Trợ lực tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Tĩnh Đồng

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh: Internet
Thời gian qua, nhiều địa phương đã ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh: Internet

Hơn 53 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có khoảng 9.500 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới tới 98%.

Theo kết quả khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do bị cắt giảm đơn hàng, thị trường tiêu thụ giảm, khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao, bị đứt gãy chuỗi cung ứng khiến đơn hàng chỉ bảo đảm từ 30 - 50% năng lực sản xuất…

Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Thời gian qua, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tín dụng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đổi mới công nghệ và xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, kết nối doanh nghiệp…

Vĩnh Phúc đã triển khai Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh theo các nội dung chính gồm: Nhóm hỗ trợ chính sách chung về thông tin, pháp lý, tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, thuế, kế toán, phát triển công nghệ, nguồn nhận lực….

Hỗ trợ doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị. Riêng trong năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành hơn 53 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Năng suất, chất lượng sản phẩm đều tăng lên

Công ty TNHH Ngọc Liên Vĩnh Phúc (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) được thành lập đi vào hoạt động từ năm 2011 hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh đồ nội thất.

Để phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp đã đẩy mạnh áp dụng hệ thống sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng TCVN 7490:2005 đối với sản phẩm bàn ghế học sinh, TCVN 8575:2010 đối với sản phẩm gỗ ghép thanh và TCVN 7753:2007 đối với sản phẩm Ván sợi - Ván MDF.

Các sản phẩm do Công ty sản xuất đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện trước khi lưu thông ra thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, yếu thế hơn các doanh nghiệp có quy mô lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là khi tiếp cận nguồn vốn, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận thông tin thị trường...

Vì vậy, được tiếp cận Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ chương trình khuyến công của tỉnh Vĩnh Phúc sẽ là động lực giúp doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách nhà nước.

Thời gian qua, hoạt động của Công ty TNHH bao bì Atlantic (huyện Bình Xuyên) cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, được sự trợ giúp nguồn vốn khuyến công thực hiện Dự án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất bao bì, công ty đã đầu tư đầu tư mới 1 máy thổi hai đầu khuôn (model RP-H2-55) và 1 máy thổi 3 lớp ABA (model RP-ABA1200) trị giá hơn 1 tỷ đồng để tiếp cận các hình thức sản xuất mới hiện đại, hiệu quả.

Ưu điểm máy thổi màng là tự động duy trì, điều chỉnh trọng lượng, độ dày của sản phẩm, từ đó giải phóng sức lao động, giảm tiêu hao điện năng khoảng 20% so với máy cũ, năng suất cao hơn 30%. Hơn nữa còn tăng độ bóng, trong, ổn định và tính thẩm mỹ cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe trong lĩnh vực màng nilon công nghiệp, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Nhờ vậy, năng suất, chất lượng sản phẩm của công ty đều tăng lên. Sản lượng của công ty bình quân mỗi năm đạt khoảng 2.000 - 2500 tấn với doanh thu gần 70 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định cho gần 30 lao động.

Đại diện nhiều doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc bày tỏ, được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh là động lực để doanh nghiệp tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh trên thị trường cũng như nâng cao thu nhập cho người lao động.

Các doanh nghiệp kỳ vọng thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.