Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán chi thường xuyên

Trần Huyền

Tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước (NSNN) là một trong những nội dung được Bộ Tài chính xác định tập trung thực hiện trong Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Bộ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết

Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN, Bộ Tài chính xác định nhiệm vụ trọng tâm là siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN. Phấn đấu cân đối nguồn lực để tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo quy định.

Bộ Tài chính quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện tiết kiệm triệt để, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng NSNN. Điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết.

Bộ Tài chính cũng sẽ thực hiện rà soát toàn bộ các khoản chi chuyển nguồn NSNN đến ngày 31/12/2021 để hủy bỏ, thu hồi về NSNN các khoản chuyển nguồn không có nhu cầu sử dụng hoặc quá thời gian giải ngân theo quy định.

Trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng xe ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện, xăng dầu… để dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển và chi các nhiệm vụ cấp bách khác. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc phân bổ, quản lý, sử dụng các khoản chi NSNN.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, từng bước giảm chi hỗ trợ từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình, nâng cao hiệu quả chi NSNN cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại NSNN, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghiêm cấm quyết toán chi ngân sách không có khối lượng, không đúng thủ tục

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật NSNN trong tất cả các khâu: lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng, kiểm soát chi và quyết toán kinh phí NSNN. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và điều hành dự toán NSNN.

Bộ Tài chính giao Vụ NSNN chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tổng kết, đánh giá theo quy định việc thực hiện Luật NSNN năm 2015 làm cơ sở đề xuất sửa đổi Luật và các văn bản pháp luật liên quan để đổi mới cơ chế phân cấp NSNN. Trong đó, cơ bản khắc phục tình trạng lồng ghép trong quản lý NSNN, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đồng thời nâng cao tính chủ động cho các địa phương.

Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện theo quy định việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để tháo gỡ các vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ Tài chính cũng đề ra các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí trong một số nội dung chi thường xuyên NSNN. Theo đó, tiếp tục tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành và xử lý các công việc trong các đơn vị thuộc Bộ Tài chính qua đó tiết kiệm chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu... chi phí đi lại, ăn ở của đại biểu; thực hiện tốt quy định về chế độ chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo, chế độ tiếp khách trong nước và quốc tế, hạn chế phô trương, hình thức, tiếp khách tràn lan gây lãng phí NSNN.

Trong tổ chức đi công tác nước ngoài, quản lý chặt chẽ đoàn ra, đoàn vào đúng người, đúng mục đích và phải căn cứ vào dự toán và danh mục đoàn ra, đoàn vào được phê duyệt từ đầu năm của mỗi cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN. Hạn chế tối đa các đoàn đi công tác nước ngoài bổ sung không theo dự toán, danh mục từ đầu năm; chỉ bổ sung khi có nhiệm vụ đột xuất, đặc biệt cần thiết. Thực hiện nghiêm quy định chế độ công tác phí đối với công chức, viên chức đi công tác trong nước. Các trường hợp áp dụng khoán công tác phí, trường hợp thanh toán theo thực tế, hồ sơ, thủ tục, chứng từ thanh toán... phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ để thực hiện.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ rà soát các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định để ưu tiên bố trí nguồn lực đối với các chương trình, dự án cần thiết, hiệu quả; cắt giảm các chương trình, dự án có nội dung trùng lặp, kém hiệu quả. Thực hiện tiết kiệm triệt để trong quản lý, sử dụng kinh phí các đề tài nghiên cứu khoa học...

Bộ Tài chính yêu cầu, thủ trưởng các đơn vị dự toán thuộc Bộ sử dụng kinh phí NSNN chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực về quyết toán NSNN của đơn vị mình và có trách nhiệm thẩm định, xét duyệt quyết toán NSNN đối với đơn vị trực thuộc theo đúng quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc quyết toán chi NSNN không có khối lượng, không đúng thủ tục, sai nội dung; phát hiện và xử lý kịp thời trường hợp chi sai quy định...