Trung Quốc đang “bỏ quên” giáo trình kinh tế
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã lạc mất cuốn giáo trình phát triển kinh tế mà ông Đặng Tiểu Bình đưa ra.
Khi Đặng Tiểu Bình từ bỏ đường hướng của Mao Trạch Đông, lèo lái nước nhà hòa vào kinh tế thế giới đầu thập niên 1980, Trung Quốc được cho là thủ khoa chương trình thạc sĩ kinh tế (MBA) châu Á.
Khi ấy, với vai trò là lãnh tụ tối cao của đất nước, Đặng Tiểu Bình học hỏi nhiều chương trình và chính sách trước đó - những gì từng giúp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore tăng trưởng nhanh chóng. “Người học trò” Trung Quốc phút chốc tỏa sáng hơn cả “các thầy cô”, tiến vào con đường thiên về xuất khẩu và đạt mức tăng trưởng kinh tế hai chữ số.
Tuy nhiên giờ đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã lạc mất cuốn giáo trình trên. Thay vì tiếp tục chú ý đến kinh nghiệm của những nền kinh tế là con hổ châu Á, ông bỏ qua nhiều bài học quan trọng, cây bút Michael Schuman của hãng tin Bloomberg nhận định.
Phát triển bao hàm tất cả những ưu tiên khác. Đây là sự thật hiển nhiên giúp một nước đi lên và phát triển nhanh thời hậu chiến. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee, người từng kéo kinh tế Hàn Quốc phát triển, có phát biểu rất chính xác: “Trong cuộc sống con người, kinh tế đi trước chính trị hoặc văn hóa”.
Hồi thập niên 1960 - 1970, tư duy lãnh đạo chính là điều tách bạch những nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở Đông Á với phần còn lại của thế giới. Khối óc của dàn lãnh đạo các nước Đông Á gần như “điên cuồng” với cam kết nâng cao thu nhập và xây dựng các ngành công nghiệp. Cựu Tổng thống Park thường ngồi trong văn phòng của ông tại Dinh tổng thống, cầm sổ ghi chú để tính toán riêng các dữ liệu kinh tế.
Ngày đó, sự thật là các nhà lãnh đạo ít có thời gian thể hiện đẹp các chi tiết của dân chủ đại diện. Song ít nhất là điều này giúp quá trình hoạch định chính sách tránh được các cuộc tranh luận chính trị và nhiều điều phức tạp, tạo điều kiện cho các chuyên gia tự do thực hiện cải cách.
Malaysia, đất nước cố gắng trộn lẫn nhiều chương trình nghị sự trong quá trình hoạch định chính sách cuối cùng “mắc cạn”. Quốc gia Đông Nam Á cố gắng tái thiết kế cấu trúc xã hội của đất nước, bằng cách thúc đẩy các lợi ích kinh tế của cộng đồng người Malaysia, và mắc kẹt trong chiếc bẫy thu nhập trung bình.
Trở lại với Trung Quốc, Chủ tịch Tập đẩy các cải cách kinh tế xuống quá xa trong danh sách những việc cần làm. Ông dành nhiều năng lượng và sự chú ý cho chiến dịch chống tham nhũng. Thay vì tách bạch chương trình nghị sự kinh tế và chính trị, ông đang để chính trị lên trên kinh tế.
Các lãnh đạo cần tin tưởng nhiều vào các nhà kỹ trị của họ. Từ cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee đến cựu Tổng thống Indonesia Suharto, tất cả đều dựa vào những nhà kinh tế tài năng, giàu kinh nghiệm và nhiều chuyên gia khác để xây dựng, điều khiển trực tiếp chính sách kinh tế.
Ở Indonesia, ông Suharto từng ghi chú một cách háo hức khi được các cố vấn kinh tế được đào tạo ở Mỹ của ông giảng giải về chính sách đúng đắn. Thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu thì may mắn có một nhóm chuyên gia chính sách chuyên nghiệp, trong đó nổi bật là ông Goh Keng Swee - một trong những vị kiến trúc sư chính của nền kinh tế Singapore.Tại Nhật Bản, trong những năm nền kinh tế vẫn chưa rơi vào trạng thái ì ạch, thì người lèo lái nó là những quan chức tài năng, không phải các chính trị gia được bầu.
Các nhà kỹ trị xuất hiện đầy đủ trong dàn lãnh đạo và ngân hàng trung ương Trung Quốc . Đơn cử, Thủ tướng Lý Khắc Cường có trong tay tấm bằng tiến sĩ kinh tế. Dù vậy, Chủ tịch Tập vẫn ngày càng nắm nhiều quyền hơn trong việc hoạch định chính sách.
Ở một số thời điểm, tiền không thể bù đắp sai lầm.
Cuối thập niên 1980, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản từng làm ngập tràn nền kinh tế bằng tiền mặt trong nỗ lực cải cách cơ cấu. Tuy nhiên, chiến lược này chỉ tiếp tục thổi phồng quả bong bóng, đẩy nền kinh tế đất nước vào nhiều năm dài trì trệ.
Nhiều nước châu Á khác cũng không phải là ví dụ cho sự thành công trong việc sử dụng tiền mặt có định hướng để thúc đẩy đổi mới - điều mà ông Tập đang cố gắng làm. Nỗ lực dùng hỗ trợ từ chính phủ, “nhắm vào” một số ngành công nghiệp để phát triển của Nhật Bản từng gặp thất bại nhiều ngang với thành công. Trong khi đó, một số ngành công nghiệp cạnh tranh nhất nước này, từ game cho đến người máy, lại chưa từng hưởng sự hỗ trợ nhiều như thế từ chính phủ.
Điều này đặt ra một bài học quan trọng cho tất cả: Cuối cùng, chính phủ cũng phải nhường đường. Hàn Quốc từng bước vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, một phần là vì nước này tiếp tục thao túng lĩnh vực tài chính. Việc chính phủ từ từ nhường bước đã giúp thúc đẩy tinh thần kinh doanh và đổi mới ở Hàn Quốc.
Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết thực hiện tự do hóa sâu rộng, tiến độ của chương trình này hiện vẫn rất chậm, đặc biệt là trong việc cải cách các lĩnh vực quan trọng như khu vực tài chính và dòng chảy vốn.