Trung Quốc mở cửa tác động ra sao đến các ngành của Việt Nam?


Quá trình mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc đang có tác động lớn đến giá cả các mặt hàng quan trọng trên thị trường toàn cầu, trong đó có những ngành hàng chủ lực của nền kinh tế Việt Nam.

IMF dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ tăng từ mức dự báo 4,4% hồi tháng 10/2022 lên 5,2% năm 2023 do nước này mở cửa trở lại.
IMF dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ tăng từ mức dự báo 4,4% hồi tháng 10/2022 lên 5,2% năm 2023 do nước này mở cửa trở lại.

Chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán đại lục cuối tháng 1/2023 đã tăng hơn 20% kể từ đáy gần nhất, một tín hiệu xác nhận nó đang bước vào thị trường giá tăng. Tín hiệu này cho thấy những kỳ vọng lớn của nhà đầu tư vào sự phục hồi kinh tế Trung Quốc sau 3 năm bị gián đoạn bởi chính sách Zero Covid.

IMF dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ tăng từ mức dự báo 4,4% hồi tháng 10/2022 lên 5,2% năm 2023 sau khi Covid-19 đã làm giảm GDP của nước này xuống 3% - lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở dưới mức trung bình toàn cầu trong hơn 40 năm.

Với vai trò là nền kinh tế thứ 2 thế giới, những thay đổi chính sách của Trung Quốc và sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế nước này đã, đang và sẽ có những tác động lớn đến một số ngành kinh tế Việt Nam.

Ngành thép

Trung Quốc vẫn là một trong những quốc gia tiêu thụ các kim loại như thép, đồng… lớn nhất thế giới. Do đó, việc chính phủ Trung Quốc đang tìm cách hỗ trợ cho thị trường bất động sản đóng băng nhận được kỳ vọng lớn của các nhà phân tích.

Chuyên gia phân tích Shreyas Madabushi của Citi Group đã chỉ ra: “Với các diễn biến tích cực, bao gồm việc nhanh chóng mở cửa trở lại, các nhà máy thép Trung Quốc dự kiến sẽ bổ sung thêm hàng trong bối cảnh hàng tồn kho thấp, cũng như đón đầu các biện pháp hỗ trợ cung cầu cho lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc”.

Citi Group dự báo giá quặng sắt sẽ đạt mức giá 130 USD/tấn do nhu cầu mạnh hơn nhờ việc mở cửa trở lại của Trung Quốc.

Giá thép tăng là một tín hiệu vui cho ngành thép Việt Nam sau một năm 2022 đầy biến động. Theo số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam tháng 11/2022, sản xuất thép thành phẩm giảm 10,78% so với tháng 10/2022 và giảm 36,8% so với cùng kỳ 2021. Tình hình xuất khẩu năm qua cũng ảm đạm. Tính chung 10 tháng năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 6,99 triệu tấn thép, giảm 36,92% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu của những doanh nghiệp thép hàng đầu Việt Nam như Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), Hoa Sen (Mã: HSG) đều sụt giảm mạnh, mất đi khoảng 60% thị giá từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, nhu cầu lớn về thép của thị trường Trung Quốc sẽ là động lực lớn cho một số cổ phiếu ngành thép trong năm nay.  

Dầu thô

Sau khi Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục 101,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Trước đó, nhu cầu dầu của Trung Quốc đã tăng 470.000 thùng/ngày trong tháng 11 năm 2022 so với cùng kỳ tháng trước.

Ông Jeff Currie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Goldman Sachs, ước tính nhu cầu của Trung Quốc có thể khiến giá dầu tăng thêm 5 USD mỗi thùng, nhất là khi du lịch quốc tế có khả năng phục hồi khiến nhu cầu đi lại tăng cao.

Biến động tăng của giá dầu thô do nhu cầu tăng từ Trung Quốc có tác động đa chiều đến nền kinh tế Việt Nam. Giá tăng mạnh sẽ cải thiện các nguồn thu ngân sách liên quan đến xăng dầu của nhà nước. Nhưng ngược lại, giới chuyên gia cho rằng nó sẽ thúc đẩy lạm phát và tạo ra các hệ lụy xấu cho nền kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, trong đó chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Chi phí cho nguyên liệu này tăng cao sẽ tác động lập tức đến lợi nhuận của các ngành, đặc biệt là sản xuất và dịch vụ vận tải. Chưa kể, các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày cũng sẽ bị “đội giá” gây khó khăn cho người tiêu dùng.

Như ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê Việt Nam từng nhận định, khi giá xăng dầu tăng khoảng 10% sẽ làm GDP giảm 0,5%, cũng như tăng thêm 0,36% vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Ngành chăn nuôi lợn

Là nước sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới nhưng nhiều gia đình Trung Quốc đã phải chuyển sang dùng thịt gà có giá rẻ hơn trong đại dịch. Ngành chăn nuôi Trung Quốc bị đình trệ do dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi, khiến nước này phải nhập khẩu số lượng lớn thịt lợn từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, sẽ cần thời gian để ngành chăn nuôi Trung Quốc phục hồi lại như thời trước đại dịch. Do đó, quốc gia này có thể sẽ vẫn còn nhập khẩu nhiều thịt lợn trong năm 2023.

Theo Bộ Công Thương, năm 2023, nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ tăng trở lại khi các biện pháp kiểm soát Covid được nới lỏng và nhu cầu tăng lên.

Nhiều chuyên gia dự báo tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của Trung Quốc (bao gồm cả nội tạng) ước tính khoảng 2 triệu tấn/năm. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành chăn nuôi của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên theo SSI, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là yếu tố cần theo dõi trong lĩnh vực chăn nuôi lợn ở Việt Nam. Bởi còn nhiều quy định liên quan đến nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm. Các trang trại thương mại với “mô hình 3F” được tích hợp đầy đủ sẽ là đối tượng hưởng lợi chính nếu đáp ứng được các quy định trên.

Ngoài các ngành hàng nói trên, thì các ngành du lịch, hàng không, cao su, thủy sản… cũng sẽ được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại.

Tuy nhiên, ngành phân bón có thể chịu tác động tiêu cực khi Trung Quốc mở cửa trở lại, bởi vì quốc gia này xuất khẩu phân bón lớn thứ 2 thế giới. Do đó, quốc gia này sẽ xuất khẩu lượng lớn phân bón ra thị trường quốc tế, khiến giá phân bón sụt giảm, ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón Việt Nam.

Theo Trường Đặng/Diendandoanhnghiep.vn