Trung Quốc chống đỡ "đòn thuế" bằng cách nào?
Theo các chuyên gia, nền kinh tế của Trung Quốc ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn trước đây và có thể thúc đẩy thương mại với các nước khác để đối phó với thuế quan mới từ Mỹ.
Sau hai ngày đàm phán ở Washington không mang lại kết quả gì và sự bế tắc có chiều hướng gia tăng, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) nói rằng, Washington sẽ sớm công bố chi tiết kế hoạch áp thuế quan lên thêm khoảng 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại rất khác với 1 năm trước, khi Mỹ bắt đầu áp dụng thuế quan với Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc có một loạt các lựa chọn để "phản đòn". Nước này có thể sử dụng thị trường lớn với dân số khổng lồ và các thị trường xuất khẩu khác như một lựa chọn thay thế cho Mỹ để giảm bớt tác động của các loại thuế mới.
Dự kiến, tác động kinh tế dài hạn đối với nền kinh tế Trung Quốc rất khó định lượng và có thể ít nghiêm trọng hơn so với phản ứng của thị trường. Chuyên gia Chong Terence Tai-Leung, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Hồng Kông, nhận định, tác động chung của mức thuế quan 25% đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị hạn chế.
"Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, dù có chiến tranh thương mại hay không. Nền kinh tế của đất nước này cũng đang chuyển từ xuất khẩu sang ngành dịch vụ. Do đó, thương mại có thể sẽ đóng một vai trò ít quan trọng hơn trong tương lai", ông cho biết.
Mặc dù vậy, chuyên gia này cũng cho biết thêm, trong ngắn hạn, Trung Quốc vẫn đang sản xuất rất nhiều và họ đang tìm kiếm các thị trường khác để lấy hàng của mình. Nếu không bán được cho Mỹ, Trung Quốc có thể xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và các nước khác, hoặc thậm chí là tập trung cung cấp cho thị trường nội địa.
Cũng theo đó, khó có chuyện thị trường chứng khoán Trung Quốc rơi vào một đợt bán tháo nghiêm trọng như hồi năm ngoái khi chiến tranh thương mại mới nổ ra. Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trước đây có khuynh hướng phản ứng thái quá do chưa thể đánh giá được tác động thực sự của xung đột thương mại, đồng thời lo sợ về sự giảm tốc mạnh của nền kinh tế.
Hoạt động của nền kinh tế thực của Trung Quốc đã có sự cải thiện quan trọng trong những tháng gần đây. Môi trường kinh tế vĩ mô và chính sách của Trung Quốc hiện nay sẽ giúp thị trường cải thiện sự vững vàng trước những cú sốc mới từ bên ngoài.
Thương mại hiện chiếm một phần nhỏ GDP của Trung Quốc bởi vì đất nước này có một thị trường nội địa rất lớn. Do đó, giả sử ngay cả khi thuế quan trở thành một cấu phần không thể thiếu của mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung, điều này cũng không có khả năng khiến nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ.
Ước tính, nếu kịch bản trên xảy ra, Trung Quốc sẽ mất khoảng 300 tỷ USD, một phần nhỏ trong nền kinh tế trị giá 13 nghìn tỷ USD, nếu quốc gia này không có giao dịch với Mỹ. Khi đó, tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc có thể giảm xuống từ 3,5 đến 4%.
Mặt khác, một số nhà phân tích cho rằng tranh chấp có thể buộc Trung Quốc thực hiện các cải cách củng cố nền kinh tế. Trong ngắn hạn, việc tăng thuế quan có thể là một cú sốc đối với xuất khẩu và một số ngành công nghiệp của Trung Quốc.
Theo Yang Chen, chuyên gia về các vấn đề thương mại quốc tế cho biết về lâu dài, thuế quan của Mỹ có thể thúc đẩy Bắc Kinh cải cách một số lĩnh vực như quy định kinh doanh, lao động và công nghệ - "phía cung" của nền kinh tế.
Mỹ là một khách hàng và nguồn công nghệ quan trọng cho các nhà sản xuất điện tử, thiết bị y tế và xuất khẩu công nghệ cao khác của Trung Quốc, những ngành công nghiệp mà chính phủ nước này coi là trái tim của tương lai kinh tế.
Mặc dù Bắc Kinh có nhiều chính sách để giữ cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ổn định trong quý gần đây nhất mặc dù xuất khẩu sang Mỹ giảm bằng cách tăng chi tiêu chính phủ và cho vay ngân hàng. Nhưng các nhà xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc đã bị giảm doanh số lên tới 40%, điều này đã làm thâm hụt vào chi phí phải trả cho việc nghiên cứu công nghệ.
Bất chấp những tín hiệu khả quan, một số lĩnh vực ở Trung Quốc có thể chịu những tác động của thuế quan của Mỹ nhiều hơn những ngành khác. Bên cạnh đó, bất kỳ tác động tiêu cực nào cũng sẽ ảnh hưởng nặng hơn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc đang xuất khẩu sang Mỹ hoặc sản xuất hàng hóa để xuất khẩu.
Nhiều nhà sản xuất hàng dệt, giày và đồ chơi đã dịch chuyển sang Việt Nam, Campuchia và các nền kinh tế có chi phí thấp hơn để tránh tác động của thuế quan ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
Cuộc chiến thuế quan đang làm tăng thêm nỗi đau của nhiều công ty Trung Quốc. Họ đã chịu đựng những rào cản cứng rắn từ Mỹ và Châu Âu đối với việc mua lại công nghệ của Trung Quốc thông qua liên doanh với các công ty nước ngoài. Do đó, Trung Quốc giờ đây có thể phải đi theo con đường khó khăn hơn nữa để phát triển công nghệ của riêng mình.
Có nhiều ý kiến cho rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ sớm đưa ra những thỏa hiệp với Mỹ. Việc tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua. Doanh số bán lẻ cũng giảm chậm và đầu tư vào các tài sản cố định cũng tăng trưởng nhiều hơn đã làm ảnh hưởng đến uy tín và vị trí của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung Quốc sẽ không để tình trạng kéo dài quá lâu. Về cơ bản, Trung Quốc muốn một thỏa thuận thương mại không bị nhìn nhận là làm suy yếu chủ quyền. Cả hai nhà lãnh đạo đều đang đứng trước những thách thức chính trị của riêng mình, và tốt hơn hết họ nên hợp tác, thay vì đối đầu nhau như hiện nay.