Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 28: Tìm kiếm phản ứng tập thể phục hồi hậu đại dịch

Theo daibieunhandan.vn

Hôm 8/11, bắt đầu diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 28 (dự kiến từ ngày 8 - 12.11) theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của nước chủ nhà New Zealand. Các nhà lãnh đạo 21 nước thành viên APEC hy vọng đây sẽ là cơ hội tìm kiếm một phản ứng tập thể nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu Covid-19, tái cơ cấu hướng tới phát triển xanh, bền vững, bao trùm và dựa trên nền tảng số.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern giới thiệu Chủ đề của Năm APEC 2021 Cùng phối hợp-Cùng hành động-Cùng tăng trưởng Ảnh: APEC2021NZ
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern giới thiệu Chủ đề của Năm APEC 2021 Cùng phối hợp-Cùng hành động-Cùng tăng trưởng Ảnh: APEC2021NZ

Cùng nhau hành động

Khởi động cho Tuần lễ Cấp cao là các cuộc họp cấp bộ trưởng thương mại và ngoại giao của nhóm 21 nền kinh tế, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga, trước khi các nhà lãnh đạo cấp nhà nước gặp nhau trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 28 vào tối ngày 12.11 theo hình thức trực tuyến.

 

Với chủ đề “Phối hợp trong APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19; Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu Covid-19 và làm thế nào để bảo đảm các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”, Hội nghị Cấp cao sẽ là sự kiện quan trọng nhất của Tuần lễ APEC. Đây là dịp để các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC thảo luận về hai nội dung chính là triển vọng kinh tế toàn cầu, hợp tác phục hồi sau đại dịch và thông qua Tuyên bố của Hội nghị và Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC trong hai thập niên tới. Sự kiện được đánh giá là dấu ấn của Năm APEC 2021 mà New Zealand đảm nhiệm cương vị chủ tịch.

Hội nghị APEC diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, bất ổn gia tăng và nhiều thách thức mới do dịch Covid-19 tái bùng phát với những biến thể mới nguy hiểm hơn; kinh tế thế giới phục hồi tích cực, song còn bấp bênh và không đồng đều. Với vai trò là nước chủ nhà năm nay, New Zealand đã công bố các ưu tiên chính sách vào tháng 12.2020, trong Hội nghị các quan chức cấp cao không chính thức (ISOM), với chủ đề “Cùng phối hợp - Cùng hành động - Cùng tăng trưởng” cho năm APEC 2021, tập trung vào ba ưu tiên gồm các chính sách kinh tế, thương mại thúc đẩy phục hồi kinh tế; đẩy mạnh phục hồi bao trùm và bền vững; thúc đẩy sáng tạo và số hóa.

Các nền kinh tế APEC hiện chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hơn 48% kim ngạch thương mại và gần 40% dân số thế giới, tham gia vào tổng số 170 thỏa thuận thương mại và thương mại tự do khu vực.

Tháng 11.2020, lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đã thông qua Tầm nhìn mới, Tầm nhìn APEC đến năm 2040, hướng tới “Một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai”. 2021 cũng là năm có ý nghĩa quan trọng đối với APEC khi là năm đầu tiên triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040; đồng thời là thời điểm mấu chốt để thúc đẩy các nỗ lực đa phương ứng phó với đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế và chuẩn bị cho tăng trưởng dài hạn.

Nỗ lực của New Zealand

Do tình hình đại dịch diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, New Zealand quyết định tổ chức tất cả các sự kiện trong Năm APEC 2021 theo hình thức trực tuyến với quyết tâm giữ được đà và thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên, nhất là trong việc phối hợp ứng phó với các tác động kinh tế của đại dịch, thúc đẩy phục hồi và tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm trong tương lai.

Để chuẩn bị cho các hoạt động quan trọng trong Tuần lễ Cấp cao, từ tháng 12.2020 cho đến nay, nước chủ nhà New Zealand đã tổ chức hơn 1.000 giờ họp trực tuyến trong gần 300 cuộc họp các cấp, từ cấp quan chức, bộ trưởng đến lãnh đạo cao nhất các nền kinh tế thành viên APEC.

Mặc dù được tổ chức trực tuyến, các cuộc họp đều đạt được những kết quả thực chất, trong đó các bộ trưởng thương mại APEC đã cam kết cắt giảm chi phí cho các chương trình tiêm chủng và tăng tốc độ lưu thông vaccine qua biên giới.

Đặc biệt, vào tháng 7.2021, nước chủ nhà New Zealand đã lần đầu tiên tổ chức cuộc họp không chính thức giữa các nhà lãnh đạo APEC - được sắp xếp trong thời gian ngắn nhằm tập trung thảo luận về các giải pháp tăng cường hợp tác khu vực nhằm vượt qua khủng hoảng y tế và đẩy nhanh phục hồi kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương.

