Trung Quốc lại phá giá tiền: Xuất nhập khẩu có "lợi kép"?
Quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ thêm 0,09% ngày 26/8 của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) lại gây xôn xao, khiến đồng tiền này bị mất tổng cộng 4,6% giá trị. Một số chuyên gia tỏ ra khá lạc quan về việc phá giá Nhân dân tệ (CNY), cho rằng có "lợi kép" cho xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Điều bất ngờ đã xảy ra khi PBoC quyết định giảm giá đồng CNY lần thứ 3 trong tháng 8 này, cụ thể, giảm thêm 0,09% tỷ giá khiến cho 1 USD có thể đổi được 6,4043 Nhân dân tệ, cao hơn mức 6,3987 trước đó. Đồng tiền Trung Quốc đã yếu đi so với đồng USD, mất tổng cộng 4,6% giá trị sau 3 lần phá giá liên tiếp.
Không chỉ phá giá đồng tiền, ngày 25/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc còn giảm thêm 0,25% lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vay vốn. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng thương mại được giảm 50 điểm cơ bản xuống còn 18%.
Vì sao làm yếu Nhân dân tệ?
Với các động thái này, chuyên gia kinh tế thế giới ước tính, sẽ có khoảng 678 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 105,7 tỷ USD được bơm vào hệ thống tài chính Trung Quốc, giúp cải thiện tình hình tăng trưởng kinh tế kém lạc quan.
Có thể thấy, Trung Quốc mạnh tay phá giá đồng Nhân dân tệ từ sau khi thị trường chứng khoán nước này sụt giảm mạnh, nhất là từ ngày 13/8 vừa qua. Đến ngày 25/8, chỉ số chứng khoán lớn nhất Trung Quốc là Shanghai Composite tiếp tục lao dốc 7,63% – là mức giảm tồi tệ nhất trong gần 20 năm qua.Tức mất thêm 244,94 điểm, xuống còn 2.964,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite đã giảm tổng cộng 42% tính từ ngày 12/6 đến nay.
Trong khi đó, chỉ số chứng khoán thứ hai là Shenzhen Composite cũng mất tới 133,39 điểm, giảm 7,09% chỉ trong ngày 25/8. Nhà đầu tư mất lòng tin và cơn bán tháo cổ phiếu đã xảy ra trên diện rộng. Vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc ước tính đã "bốc hơi" tới 4.500 tỷ USD kể từ giữa tháng 6/2015 đến nay.
Khủng hoảng của thị trường chứng khoán và thông tin xấu về kinh tế Trung Quốc đã khiến giới chuyên gia nghi ngại, chính sách tiền tệ của nước này có thể sẽ phải nới lỏng hơn. Được biết, cùng ngày, Ngân hàng PBoC đã bơm 150 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 23,4 tỷ USD) vào thị trường nhằm giảm căng thẳng thanh khoản.
Một chuyên gia phân tích tài chính quốc tế đánh giá, việc PBoC chi tiền "khủng" để chống đỡ cho thị trường chứng khoản là "cái giá quá lớn" dù Trung Quốc là quốc gia rất "dư giả" tiền. Thị trường vẫn đang ngóng chờ động thái can thiệp của Chính phủ, có bơm thêm tiền giải cứu hay không, hoặc PBoC có nới lỏng chính sách tiền tệ?
Sau 3 lần phá giá vừa qua, một số tổ chức nghiên cứu kinh tế của Trung Quốc nghi ngờ mục đích phá giá đồng Nhân dân tệ không hẳn chỉ để hỗ trợ xuất khẩu. Họ cũng dự báo đồng tiền này có thể giảm xuống mức 6,5-7 Nhân dân tệ đổi 1 USD vào cuối năm 2015 và tới 8 Nhân dân tệ đổi 1 USD vào cuối năm sau.
Tương ứng, tỷ giá CNY/USD sẽ tăng khoảng 8% và tới 20% đến cuối 2016 và là mức phá giá kỷ lục. Đồng tiền của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới liên tục bị làm yếu đi đã khiến nhiều quốc gia phụ thuộc nhập khẩu vào Trung Quốc phải "nín thở" và điều hành chính sách tiền tệ thận trọng.
Ứng phó với chính sách phá giá đồng Nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng lập tức điều chỉnh linh hoạt tỷ giá VND/USD, trong đó, tăng tỷ giá thêm 1% và nới biên độ thêm 2 điểm, lên +/-3%. Tính chung, tổng mức tăng tỷ giá thực chất lên tới 5% trong vòng 8 tháng qua.
Xuất nhập khẩu có lợi?
Các chuyên gia kinh tế trong nước đều nhìn nhận, việc tăng tỷ giá VND/USD sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu, nhưng nhập khẩu lại bất lợi và ảnh hưởng mục tiêu kiểm soát nợ công, lạm phát…
Đại diện một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hàng phân bón từ Trung Quốc cho biết, nhà nhập khẩu Việt Nam hiện phải giao dịch bằng cả hai đồng USD và Nhân dân tệ và lựa chọn đồng tiền nào là do chủ hàng phía Trung Quốc quyết định.
"Khi đồng Nhân dân tệ yếu, nếu giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ thì giá nhập phân bón sẽ giảm và có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Còn giao dịch bằng USD thì giá phân bón sẽ đắt hơn. Song chủ hàng Trung Quốc thường "ép" người mua phải giao dịch bằng đồng tiền có lợi hơn cho họ"- đại diện DN này nói.
Cũng theo vị này, tỷ giá VND/USD tăng khiến doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ Trung Quốc phải mất nhiều tiền hơn, tăng chi phí đầu vào. Thế nhưng, với đặc thù của hàng phân bón, ảnh hưởng từ tỷ giá tới giá hàng nhập khẩu không lớn bằng chính sách thuế có tính mùa vụ của Trung Quốc (mùa vụ sớm hơn 1 tháng so với Việt Nam).
Đơn cử, mới vài ngày trước, Trung Quốc bất ngờ tăng thuế xuất khẩu phân bón từ 0% lên tới 10% nhằm hạn chế xuất đi. Hoặc áp dụng chính sách cấm biên vào lúc cao điểm mùa vụ "khát" phân bón của Việt Nam.
Với doanh nghiệp dệt may xuất khẩu, tỷ giá VND/USD tăng đã tạo hứng khởi vì giá trị thu từ xuất khẩu sẽ tăng lên. Song ở chiều ngược lại, DN vẫn đang nhập khẩu tới 80-90% nguyên phụ liệu dệt may, chủ yếu từ Trung Quốc, nên được lợi kép khi nhập khẩu rẻ hơn, xuất khẩu có lời hơn. Giá trị hưởng lợi từ tăng tỷ giá là có nhưng cũng lại "bù trừ" đi tương đối.
Công ty chứng khoán BSC nhận định, đợt tăng tỷ giá vừa qua sẽ có tác động hai chiều tới DN, trong đó, các DN xuất khẩu như: thủy sản, dệt may, cao su, công nghệ, dầu khí… sẽ được lợi. Còn bên hưởng lợi là các DN nhập khẩu hoặc vay ngoại tệ lớn như: dược, nhựa, săm lốp, điện, vận tải biển, xi măng.