Tư duy kinh doanh trong giai đoạn chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam


Đại dịch COVID-19 đã gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế thế giới khiến các hoạt động kinh tế - tài chính trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng có nhiều biến động. Nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp thay đổi và dịch chuyển dần sang kênh số cho phần nhiều các giao dịch (chỉ tương tác trực tiếp cho những giao dịch phức tạp hơn). Xu thế này buộc các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy để tồn tại, cạnh tranh và phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đặt vấn đề

Tư duy số là một khái niệm mới mẻ và quan trọng trong chủ đề chuyển dịch số hiện nay. Đó là một tập hợp cách suy nghĩ, thái độ làm việc và hành vi cho phép nhân sự và tổ chức thấy trước và thích ứng, nắm bắt những thay đổi mà doanh nghiệp (DN) sẽ trải qua trong kỷ nguyên số. Khi được trang bị tư duy số, các cá nhân và người quản lý có thể đối mặt với thay đổi, hay những gián đoạn của tổ chức một cách bình tĩnh, chủ động và tích cực.

Tư duy số bao gồm 5 yếu tố cơ bản: Tư duy hợp tác, tư duy mở, tiếp cận với kỹ thuật và công nghệ, tư duy giải quyết vấn đề và phản biện, văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu thu thập được. Bên cạnh đó, tư duy số còn đề cập đến những người, nhóm người luôn nghĩ đến việc tận dụng công nghệ kỹ thuật số để giải quyết vấn đề của mình một cách tốt hơn. Bài viết phân tích đánh giá xu hướng thay đổi sang sử dụng công nghệ số của khách hàng và DN trong vấn đề tương tác và hoạt động kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

Xu hướng của công nghệ số được các doanh nghiệp áp dụng

Các DN hoạt động trên thị trường đầu tư nhiều hơn cho công cuộc chuyển đổi số: tăng tốc tạo ra các sáng kiến kinh doanh số, vận hành hoạt động kinh doanh thông qua các sản phẩm số, tăng ngân sách chuyển đổi số, mở rộng kinh doanh sản phẩm số…

Các DN áp dụng và quyết định chuyển đổi số sớm bước đầu đã gặt hái được những thành quả: mô hình kinh doanh mới, sản phẩm dịch vụ mới, cải tiến được sản phẩm dịch vụ hiện hữu, tăng trải nghiệm của khách hàng, tinh gọn tổ chức, tiết kiệm chi phí và vận hành hiệu quả.

Có 3 nhóm xu hướng công nghệ chiến lược hàng đầu 2022 mà các DN đang áp dụng là: Công nghệ thúc đẩy tăng trưởng để tạo trải nghiệm cho khách hàng một cách hoàn hảo; Công nghệ thúc đẩy tự động hóa, giúp DN đưa ra được các quyết định điều hành hoặc kinh doanh thông minh, đồng thời giúp DN tối ưu hóa hoạt động và tạo sự khác biệt; DN áp dụng công nghệ nền tảng dữ liệu kết nối, nền tảng ứng dụng và hạ tầng đám mây linh hoạt, dễ mở rộng và bảo mật. Cụ thể:

Thứ nhất, nhóm công nghệ thúc đẩy tăng trưởng để tạo trải nghiệm cho khách hàng một cách hoàn hảo. Nhóm công nghệ này bao gồm: Generative AI là công nghệ được sử dụng để mô tả tất cả các trí thông minh nhân tạo sử dụng để tạo ra các tiện ích về hình ảnh, video, âm thanh, văn bản… cho người dùng sử dụng trong các lĩnh vực hoạt động của mình; Autonomic Systems là công nghệ hệ thống tự động đã được giới thiệu để điều chỉnh các tổ chức như các nhà cung cấp dịch vụ Internet, các tổ chức giáo dục và các cơ quan chính phủ.

Những hệ thống này được tạo thành từ nhiều mạng khác nhau nhưng đều hoạt động dưới một máy chủ duy nhất cho việc quản lý dễ dàng, các DN lớn thường có cơ sở hạ tầng mạng lưới rộng lớn với nhiều mảng nhỏ, phân tán về mặt địa lý nhưng kết nối này cho phép DN sử dụng một môi trường hoạt động đồng nhất ở các chi nhánh. Bên cạnh đó, Total experience là tổng hợp những trải nghiệm của người dùng, điều này mang đến cho các nhân viên trong DN có thể nắm bắt được những kinh nghiệm làm việc của các nhân viên phòng ban khác, chi nhánh khác, đồng thời mang đến những trải nghiệm sản phẩm của các khách hàng đã sử dụng sản phẩm đối với các khách hàng mới; Distributed Enterprise là công nghệ cho phép hệ thống DN lớn có khả năng xử lý tác nghiệp độc lập (kinh doanh, hoạt động, bảo trì...) trên nhiều hệ thống vật lý khác nhau một cách rất linh hoạt mà không ảnh hưởng đến các phòng, ban hay chi nhánh còn lại.

