Từng bước phục hồi thị trường lao động sau chuỗi ngày dài giãn cách
Từ năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề, kéo dài và toàn diện đến kinh tế - xã hội các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tác động nghiêm trọng không chỉ đối với kinh tế và hệ thống y tế mà còn đối với cả văn hóa, xã hội, sức khỏe, tinh thần người dân, người lao động, tạo ra những thay đổi không chỉ trong ngắn hạn mà cả trung và dài hạn trên hầu hết các quốc gia.
Các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam trong thời gian qua đã thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 nhưng cũng đồng thời duy trì, phục hồi nền kinh tế và thích ứng với những xu hướng phát triển mới, phương thức sản xuất mới, cấu trúc mới và cuộc chơi mới… để hướng tới các cấu trúc kinh tế - xã hội an toàn hơn, bền vững hơn.
Thực tiễn cho thấy, để đối phó với đại dịch này, trong gần 2 năm qua, Chính phủ nhiều nước đã và đang thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ, dành nguồn lực lớn để phòng, chống dịch bệnh, chống suy thoái và phục hồi, phát triển kinh tế vì đây chính là cơ hội để đẩy nhanh việc giải quyết những hạn chế cố hữu, cơ cấu lại và phát triển các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Đáng chú ý là đợt bùng phát lần thứ tư của dịch COVID-19 đã gây sức ép nặng nề về mọi mặt cho nền kinh kế Việt Nam nói chung và cho thị trường lao động nói riêng. Thực tế này đặt ra những thách thức lớn cho Chính phủ trong nỗ lực đạt được các mục tiêu tăng trưởng năm 2021.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, để phục hồi và phát triển kinh tế, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời và ổn định các giải pháp chính sách hỗ trợ (bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ). Tuy nhiên, sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng có năng lực cạnh tranh, khả năng phục hồi nhanh như du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy sản, vận tải hành khách; và các ngành, lĩnh vực có cơ hội phát triển nhanh, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong dài hạn cho nền kinh tế, nhất là thương mại điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số.
Theo các chuyên gia lao động - việc làm, khi dịch bệnh được khống chế và sản xuất phục hồi, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt lao động trầm trọng.
Hiện, ta vẫn chưa có một bức tranh tổng thể về những nhóm lao động bị tác động do đại dịch COVID-19. Ngay cả những chính sách hỗ trợ cũng có nhóm hỗ trợ chính xác nhưng cũng có những nhóm chưa chính xác. Do vậy, để nắm chắc tình hình việc làm của người lao động và có giải pháp hỗ trợ phù hợp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) các địa phương cần chủ động vào cuộc. Ngành lao động các địa phương cần mạnh dạn áp dụng công nghệ và kêu gọi người lao động thực hiện khai báo về tình trạng việc làm hiện tại. Dựa trên khai báo về nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm lên kế hoạch kết nối thị trường lao động.
Trước những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 đến toàn bộ nền kinh tế nói chung cũng như thị trường lao động nói riêng, để kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị cho phục hồi kinh tế, theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), cần rà soát sửa đổi kịp thời và tích cực triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Các địa phương có người lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam chủ động phối hợp với các tỉnh phía Nam cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người lao động của địa phương mình yên tâm ở lại làm việc thay vì chỉ lên phương án đón người lao động về quê dẫn đến đứt gãy nguồn nhân lực khi các tỉnh khu vực phía Nam kiểm soát tốt dịch bệnh.
Trong khi đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp bao gồm: Quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và đẩy lùi COVID-19, nhất là tại thành phố lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp. Đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc-xin, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm tiêm đủ vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân, tạo cơ chế miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.
Triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch; xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động, các kế hoạch về xét nghiệm, kiểm soát bệnh dịch của địa phương để xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất.