Truy gói 30.000 tỷ đồng: Bộ Xây dựng mò đâu ra tiền để trả?

Theo baodatviet.vn

(Tài chính) Trong khi đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Xây dựng trả lại gói 30.000 tỷ đồng thì số tiền đó lại nằm ở... ngân hàng chứ không ở Bộ Xây dựng.

Tính đến ngày 17/2/2014, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 17 doanh nghiệp. Nguồn: internet
Tính đến ngày 17/2/2014, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 17 doanh nghiệp. Nguồn: internet

Đại biểu Quốc hội đòi trả gói 30.000 tỷ đồng

Tại phiên thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, đại biểu Ngô Văn Minh - ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nói: “Tôi xin hỏi Bộ trưởng là gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở đâu rồi? Đề nghị trả lại cho Quốc hội và Chính phủ để bố trí làm việc khác”.

Lý do để đại biểu Minh đưa ra đề nghị nói trên là tỷ lệ giải ngân quá thấp, mới được gần 9%.

"Cơ chế chính sách gì mà dân không vay được, doanh nghiệp cũng không tiếp cận được", ông Minh nói.

Theo đại biểu Minh, sở dĩ chính sách nhằm tạo điều kiện lành mạnh hóa thị trường bất động sản và hỗ trợ người có thu nhập thấp có nhà ở nhưng lại không thể đi vào cuộc sống là do từ điều kiện được vay đến lãi suất và thời hạn cho vay đều không phù hợp.

Thời hạn cho vay dài hơn, lãi suất thấp hơn và nên tín chấp hoặc cho thế chấp ngay căn hộ đó, đồng thời không nên khống chế mức vay tối đa thì chính sách này mới đi vào cuộc sống được, đại biểu Minh góp ý.

Tiền rủng rỉnh trong ngân hàng

Trước thông tin trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã giải thích: "Muốn cho vay thì phải có nhà thu nhập thấp, trong khi nguồn cung nhà loại này lại ít thì giải ngân thế nào được?".

Ngoài ra, Bộ trưởng Dũng cũng nhấn mạnh, đây không phải là gói giải cứu để chia hết cho nhanh như một số người hiểu lầm mà  phải ai đủ tiêu chuẩn mới được vay. Và nguồn vốn này cần kéo dài nhiều năm, thậm chí đến khi thu nhập bình quân đầu người đạt 50.000 USD/năm. Vì nhiều nước thu nhập bình quân đầu người còn cao hơn mức đó họ vẫn có nguồn vốn cho vay hỗ trợ nhà ở.

Thực tế, Bộ Xây dựng không phải đơn vị giữ tiền trong gói 30.000 tỷ và khi tốc độ giải ngân của gói 30.000 tỷ chậm chạp Bộ Xây dựng đã nhiều lần sốt ruột đề xuất nới các điều kiện cho vay. Song hồ sơ vay, điều kiện cho vay lại phụ thuộc vào quyết định của 5 ngân hàng được chỉ định cho vay. Số tiền ngân hàng cho người dân vay lại từ ngân hàng nhà nước trong khi nợ xấu, rủi ro tín dụng lại do ngân hàng trực tiếp cho vay phải chịu trách nhiệm.

Trước áp lực của dư luận, lý giải về tốc độ giải ngân chậm của gói 30.000 tỷ này, nhiều lần Bộ Xây dựng và Ngân hàng đã đổ lỗi như chuyền bóng cho nhau.

Theo một lãnh đạo Bộ Xây dựng, lý do lớn nhất khiến người thu nhập thấp khó tiếp cận gói 30.000 tỷ vẫn là việc bắt họ phải chứng minh được khả năng trả nợ. Đây là một điều khoản quá khó đối với người lao động tự do, cho dù hàng tháng hoặc hàng quý họ vẫn xoay xở được một món tiền đủ để trả nợ ngân hàng theo cam kết.

Về phía Ngân hàng nhà nước, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến từng chê tiến độ chuyển đổi giấy phép từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là quá chậm trễ.

5 ngân hàng Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV và MHB là đơn vị trực tiếp giải ngân gói 30.000 tỷ cũng lý giải cho việc gói 30.000 tỷ chậm giải ngân do mắc ở hợp đồng 3 bên giữa ngân hàng, doanh nghiệp và người dân để ngân hàng đảm bảo an toàn vốn vay khi người vay không có tài sản gì để thế chấp ngoài căn hộ được hình thành trong tương lai.

Trong đó, ngân hàng yêu cầu chủ đầu tư cam kết mua lại căn nhà nếu khách hàng không trả được nợ. Nhưng phía doanh nghiệp coi đây là sức ép lớn đối với họ nếu khách hàng không trả được nợ trong thời gian vay vốn, ngân hàng lại bắt chủ đầu tư phải mua lại căn nhà ở xã hội đó.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, tính đến ngày 17/2/2014, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 17 doanh nghiệp với số tiền 1.466,5 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng đã giải ngân cho 11 doanh nghiệp với số tiền là 536,5 tỷ đồng.

Đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, đã có 5 ngân hàng cam kết cho vay 2.275 khách hàng cá nhân với số tiền là 821,3 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 2.261 khách hàng với dư nợ 550,5 tỷ đồng.