Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập ra sao?
(Taichinh) - Rất nhiều nội dung quan trọng về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là tự chủ về tài chính được quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã được ông Võ Thành Hưng -Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) thông tin cho báo chí tại buổi họp báo chuyên đề hôm 5/6.
Đột phá mới về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập
Chia sẻ với báo giới về ý nghĩa của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, đại diện lãnh đạo Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp cho biết, mục tiêu của Nghị định này là nhằm đổi mới toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.
Theo đó, đơn vị tự chủ càng cao về tài chính thì được tự chủ cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự. Gần đây, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP sẽ tạo ra bước đột phá mới trong cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, mà trước đây vẫn còn rất nhiều bất cập, hạn chế.
Bên cạnh đó, kết quả đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập phải hướng tới việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công tốt hơn cho các tầng lớp nhân dân và đảm bảo cho các đối tượng chính sách và người nghèo được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu với chất lượng cao hơn, công bằng hơn...
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định gồm 3 Chương, 24 Điều. Hiện nay, để triển khai thực hiện kịp thời, thống nhất, đồng bộ và toàn diện các quy định của Nghị định này, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, trong đó quy định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các Bộ, địa phương.
Theo đó, giao 7 Bộ trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực chuyên ngành: y tế; giáo dục đào tạo; dạy nghề; văn hoá thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ trong quý III/2015, riêng Nghị định lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác quý II/2015.
Hiện nay các Bộ đang xây dựng để trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực chuyên ngành theo tiến độ nêu tại Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Võ Thành Hưng cho biết Bộ Tài chính được giao xây dựng Nghị định cho lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, hiện đang hoàn chỉnh ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ ban hành.
Bên cạnh đó, giao các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương khẩn trương: Xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực quản lý; Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; Xây dựng hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành các dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước quản lý; Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn dịch vụ sự nghiệp công; Xây dựng cơ chế đặt hàng, đấu thầu dịch vụ sự nghiệp công...
Đồng thời, có trách nhiệm tổ chức, sắp xếp, chuyển đổi, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Đối với trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và trước pháp luật về các quyết định của mình trong việc thực hiện quyền tự chủ về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của đơn vị; bảo đảm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công với chất lượng ngày càng tốt hơn...
Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập như thế nào?
Một trong những vấn đề nóng thu hút được sự quan tâm của dư luận và báo chí là những điểm mới trong vấn đề tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập như thế nào? Trả lời những băn khoăn của báo chí về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp cho biết, tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nội dung chính, quan trọng trong Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, đồng thời khắc phục được những bất cập, hạn chế của các quy định trước đây. Theo đó, những vấn đề về tự chủ tài chính đã quy định chi tiết tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, cụ thể:
Về tự chủ về giá, phí: Để khắc phục những hạn chế về vấn đề Giá, phí, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP đã quy định cụ thể về giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, danh mục dịch vụ sự nghiệp công; đồng thời phân định dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN và dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN. Theo đó, đối với loại dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN thì đơn vị được tự xác định giá dịch vụ theo nguyên tắc thị trường. Đối với loại dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN thì Nhà nước ban hành danh mục và định giá.
Tuy nhiên, Nhà nước cũng quy định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công để phù hợp với khả năng của NSNN và thu nhập của người dân như sau: Đến năm 2016 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định); Đến năm 2018 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); Đến năm 2020 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
Nghị định số 16/2015/NĐ-CP cũng quy định, căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị được thực hiện trước lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công. Đối với nguồn NSNN cấp cho các đơn vị sự nghiệp, thực hiện chủ trương chuyển mạnh sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ, thì đây cũng được coi là nguồn thu của đơn vị để thực hiện tự chủ tài chính.
Về tự chủ về tài chính: Nhằm khuyến khích các đơn vị phấn đấu vươn lên tự chủ tài chính mức cao hơn, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định theo nguyên tắc: Đơn vị tự chủ cao về nguồn tài chính thì được tự chủ cao về quản lý, sử dụng các kết quả tài chính và ngược lại (đi kèm theo đó là tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự).
Tự chủ tài chính có các mức độ sau: Tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Tự bảo đảm chi thường xuyên; Tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí) và Được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (theo quy định không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp, chẳng hạn các trường tiểu học).
Về tự chủ trong chi đầu tư và chi thường xuyên: Các đơn vị được chủ động sử dụng các nguồn tài chính được giao tự chủ, bao gồm nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công (kể cả nguồn NSNN đấu thầu, đặt hàng), nguồn thu phí theo quy định được để lại chi và nguồn thu hợp pháp khác, để chi thường xuyên.
Để tạo điều kiện khuyến khích các đơn vị tự chủ toàn diện về chi thường xuyên và chi đầu tư, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP bổ sung quy định các đơn vị này căn cứ nhu cầu đầu tư và khả năng cân đối các nguồn tài chính, đơn vị chủ động xây dựng danh mục các dự án đầu tư, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trên cơ sở danh mục dự án đầu tư đã được phê duyệt, đơn vị quyết định dự án đầu tư, bao gồm các nội dung về quy mô, phương án xây dựng, tổng mức vốn, nguồn vốn, phân kỳ thời gian triển khai theo quy định của pháp luật về đầu tư. Đơn vị sự nghiệp công được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước hoặc được hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng theo quy định. Căn cứ yêu cầu phát triển của đơn vị, Nhà nước xem xét bố trí vốn cho các dự án đầu tư đang triển khai, các dự án đầu tư khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Về chi tiền lương: Các đơn vị sự nghiệp chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công. Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương cơ sở, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên phải tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị; NSNN không cấp bổ sung.
Đối với đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, chi tiền lương tăng thêm từ các nguồn theo quy định, bao gồm cả nguồn NSNN cấp bổ sung (nếu thiếu).
Về trích lập các Quỹ: Hàng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp NSNN khác (nếu có) theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi, đơn vị được sử dụng để trích lập các quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; quỹ bổ sung thu nhập; quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi.
Ngoài ra, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP cũng cho phép các đơn vị được trích lập các quỹ khác theo quy định của pháp luật. Mức trích các Quỹ căn cứ vào mức độ tự chủ tài chính của đơn vị.
Về tự chủ trong giao dịch tài chính: Đơn vị được mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản thu, chi hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước. Lãi tiền gửi đơn vị được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hoặc bổ sung vào Quỹ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có), không được bổ sung vào Quỹ bổ sung thu nhập.
Nghị định số 16/2015/NĐ-CP cũng quy định, đơn vị sự nghiệp công lập được huy động vốn, vay vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật và phải có phương án tài chính khả thi để hoàn trả vốn vay; chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc huy động vốn, vay vốn.
Ngoài ra, cho phép đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp (công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ), khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.