Trước đó, các thành viên APEC đã cam kết tại một cuộc họp đặc biệt vào tháng 6 để mở rộng chia sẻ và sản xuất vaccine phòng Covid-19 và dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với thuốc điều trị Covid-19. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết: “Cùng nhau, chúng tôi đang tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng hoạt động và hỗ trợ thương mại các vật tư y tế quan trọng - bao gồm bộ xét nghiệm, PPE và bây giờ là vaccine”.

"Bóng đen" từ những bất đồng

Đối với New Zealand, nếu không phải vì Covid-19 buộc họ phải chuyển sang tổ chức hội nghị trực tuyến, Tuần lễ Cấp cao sẽ là cơ hội để quốc gia này khẳng định vị thế và giới thiệu bản thân với 20 nền kinh tế đến từ khắp Vành đai Thái Bình Dương, vốn chiếm 38% dân số thế giới và hơn 60% GDP. New Zealand hẳn chưa quên lần đăng cai cuối cùng vai trò Chủ nhà APEC vào tháng 9.1999, từng mang lại thành công rực rỡ.

Nhưng ngay cả không có Covid-19, sự kiện APEC năm nay cũng là một thách thức đối với nước chủ nhà khi hội nghị diễn ra trong "bóng đen" của các Hội nghị cấp cao G20 ở Rome, Italy và cuộc họp khí hậu COP26 ở Glasgow, Anh quốc.

Trong một cuộc họp báo hôm 8.11, Thủ tướng Ardern thừa nhận việc phải chuyển hình thức tổ chức họp tập trung sang trực tuyến có nghĩa là đất nước đã bỏ lỡ cơ hội tạo ra một tiếng vang lớn. Cơ hội của chúng tôi khẳng định vị thế của New Zealand lên trường quốc tế không hoàn toàn như mong đợi so với việc chúng tôi có thể tổ chức một sự kiện trực tiếp”, Thủ tướng Ardern nói trước khi bổ sung rằng, sẽ có rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm thỏa hiệp qua các cuộc họp trực tuyến.

Một trong những điểm nhạy cảm nhất của Hội nghị năm nay là làm sao xử lý tốt mối quan hệ của tam giác kinh tế Trung Quốc - Đài Loan (Trung Quốc) - Mỹ trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc chưa hề được cải thiện dưới thời tân Tổng thống Joe Biden cùng những chính sách gây tranh cãi gần đây của Trung Quốc đối với Đài Loan (Trung Quốc).

Một bầu không khí kém hòa dịu hứa hẹn tại Hội nghị Cấp cao vào cuối tuần này khi Đài Loan (Trung Quốc) dự kiến sử dụng cuộc họp để tìm kiếm sự ủng hộ cho nỗ lực gia nhập hiệp định thương mại quan trọng nhất khu vực - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trung Quốc cũng đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP, công khai phản đối việc Đài Loan (Trung Quốc) trở thành thành viên của Hiệp định.

Một yếu tố khác có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng là việc Mỹ đề nghị đăng cai APEC vào năm 2023. Đây sẽ là lần đầu tiên nước này trở thành nước Chủ nhà APEC kể từ khi cựu Tổng thống Barack Obama chủ trì Tuần lễ Cấp cao ở Hawaii vào năm 2011. Chuyển hướng ưu tiên và nguồn lực sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành trọng tâm chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Tuy nhiên, cho đến nay, Nga vẫn chưa chính thức ủng hộ đề xuất của Mỹ. Điều này tạo ra một tình huống bất thường cho Hội nghị năm nay, vốn thường đạt được thỏa thuận về địa điểm tổ chức kỳ APEC tiếp theo trước khi diễn ra hội nghị. Nguyên nhân là bởi Nga lo ngại những đại diện của họ khó có thể tham dự Hội nghị năm sau khi một trong số họ đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Các nguồn tin cũng cho biết, Trung Quốc cũng không đồng ý với đề xuất của Mỹ.

Những bất đồng trên đe dọa phủ "bóng đen" lên Hội nghị Cấp cao năm nay, khiến các nhà lãnh đạo sẽ có thể không ra được Tuyên bố chung. Đã thành truyền thống kể từ cuộc họp đầu tiên năm 1993, Tuyên bố chung thường được đưa ra sau mỗi cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo APEC. Duy chỉ có một lần ngoại lệ tại Hội nghị Cấp cao 28 vào năm 2018, nhà lãnh đạo APEC lần đầu tiên trong lịch sử đã không thể đưa ra được Tuyên bố chung do hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc chia rẽ sâu sắc về vấn đề thương mại và đầu tư. Mối lo ngại bất đồng giữa các cường quốc tại Hội nghị năm nay không phải không có cơ sở.