Thứ hai, công nghệ thúc đẩy tự động hóa, giúp DN đưa ra được các quyết định điều hành hoặc kinh doanh thông minh, đồng thời giúp DN tối ưu hóa hoạt động và tạo được sự khác biệt, nhóm công nghệ này bao gồm: AI Engineering là các công nghệ do các kỹ sư lập trình, làm việc với dữ liệu, tìm kiếm công cụ và đánh giá để cho ra mô hình tối ưu nhất cho DN hoạt động. Hyperautomation là công nghệ cho phép tự động hoá các quy trình vận hành trong DN. Hyperautomation có thể giải quyết các vấn đề gây tắc nghẽn vận hành của một số quy trình kinh doanh bằng cách kết hợp trí tuệ nhân tạo với tự động hóa quy trình bằng robot, công nghệ tiên tiến này có thể giải quyết những công việc thủ công lặp đi lặp lại nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao năng suất.

Bên cạnh đó, Decision Intelligence là công nghệ tiến hành phân tích thông qua thói quen làm việc, hành động, chi tiêu của nhân viên, DN hay khách hàng từ đó đặt ra một đường cơ sở, rồi tiến hành so sánh và chấm điểm các hành động mới để đưa ra các phân tích hướng dẫn cho nhân viên, DN tối ưu được hiệu quả hoạt động của mình. Composable Applications là công nghệ được xây dựng từ các thành phần chức năng được module hóa. Composable Applications giúp việc sử dụng và tái sử dụng mã code dễ dàng hơn, đẩy nhanh thời gian tiếp thị các giải pháp phần mềm mới và nâng cao giá trị DN.

Thứ ba, DN áp dụng công nghệ nền tảng dữ liệu kết nối, nền tảng ứng dụng và hạ tầng đám mây linh hoạt, dễ mở rộng và bảo mật, nhóm công nghệ này bao gồm: Cloud-Native Flatforms là công nghệ cho phép DN xây dựng các kiến trúc ứng dụng mới có khả năng phục hồi, đàn hồi và nhanh chóng – giúp DN phản ứng với sự thay đổi kỹ thuật số nhanh chóng. Cloud-Native Platforms cải tiến theo cách tiếp cận lift-and-shift (là kỹ thuật đặc biệt trong việc di chuyển ứng dụng, phần mềm hoặc hệ thống từ từ môi trường này sang môi trường khác mà không làm thay đổi đáng kể thiết kế cơ bản của ứng dụng, phần mềm hoặc hệ thống đó) truyền thống đối với đám mây, phương pháp này không tận dụng được các lợi ích của đám mây và làm tăng thêm độ phức tạp cho việc bảo trì.

Privacy-Enhancing Computation là công nghệ đảm bảo việc xử lý dữ liệu cá nhân trong môi trường không đáng tin cậy. Đảm bảo quyền riêng tư đang trở nên quan trọng do luật bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư ngày càng phát triển cũng như người dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề này. Privacy-Enhancing Computation sử dụng nhiều kỹ thuật bảo vệ quyền riêng tư để cho phép trích xuất giá trị từ dữ liệu trong khi vẫn đáp ứng các yêu cầu tuân thủ.

Cybersecurity Mesh là một kiến trúc linh hoạt, có thể kết hợp và tích hợp các dịch vụ bảo mật khác nhau hoặc phân tán rộng rãi. Cybersecurity Mesh cho phép các giải pháp bảo mật độc lập hoạt động cùng nhau để cải thiện bảo mật tổng thể trong khi di chuyển các điểm kiểm soát đến gần các dữ liệu mà chúng được thiết kế để bảo vệ. Cybersecurity Mesh có thể xác minh danh tính, ngữ cảnh và tuân thủ chính sách nhanh chóng và đáng tin cậy trên các môi trường đám mây hoặc mạng nội bộ. Bên cạnh đó, Data Fabric cung cấp sự tích hợp linh hoạt giữa các nguồn dữ liệu trên các nền tảng và người dùng DN, làm cho dữ liệu có sẵn ở mọi nơi cần thiết cho dù dữ liệu đó ở đâu. Data Fabric có thể phân tích để tìm hiểu và đề xuất nơi lưu trữ dữ liệu, điều này giúp giảm bớt công việc quản lý dữ liệu lên tới 70%

Định hướng, chiến lược của các doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số

Trong công cuộc chuyển đổi số, các DN tập trung vào 2 nội dung chính như: Tối ưu hóa hoạt động kinh doanh hiện hữu và chuyển đổi kinh doanh số.

Tối ưu hóa hoạt động kinh doanh hiện hữu

Tối ưu hóa hoạt động kinh doanh hiện hữu bằng cách ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ giúp tăng giá trị sản phẩm, giá trị dịch vụ dành cho khách hàng mà không làm thay đổi mô hình kinh doanh của DN. Để làm được điều này thì DN phải ứng dụng công nghệ số để giải quyết 5 vấn đề:

Một là, DN phải cải thiện được dòng doanh thu của hoạt động kinh doanh hiện tại. Theo đó, DN có thể áp dụng công nghệ số để phân tích về giá dịch vụ của mình, so sánh về mặt giá với các DN cùng loại trên thị trường, so sánh về mặt chất lượng sản phẩm dịch vụ từ đó đưa ra được mức giá tối ưu dành cho khách hàng.

