Đã thực hiện thành công 3 mục tiêu chuyển đổi số đặt ra cho năm 2022

Việt Hoàng

Theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, trong 6 tháng đầu năm 2022, nước ta đã thực hiện thành công 3 mục tiêu chuyển đổi số quốc gia: có 100% doanh nghiệp trên cả nước đã sử dụng hóa đơn điện tử; Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,27% đã vượt mục tiêu đặt ra là 7%; Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 66% vượt mục tiêu của cả năm là 65%.

Thủ tướng chủ trì phiên họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đánh giá kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022. Nguồn: chinhphu.vn
Thủ tướng chủ trì phiên họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đánh giá kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022. Nguồn: chinhphu.vn

Sáng ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đánh giá kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022 và xác định những hướng giải pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự cuộc họp tại trụ sở Chính phủ, có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban; các đồng chí Ủy viên Ủy ban: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc.

Báo cáo về tình hình chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 6 tháng đầu năm đã có 63/63 địa phương đã được giao nhiệm vụ triển khai sử dụng tối thiểu 01 nền tảng số; 43/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 lồng ghép trong kế hoạch chuyển đổi số; 8/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 bằng một văn bản riêng của UBND tỉnh, thành phố.

Doanh thu an toàn thông tin mạng đạt 1.418 tỷ đồng, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tỉ lệ nhóm sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng của Việt Nam so với 22 nhóm sản phẩm hệ sinh thái an toàn thông tin mạng đạt 95,5%. Tỷ lệ sản xuất/nhập khẩu tháng 6/2022 đạt 72,6%.

Đặc biệt, đã thực hiện thành công 3 mục tiêu đặt ra cho năm 2022, đó là: 100% doanh nghiệp trên cả nước đã sử dụng hóa đơn điện tử; Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,27% đã vượt mục tiêu đặt ra là 7%; Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 66% vượt mục tiêu của cả năm là 65%.

Cụ thể, tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 45,7%, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 36,9%, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Một số dịch vụ công trực tuyến phát huy hiệu quả rõ rệt phục vụ người dân, tiêu biểu như: Dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Dịch vụ đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; Dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông.

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm ước tính là 10,41%; Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng  gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỉ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%; tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử là 100%.

Trong 05 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ 2021, trong đó, qua điện thoại di động và QRCode có mức độ tăng trưởng ấn tượng nhất. Qua điện thoại di động tăng 99,1% về số lượng và 86,1% về giá trị, qua QRCode tăng 68,9% về số lượng và 113,2% về  giá trị so với cùng kỳ 2021... 

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành.

Nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề; phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự phiên họp cần thẳng thắn đánh giá rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, những nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban và những nhiệm vụ được giao.