao mới từ cả hai phía, đồng thời được hỗ trợ bởi một cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư mới kèm theo quyền kháng cáo”.
EuroCham đã phát triển cả về số lượng và chất lượng với 950 thành viên và 16 tiểu ban ngành nghề. Mỗi tiểu ban đều mở rộng hơn cả về số lượng thành viên, kết quả đạt được và tác động tạo ra. Có thể nhận định, EVFTA rõ ràng là một bước ngoặt trong mối quan hệ giữa hai bên, đánh dấu sự hợp tác phát triển chưa từng có giữa EU và Việt Nam.
Các thành viên EuroCham mong muốn được hợp tác với Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam và cơ hội giữa các doanh nghiệp khi EVFTA dự kiến có hiệu lực trong năm 2018. Như vậy, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối và sẽ trở thành điểm đến hứa hẹn nhất Đông Nam Á cho các doanh nghiệp châu Âu.
Hấp dẫn hoạt động đầu tư trực tiếp
Theo đánh giá của EuroCham, Việt Nam đang tiến hành hàng loạt các thay đổi cơ bản nhằm hoàn thiện quá trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Từ cuối năm 2015, Việt Nam đã ban hành một số nghị định để triển khai một số luật và quy định mới về đầu tư nước ngoài. Đầu tư nước ngoài tiếp tục là một ưu tiên của Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực áp dụng công nghệ tiên tiến, giúp nâng cao tay nghề lao động và cải thiện hiệu suất lao động như các dự án cơ sở hạ tầng, sản xuất sản phẩm công nghệ cao…
Đầu tư nước ngoài chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp tới 18% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong bối cảnh một số hiệp định thương mại quốc tế chuẩn bị có hiệu lực, trong đó có EVFTA, các thành viên EuroCham kỳ vọng vào những thay đổi tích cực mà các hiệp định này sẽ mang lại, trong đó có việc tạo thêm ưu đãi cho doanh nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn nữa.
Bên cạnh hàng loạt những thay đổi về pháp lý, sự tăng trưởng không ngừng của Việt Nam còn nhờ một số yếu tố cơ bản khác. Chẳng hạn như Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với 25% số dân thuộc độ tuổi từ 10 - 24. Một yếu tố nữa khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn đó là Chính phủ khuyến khích nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các hoạt động sản xuất.
Lộ trình mở cửa dần với hầu hết các ngành dịch vụ theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam bắt đầu được tiến hành từ năm 2007 và đã hoàn tất vào năm 2015. Trong một số ngành và lĩnh vực, pháp luật trong nước đã nới rộng khả năng tiếp cận thị trường vượt ngoài các cam kết WTO. Việt Nam cũng đưa ra nhiều ưu đãi đầu tư bao gồm cả ưu đãi về thuế đối với một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp châu Âu đang dẫn đầu thế giới như công nghệ cao, công nghệ môi trường và nông nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại như các thủ tục hành chính; việc khai báo thuế, thông quan, đăng ký kinh doanh và các thủ tục hành chính khác thường xuyên bị chậm trễ, kết quả xử lý hồ sơ không lường trước được, khiến các doanh nghiệp phải tốn nhiều nguồn lực.