Trợ lực cho kinh tế tập thể phát triển


Để từng bước hướng người dân sản xuất theo phương thức tập thể, tỉnh Hậu Giang đã ban hành Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là đề án mang tính bước ngoặt để phát triển nông nghiệp bền vững.

Sản xuất theo phương thức tập thể ở HTX Kỳ Như luôn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.Trúc
Sản xuất theo phương thức tập thể ở HTX Kỳ Như luôn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.Trúc

Được thành lập cách đây hơn 3 năm với diện tích ban đầu chỉ 10ha sản xuất lúa, đến nay Hợp tác xã (HTX) Trung Hiếu Phát, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã phát triển được gần 100ha. Trung bình mỗi vụ HTX kết nạp từ 5-10 xã viên. Thành viên phát triển ngày một nhiều minh chứng cho việc HTX hoạt động hiệu quả.

Bởi theo các xã viên nơi đây, khi vào HTX được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí phân bón, lúa giống. Quá trình sản xuất làm theo hình thức tập trung từ lúc gieo sạ đến khi thu hoạch nên kéo giảm được chi phí đầu tư, từ đó cải thiện được thu nhập gần 20% so với làm riêng lẻ.

Ông Võ Văn Tuấn - Thành viên Trung Hiếu Phát, cho biết: “Mấy năm nay HTX hoạt động hiệu quả nên bà con xin tham gia rất nhiều. Từ vài thành viên ban đầu, đến nay HTX đã có gần 40 thành viên. Tham gia HTX bà con từng bước chuyển đổi phương thức từ sản xuất truyền thống riêng lẻ sang làm tập thể trong các khâu như: Bơm tưới, phun xịt thuốc, thu hoạch đồng loạt nên giá bán cũng cao hơn so với bán riêng lẻ. Chưa kể, mấy năm nay Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho HTX về trang thiết bị phục vụ sản xuất, lúa giống, phân bón nên bà con rất phấn khởi”.

Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được triển khai với mục tiêu xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang phát triển bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, thông qua các mô hình HTX nông nghiệp từng bước hình thành các chuổi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Thấy những chính sách hỗ trợ phù hợp với ngành hàng sản xuất của mình nên 52 thành viên của HTX Nông nghiệp Phát Lộc, ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp đã đồng thuận đăng ký xin tham gia vào đề án của tỉnh. Với diện tích gần 100ha, trong đó có 70ha sản xuất lúa và 30ha sản xuất chanh không hạt. Tham gia đề án, HTX kỳ vọng được hỗ trợ máy gặt đập liên hợp và máy làm đất để giúp cho các xã viên kéo giảm được chi phí trong quá trình sản xuất.

Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phát Lộc, cho biết: “Các thành viên trong HTX kỳ vọng được hỗ trợ máy gặt đập liên hợp, trước hết phục vụ cho các xã viên, sau đó là hỗ trợ bà con trong vùng thu hoạch lúa để giảm được chi phí đầu tư. Từ đó vừa tạo nguồn thu cho HTX vừa giúp nông dân giảm được chi phí trong quá trình canh tác”.

Huyện Phụng Hiệp hiện có 53 HTX, trong đó có 48 HTX nông nghiệp. Thực hiện đề án của tỉnh, huyện Phụng Hiệp có 3 HTX là: HTX Trung Hiếu Phát, HTX Kỳ Như, HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ được hỗ trợ. Theo đó, mỗi HTX được hỗ trợ tối đa là 12,5 tỉ đồng để nạo vét hệ thống thủy lợi, quy hoạch xây dựng vùng sản xuất, xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị kỹ thuật, máy móc và quy trình sản xuất. Nguồn vốn hỗ trợ sẽ được giải ngân theo từng năm và tùy vào nhu cầu đầu tư của HTX.

Bà Nguyễn Thị Giang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết: Quan điểm của Đề án là đổi mới về tư duy, chuyển đổi từ tư duy sản xuất thuần túy sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp dựa trên việc tiếp cận thị trường, cải thiện mẫu mã chất lượng sản xuất. Trong đó lấy HTX và kinh tế hợp tác làm trọng tâm, tập trung phát triển kinh tế hợp tác, tích cực thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trong đó huy động tổng thể nguồn lực từ ngân sách đến các nguồn lực xã hội cùng tham gia. Để khơi dậy vai trò khu vực kinh tế tập thể phát triển thì Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là cơ hội giúp cho các địa phương trong tỉnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn, từng bước xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị nông sản, tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM ở địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 4 liên hiệp HTX với 81 thành viên, 257 HTX với 8.030 thành viên, thu hút 12.659 lao động, vốn hoạt động hơn 493 tỉ đồng. Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phát vay cho 76 HTX với số tiền 53,5 tỉ đồng để đầu tư trang thiết bị, giống, vật tư nông nghiệp… phục vụ cho nông nghiệp.

Đặc biệt, Hậu Giang có 10 nông sản chủ lực được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa nông sản; trong đó, có 7 nhãn hiệu giao cho HTX quản lý và sử dụng. Hiện tỉnh có 26 HTX được hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao (VietGAP, GlobalGAP, bón phân thông minh, truy xuất nguồn gốc...). Số lượng HTX sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng gia tăng và dần trở thành phương thức sản xuất phổ biến nhằm liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh.

Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết nhận thức của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và người dân về kinh tế tập thể, nhất là HTX kiểu mới được nâng cao. Khu vực kinh tế tập thể có chuyển biến tích cực, nhiều loại hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Theo báo Hậu Giang