"Buôn máy bay":

Từ "gà đẻ trứng vàng" đến gánh nặng tài chính của hãng bay giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á

Theo Hồ Mai/nhadautu.vn

Các giao dịch Sales and leaseback (bán và cho thuê lại) từ những thương vụ “buôn máy bay” đã đóng góp quan cho doanh thu hàng năm của AirAsia nhưng dường như gánh nặng từ các khoản chi phí thuê máy bay khiến kết quả kinh doanh của hãng không mấy khả quan.

 AirAsia đã quyết định chuyển nhượng bộ phận cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay để tập trung nguồn lực vào dịch vụ hàng không. Nguồn: internet
AirAsia đã quyết định chuyển nhượng bộ phận cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay để tập trung nguồn lực vào dịch vụ hàng không. Nguồn: internet

Đầu tháng 3 năm nay, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á - AirAsia đã quyết định chuyển nhượng bộ phận cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay để tập trung nguồn lực vào dịch vụ hàng không. 

Hôm 1/3, AirAsia Berhad (Malaysia) cho hay Asia Aviation Capital, công ty con của hãng hàng không giá rẻ Đông Nam Á này, đã đạt được thỏa nhuận nhượng lại bộ phận dịch vụ cho thuê máy bay cho BBAM Limited Partnership, một trong những hãng cho thuê máy bay hàng đầu thế giới có trụ sở ở Mỹ.

Vụ chuyển nhượng trị giá 1,18 tỷ USD. Nhóm công ty gồm FLY Leasing Limited (FLY), Incline B Aviation Limited Partnership (Incline) và ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura Babcock and Brown (NBB) sẽ tiếp nhận 84 máy bay và 14 động cơ từ Asia Aviation Capital.

“Việc chuyển nhượng này phù hợp với chiến lược phát triển và loại bớt những tài sản, lĩnh vực không phải là cốt lõi mà chúng tôi đã thực hiện trong vòng 6 tháng qua - bắt đầu từ trung tâm đào tạo, đơn vị xử lý mặt đất và bây giờ là đơn vị cho thuê”, Tổng giám đốc AirAsia ông Tony Fernandes cho biết.

AirAsia có trụ sở tại Malaysia đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực cho thuê máy bay sau khi đặt hàng hàng trăm máy bay từ Airbus với giá rẻ trong những năm gần đây để trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của Airbus.

"Các nhà đầu tư đã tỏ ra quan ngại rằng doanh thu của AirAsia phụ thuộc quá nhiều vào thu nhập từ cho thuê máy bay. Thêm vào đó, danh sách đặt hàng máy bay khổng lồ của AirAsia sẽ đòi hỏi nguồn tài chính đáng kể và các nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ tăng đòn bẩy tài chính (đòn bẩy tài chính liên quan đến việc sử dụng nợ để thu lợi nhuận trên tài sản)", Reuters dẫn lời bà Corrine Png - Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu vận tải Crucial Perspective tại Singapore.

Shukor Yusof, người sáng lập công ty tư vấn Endau Analytics cho biết: "Số tiền thu được từ hợp đồng chuyển nhượng này hầu như có thể xóa sạch toàn bộ các khoản nợ mà AirAsia đang phải gánh".

Cho thuê máy bay chiếm khoảng 20% doanh thu hàng năm của AirAsia. Tuy nhiên gánh nặng từ các khoản chi phí thuê máy bay đang là vấn đề mà AirAsia phải đối diện. 

Báo cáo tài chính đã kiểm toán niên độ 2015 của Air Asia cho hay, thu nhập từ thanh lý tàu bay và động cơ theo các hợp đồng bán và cho thuê máy bay - "Sale and lease back" (Gain on disposal of aircraft and engine pursuant to sales and leaseback arrangements) của hãng trong năm 2015 là 32.541.000 ringgits - tương đương khoảng 166 tỷ đồng.

Trong khi, tổng doanh thu từ các hoạt động cốt lõi của hãng (vận chuyển hành khách hàng hóa, phụ phí nhiên liệu, kinh doanh phụ trợ, cho thuê chuyến bay, cho thuê tàu bay) là 3.062.553.000 ringgits.

Tuy vậy, tính chung cả năm 2015, AirAsia X BHD vẫn lỗ 349.616.000 ringgits. Lưu ý, một trong các khoản chi lớn nhất của hãng hàng không này là chi phí thuê máy bay (Aircraft operating lease expenses). Với giá trị 706.058.000 ringgits, chi phí thuê máy bay của AirAsia đã tăng gấp hơn 2 lần so với con số tương ứng của 2014 (337.978.000 ringgits). 

Theo ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam, xét về bản chất, nghiệp vụ bán tái thuê (sales and leaseback) là nghiệp vụ tài trợ dài hạn thay vì nghiệp vụ bán tài sản thông thường. Tài sản bán được coi là tài sản thế chấp trong nghiệp vụ tài trợ này.

 

Trong giao dịch Bán tái thuê một công ty có nhu cầu sử dụng tài sản nhưng không có đủ nguồn tài chính để tài trợ cho đầu tư tài sản. Công ty thực hiện bán tài sản cho bên thứ ba, chủ yếu là công ty cho thuê tài chính, và thực hiện thuê lại tài sản đó.

 

Theo đó, bên cho thuê (bên mua) tài trợ một khoản tiền mặt cho bên thuê thông qua giao dịch bán. Bên đi thuê (bên bán) nhận được một nguồn tài chính đồng thời vẫn được quyền kiểm soát, khai thác và sử dụng tài sản trong suốt thời gian thuê. Thông thường, kỳ hạn trong hợp đồng bán và tái thuê là dài hạn.

 

Giao dịch bán tái thuê máy bay là giao dịch tài trợ rất phổ biến trong ngành hàng không. Các hãng hàng không tài trợ cho các khoản đầu tư máy bay của mình bằng nghiệp vụ bán tái thuê cho các hãng dịch vụ tài chính hàng không khổng lồ trên thế giới như AerCap hay GECAS (GE Capital Aviation Services). Tại Việt Nam, ngoài Vietjet Air, trong những năm gần đây, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng sử dụng nghiệp vụ bán tái thuê để tài trợ cho các khoản đầu tư máy bay mới.

 

Theo quy định của Thông tư 200 - Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam, bên đi thuê (bên bán) trong giao dịch bán tái thuê sẽ phải ghi nhận khoản tiền nhận được từ giao dịch bán tài sản như là một khoản nợ phải trả, nếu bản chất của giao dịch tái thuê là thuê tài chính. Bên đi thuê (bên bán) chỉ được ghi nhận khoản tiền nhận được từ giao dịch bán vào thu nhập khác trên báo cáo kết quả kinh doanh khi bản chất của giao dịch tái thuê là thuê hoạt động.

 

Theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS, bên đi thuê sẽ phải ghi nhận một khoản nợ vay đối với khoản tiền nhận được từ giao dịch bán tái thuê cho dù là thuê tài chính hay thuê hoạt động.

 

Đối với các nhà phân tích tài chính, việc ghi nhận doanh thu từ giao dịch bán tái thuê là một hành động được gọi tên là “ghi nhận trước lợi nhuận tương lai”, có nghĩa là lấy lợi nhuận có thể đạt được trong tương lai để ghi vào báo cáo tài chính hiện tại.