Từ ngày 25/6/2019, xóa bỏ chế độ phụ cấp cán bộ theo loại xã
Ngày 24/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Theo Nghị định, từ ngày 25/6/2019 chính thức xóa bỏ chế độ phụ cấp cán bộ theo loại xã.
Cụ thể, tại Nghị định, Chính phủ thay thế chế độ phụ cấp cán bộ theo loại xã bằng việc tăng lương, tăng phụ cấp kiêm nhiệm. Theo đó, Nghị định quy định cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 01 người trong số lượng quy định tối đa, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm gồm: 50% mức lương bậc 1, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức danh kiêm nhiệm (trước đây chỉ được 20% mức lương hiện hưởng).
Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh (kể cả trường hợp Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND, Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND) cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm.
Cán bộ, công chức cấp xã được kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Về xếp lương, cán bộ cấp xã đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, ngoài hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hiện hưởng được hưởng thêm một khoản phụ cấp bằng 100% mức lương bậc 1 của chức danh hiện đang đảm nhiệm và không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (trước đây chỉ được hưởng 90%)
Cán bộ, công chức cấp xã đã được xếp lương theo một trong các ngạch công chức hành chính, sau đó có thay đổi về trình độ đào tạo phù hợp với chức danh đảm nhiệm thì được xếp lương theo trình độ đào tạo, kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp (quy định mới)
Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ về việc giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã, đồng thời quy định chi tiết mức phụ cấp đối với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
Về nguồn kinh phí để thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Cụ thể như sau:
Một là, kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và cán bộ cấp xã già yếu nghỉ việc do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Hai là, Quỹ Bảo hiểm xã hội bảo đảm kinh phí chi trả các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội cho cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Chính phủ giao Bộ Tài chính cân đối kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn, kiểm tra địa phương thực hiện.
Giao UBND cấp tỉnh quyết định giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo quy định tại Nghị định này; hướng dẫn việc kiêm nhiệm các chức danh để bảo đảm các lĩnh vực công tác ở địa phương đều có cán bộ, công chức đảm nhiệm; bố trí, hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng nguồn kinh phí để thực hiện chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị định này.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/6/2019; Đồng thời, thay thế cho Điều 9, khoản 3 Điều 19 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ; Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.