Trung Quốc mạnh tay cải tổ chính sách thuế

Theo daibieunhandan.vn

Trung Quốc vừa mở rộng chương trình thí điểm, áp dụng một chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) đồng nhất với tất cả các ngành công nghiệp. Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn để thúc đẩy cải cách kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo nhiều chuyên gia, cải cách thuế VAT là cải cách tài chính quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục cải thiện hơn nữa cơ cấu thuế nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Cụ thể là từ ngày 1.5, chế độ thuế VAT thay thế hoàn toàn thuế doanh nghiệp (BT) đối với các lĩnh vực như xây dựng, bất động sản, tài chính và dịch vụ tiêu dùng. Chính sách này ước tính sẽ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tiết kiệm khoảng 500 tỷ nhân dân tệ (76,9 tỷ USD) trong năm 2016.

Chương trình mở rộng mới nhất này diễn ra 4 năm sau khi Trung Quốc lần đầu thí điểm cải cách VAT trong ngành dịch vụ ở khu trung tâm tài chính Thượng Hải. Ưu điểm của nó là đánh được thuế giá trị gia tăng ở mỗi mắt xích trong chuỗi sản xuất, phù hợp với thực tiễn quốc tế và tránh được hiện tượng đánh thuế hai lần trong chế độ đánh thuế BT.

Ông Liu Shangxi, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Tài chính thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc, cho biết “hệ thống thuế đồng nhất áp dụng với hoạt động sản xuất, lưu thông và tiêu thụ tất cả các hàng hóa và dịch vụ sẽ tạo ra môi trường thuế tốt hơn để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân phối các nguồn lực”. Từ đó các doanh nghiệp sẽ được tham gia thị trường bình đẳng hơn.

Thúc đẩy vai trò thị trường

Ngoài ra, theo ông Zhang Bin - nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cải cách này sẽ thúc đẩy sự phát triển bình đẳng của tất cả các ngành nghề của Trung Quốc. Nó là bước đi quan trọng nhất để giảm thuế trong những năm gần đây.

Hồi tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết trước Quốc hội rằng Chính phủ sẽ bảo đảm gánh nặng thuế với tất cả các ngành nghề được giảm bớt.

Trung Quốc đang đứng trước nhiệm vụ đầy thách thức là thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế trong khi cùng lúc duy trì tốc độ phát triển trong khoảng mục tiêu 6,5% - 7% trong năm nay. Chế độ thuế VAT và BT đều đóng góp phần lớn cho thu nhập của Nhà nước.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ

Chế độ thuế đồng nhất sẽ giúp củng cố một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành dịch vụ, vốn là những đối tượng cuối cùng được đưa vào áp dụng theo chế độ thuế VAT. Ông Li Wanfu - Giám đốc Viện Khoa học Thuế (ITS), cơ quan nghiên cứu của Tổng cục Thuế nhà nước, nói: “VAT chỉ đánh trên giá trị gia tăng, điều này tạo ra sự công bằng và chính xác hơn”.

Theo báo cáo của ngân hàng đầu tư China International Capital Corp, giá cả các dịch vụ có thể được khấu trừ theo chế độ thuế VAT, theo đó sẽ khuyến khích các công ty thực hiện hình thức “thuê ngoài” (outsourcing) thay vì áp dụng mô hình doanh nghiệp “tự cung tự cấp”.

Gao Liqun, phụ trách nhóm thuế gián thu tại công ty Deloitte ở miền Đông Trung Quốc cho rằng bước đi cuối cùng hướng tới áp dụng chế độ thuế VAT có lợi cho ngành dịch vụ, với việc giảm bớt gánh nặng thuế và thúc đẩy cầu trong các ngành khác...

Tạo thêm công ăn việc làm

Một tác động quan trọng hơn của cải cách thuế VAT đối với xã hội đó là kế hoạch này giảm bớt gánh nặng thuế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), từ đó sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh và tạo thêm nhiều công ăn việc làm. Nhà nghiên cứu Zhang nói: “SME thường phải trả 3 - 5% thuế BT dựa trên doanh thu, nhưng giờ họ chỉ phải trả 3% thuế VAT”.

Theo ông Li Wanfu, rất nhiều SME hoạt động trong ngành dịch vụ. Hơn nữa, thuế BT đánh vào doanh thu bỏ qua thực tế rằng một số SME thực sự không thu về lợi nhuận nào. Hiện nay, họ chỉ phải trả thuế đối với phần lợi nhuận, và ở mức thấp hơn. Đợt cải cách lần này sẽ giúp hỗ trợ các SME, mở ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng lao động để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển bền vững.

Nói tổng thể, cải cách thuế VAT có thể là chìa khóa để mở ra các cải cách sâu rộng hơn sắp tới, bởi kế hoạch này không chỉ thay đổi cơ cấu thuế của Trung Quốc mà còn liên quan đến cách chính quyền trung ương và địa phương chia sẻ nguồn thu từ thuế.