Trump: Tôi sẽ cùng ông Tập ký nhanh thoả thuận thương mại giai đoạn 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/12 nói ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có lễ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nhanh chóng.
"Chúng tôi sẽ có một lễ ký kết, đúng như vậy", Tổng thống Trump trả lời phóng viên. "Chúng tôi rốt cục sẽ ký kết khi gặp nhau. Và, chúng tôi sẽ ký nhanh hơn vì chúng tôi muốn hoàn thành nó. Thỏa thuận đã xong và đang được biên dịch", ông Trump nói thêm.
Trước đó, Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer vào ngày 13/12 cho biết, đại diện của cả hai quốc gia sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tuần đầu tiên của tháng 1/2020.
Đồng thời, khi chia sẻ trên Twitter về cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc hôm 20/12, ông Trump khẳng định đã có cuộc đối thoại rất tốt về thương mại với ông Tập.
"Tôi đã có cuộc trò chuyện rất tốt với Chủ tịch Tập phía Trung Quốc về thỏa thuận thương mại khổng lồ của chúng ta. Trung Quốc đã bắt đầu mua một lượng lớn nông sản và hơn thế nữa. Việc ký kết chính thức đang được sắp xếp. Chúng tôi cũng bàn về Triều Tiên - vấn đề chúng tôi đang làm việc với Trung Quốc, và cả Hong Kong nữa", ông Trump viết trên Twitter.
Hiện, Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận các nội dung cụ thể của thỏa thuận thương mại vốn được công bố bởi quan chức Mỹ. Tuần trước, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, chi tiết sẽ được công khai sau khi thoả thuận chính thức được ký kết.
Cách đây hơn một tuần, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, qua đó tạm thời "hạ nhiệt" cuộc chiến thương mại vốn đã có thể leo thang trong tháng này.
Dẫu vậy, thỏa thuận 86 trang chỉ được tiết lộ hạn chế cho truyền thông; song theo hãng tin Reuters, nó bao gồm các điều khoản giảm một số loại thuế Mỹ áp trên hàng Trung Quốc để đổi lấy việc Trung Quốc tăng mua nông sản, nhiên liệu, và hàng chế tạo từ Mỹ, cũng như đề cập bước đầu tới một số tranh cãi về sở hữu trí tuệ.
Khi thoả thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết, Bắc Kinh sẽ phải nhập khẩu gần gấp đôi hàng hoá của Washington. Theo thông tin từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, kim ngạch nhập khẩu hàng Mỹ của Trung Quốc năm 2017 là khoảng 188 tỷ USD.
Nếu so với tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc là 1,84 nghìn tỷ USD thì về mặt toán học, Bắc Kinh hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của Washington. Nếu Trung Quốc quay trở lại mức nhập khẩu năm 2017 và cộng thêm 200 tỷ USD nữa thì nước này sẽ mua của Mỹ khoảng 576 tỷ USD trong 2 năm.
Thế nhưng, điều này sẽ dẫn đến việc chuyển hướng thương mại, thay thế nhập khẩu của các nước khác, theo đó chắc chắn sẽ khiến các đối tác thương mại khác của Trung Quốc "phật lòng", và có khả năng dẫn đến những khó khăn tại Tổ chức Thương mại Thế giới.
"Con số nào cũng có thể được nếu bạn thật sự nỗ lực, nhưng vấn đề là bạn muốn làm bao nhiêu quốc gia khác không vui?" - tờ SCMP dẫn lời bà Alicia Garcia Herrero - trưởng chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis.
Trong 2 năm qua, Trung Quốc đã chuyển đối tượng cung cấp sang các quốc gia như Argentina, Australia, Brazil, Đức, New Zealand và Tây Ban Nha. Và, chắc chắn những nước này sẽ thiệt hại nếu Trung Quốc tuân thủ thoả thuận mua nông sản Mỹ. Theo viện nghiên cứu Centro Insper Agro Global ở Sao Paulo, Brazil có thể mất 10 tỷ USD, tương đương 28% xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Trong khi đó, 25% hàng nông sản New Zealand hiện đang bán cho Trung Quốc, sau khi 2 nước ký thoả thuận thương mại năm 2008. Sữa và thịt là 2 trong số 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của New Zealand vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm ngoái, và đây đều là những mặt hàng mà Washington sẽ chú trọng bán cho Bắc Kinh.
Theo Stephen Jacobi - Giám đốc điều hành của Diễn đàn doanh nghiệp quốc tế New Zealand, thoả thuận thương mại Mỹ - Trung là một vấn đề quan trọng với New Zealand. "Chúng tôi sẽ nghiên cứu chi tiết của thỏa thuận để xem lợi ích thương mại của mình có bị ảnh hưởng hay không", Jacobi nói.