Hai là, chi phí vận hành phải được cắt giảm thông qua các giải pháp, công cụ tự động hóa để giảm số lượng nhân viên tại các đầu công việc có thể sử dụng máy móc thay thế, hoặc cung cấp dịch vụ qua kênh số, online tại môi trường số mới để hướng thói quen tiêu dùng hoặc sử dụng sản phẩm dịch vụ của khách hàng chuyển sang môi trường số, online để cắt giảm chi phí.

Ba là, tăng năng suất lao động, tăng lượng giao dịch của khách hàng bằng công nghệ AI, RPA, đặc biệt là việc sử dụng quy trình được tự động hóa bằng robot RPA sẽ giúp cho DN tiết giảm được chi phí và gia tăng hiệu quả lao động, khi mà RPA sẽ mô phỏng thao tác lặp đi lặp lại thường xuyên và thay thế con người xử lý các tác vụ kỹ thuật số như diễn giải, kích hoạt hay giao tiếp với ứng dụng và hệ thống, giúp giảm chi phí cho nguồn nhân lực, cũng như hạn chế những rủi ro về sai sót trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Bốn là, cải thiện trải nghiệm của khách hàng thông qua việc tối ưu và tăng chất lượng của các sản phẩm công nghệ số. Có thể nhận thấy, khách hàng chính là nguyên nhân cho quá trình chuyển đổi số trở nên tất yếu. Các DN tập trung cho công tác công nghệ số cũng với mục tiêu chính yếu là đáp ứng được sự kỳ vọng của khách hàng vào các sản phẩm dịch vụ, khi mà nhu cầu đó ngày càng cao, kèm theo đó là sự phát triển của mạng xã hội dễ dàng lan tỏa thông tin cả tích cực lẫn tiêu cực. Tất cả những điều trên khiến cho việc cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao trải nghiệm của khách hàng là vô cùng quan trọng trong sự phát triển của tổ chức.

Năm là, DN phải tái định vị lại chi nhánh bằng cách áp dụng triển khai công nghệ số tại các chi nhánh của DN, từ đó có thể có được các phân tích về mặt hiệu quả khi duy trì hoạt động của chi nhánh đó là như thế nào, cũng như những đóng góp và lợi nhuận của chi nhánh đó mang lại cho DN.

Chuyển đổi kinh doanh số

Các DN mở rộng chi nhánh và chuyển đổi hoàn toàn sang kinh doanh số bằng cách thay đổi hoạt động kinh doanh, thay đổi sản phẩm dịch vụ cung cấp để tạo ra hệ khách hàng mới, nguồn thu mới và mô hình kinh doanh số mới. DN muốn tiến hành số hóa triệt để theo hướng này thì phải tiến hành các công việc:

Thứ nhất, tiến hành nghiên cứu thị trường khách hàng, xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng để khai thác nhằm bán sản phẩm dịch vụ số đang triển khai này đến đúng hệ khách hàng mục tiêu.

Thứ hai, các sản phẩm dịch vụ số mới này phải là những sản phẩm mang về lợi nhuận cao cho DN khi áp dụng tức là nó phải thỏa mãn các tiêu chí về tự động hóa, áp dụng công nghệ mới.

Thứ ba, DN cũng có thể áp dụng các sản phẩm dịch vụ theo hướng “đo ni đóng giày”, tức là xây dựng mô hình dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng bằng cách áp dụng AI cho số lượng sản phẩm dịch vụ cung cấp.

Thứ tư, cấu trúc hoạt động của DN cũng phải được chuyển đổi sang vận hành trên nền tảng số bằng cách tạo hệ sinh thái dựa trên công nghệ đám mây… từ đó có thể mở ra được cơ cấu vận hành DN mới, sản phẩm mới và hệ khách hàng hoàn toàn mới.

Thứ năm, khai thác thị trường mới với hệ khách hàng mục tiêu cảm thụ được các sản phẩm số từ đó tạo ra được phân khúc lợi nhuận lớn cho DN đối với hệ khách hàng có chi phí bán hàng thấp và mang lại doanh thu cao.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tư duy số: Không còn chỗ cho tình thân hữu chi phối, https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/viet-nam-hung-cuong/tu-duy-so-khong-con-cho-cho-tinh-than-huu-chi-phoi-711683.html;
  2. 5 tư duy cần có trong công sở thời 4.0, https://vnmedia.vn/cong-nghe/201904/5-tu-duy-can-co-trong-cong-so-thoi-40-632038/;
  3. Trao đổi với GS Đặng Hùng Võ về tư duy số, https://ictvietnam.vn/trao-doi-voi-gs-dang-hung-vo-ve-tu-duy-so-2021050610300926.htm.

* ThS. Mai Thị Quỳnh Như - Khoa Kế toán, Trường Đại học Duy Tân

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 4/2022