Tự chủ về tài chính: “Chìa khóa” đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập
Nghị định số 16/2015/NĐ-CP được đánh giá là bước đột phá mới trên lộ trình đổi mới toàn diện, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công; Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp. Trong đó, tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập được đánh giá là một nội dung đặc biệt quan trọng của chính sách mới này.
Xuất phát từ tầm quan trọng của việc đổi mới khu vực sự nghiệp công, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 43/2006/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Những quy định mới về cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập sẽ góp phần thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp vươn lên, tăng cường khả năng tự chủ ở mức cao hơn, thúc đẩy khu vực sự nghiệp công phát triển nhanh, mạnh và bền vững, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tăng cường thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.
Theo Nghị định, về tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp trên nguyên tắc đơn vị tự chủ cao về nguồn tài chính thì được tự chủ cao về quản lý, sử dụng các kết quả tài chính và ngược lại; nhằm khuyến khích các đơn vị tự chủ thấp phấn đấu tăng nguồn thu để được mức tự chủ cao hơn. tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp cũng được quy định cụ thể và chi tiết ở các mức độ khác nhau: Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí); Tự chủ tài chính đối với đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp).
Bên cạnh đó, đơn vị sự nghiệp còn được tự xác định giá dịch vụ theo nguyên tắc thị trường đối với loại dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN. Đối với loại dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN, đơn vị được quyết định mức thu theo lộ trình tính giá do Nhà nước công bố. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các đơn vị có điều kiện vươn lên nhanh hơn, Nghị định quy định, căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị sự nghiệp công được thực hiện trước lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.
Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ, các đơn vị sự nghiệp được chủ động sử dụng các nguồn tài chính được giao tự chủ, bao gồm nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công (kể cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công), nguồn thu phí theo quy định được để lại chi và nguồn thu hợp pháp khác, để chi thường xuyên.
Đối với các nội dung chi đã có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Căn cứ vào khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, tùy theo loại hình đơn vị sự nghiệp công và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Đối với các nội dung chi chưa có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng mức chi cho phù hợp theo quy chế chi tiêu nội bộ.
Tuy nhiên, đối với một số định mức, tiêu chuẩn quy định mang tính chất chung, các đơn vị sự nghiệp công phải tuân thủ, như: tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, nhà làm việc, trang bị điện thoại, chế độ công tác phí nước ngoài, tiếp khách nước ngoài, hội thảo quốc tế...
Để tạo điều kiện khuyến khích các đơn vị tự chủ toàn diện về chi thường xuyên và chi đầu tư, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP bổ sung quy định các đơn vị này được chủ động xây dựng danh mục các dự án đầu tư, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; sau khi danh mục dự án đầu tư được phê duyệt, đơn vị được quyết định dự án đầu tư; được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước hoặc được hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng theo quy định. Căn cứ yêu cầu phát triển của đơn vị, Nhà nước xem xét bố trí vốn cho các dự án đầu tư đang thực hiện, các dự án đầu tư khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền
Đặc biệt là, những quy định liên quan đến chi tiền lương và thu nhập tăng thêm cũng được thể hiện chi tiết như: Nghị định quy định các đơn vị sự nghiệp chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công. Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương cơ sở, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên phải tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị (NSNN không cấp bổ sung); đối với đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, chi tiền lương tăng thêm từ các nguồn theo quy định, bao gồm cả nguồn NSNN cấp bổ sung (nếu thiếu).
Đối với phần thu nhập tăng thêm, các đơn vị được chủ động sử dụng Quỹ bổ sung thu nhập để thực hiện hiện phân chia cho người lao động trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác của người lao động. Tuy nhiên, để đảm bảo mức chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ quản lý không quá chênh lệch so với người lao động, Nghị định quy định, khi phân bổ thu nhập tăng thêm, thì hệ số thu nhập tăng thêm cho các chức danh lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công tối đa không quá 2 lần hệ số thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện của người lao động trong đơn vị
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sự nghiệp trong giao dịch với bên ngoài, đặc biệt là trong các hoạt động liên doanh, liên kết: Đơn vị sự nghiệp công được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản thu, chi hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước. Lãi tiền gửi đơn vị được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hoặc bổ sung vào Quỹ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có), không được bổ sung vào Quỹ bổ sung thu nhập.
Riêng các khoản kinh phí thuộc NSNN, các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, các khoản thu phí theo pháp lệnh phí, lệ phí, đơn vị sự nghiệp công mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để phản ánh.
Không những thế, đơn vị sự nghiệp công lập được huy động vốn, vay vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật và phải có phương án tài chính khả thi để hoàn trả vốn vay; chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc huy động vốn, vay vốn.
Những quy định mới liên quan đến cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã góp phần tạo ra động lực mới đối với sự phát triển của đơn vị sự nghiệp công. Tự chủ về tài chính mới thực sự là chìa khóa để đơn vị nghiệp công tăng cường năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.