Doanh nghiệp và người lao động chưa "gặp nhau", do đâu?
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khoảng 35 nghìn người đã trở về quê Quảng Ngãi từ các tỉnh, thành phố phía nam; trong đó, có hơn 20 nghìn người là công nhân. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi lên kế hoạch tuyển dụng số lao động còn đang thiếu. Tuy nhiên, việc tuyển dụng số lao động trên lại đang gặp nhiều khó khăn.
Theo khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay có 28 DN có nhu cầu tuyển dụng lao động mới, với số lượng khoảng 14 nghìn người. Vì vậy, cơ hội việc làm cho lao động vừa trở về là rất lớn.
Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò thông qua phát phiếu đăng ký từ các huyện, thành phố, thị xã, thì trong tổng số người trở về chỉ có khoảng 10 - 20% là có nhu cầu tìm việc tại các DN trong tỉnh, tương đương khoảng 2.000 - 5.000 người; số còn lại không muốn, hoặc chưa có ý định lập nghiệp, tìm việc tại quê nhà.
Mới đây, trong cuộc họp bàn giải pháp khôi phục sản xuất công nghiệp trong bối cảnh có dịch COVID-19 được UBND tỉnh tổ chức, lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh thông tin, nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất hiện nay là Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, dao động khoảng 5.000 - 7.000 công nhân. Riêng các DN vốn đầu tư nước ngoài cũng đang cần tuyển dụng 3.500 công nhân. Nhưng nhiều tháng nay, số công nhân mà các DN tuyển dụng được vẫn không đáng kể.
Vậy đâu là giải pháp để DN thu hút được người lao động vào làm việc?
Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh: "Công khai thu nhập, điều kiện làm việc cho người lao động biết": Huyện Tư Nghĩa thống kê có khoảng 3.400 công nhân trở về từ các tỉnh, thành phố phía nam. Huyện có liên kết với các DN để giới thiệu tuyển dụng, nhưng khi phát phiếu đăng ký tại cơ sở thì chỉ có hơn 200 công nhân tham gia.
Rất nhiều người có nhu cầu tìm việc, nhưng họ thiếu thông tin về DN nên chưa mạnh dạn đăng ký. Một số công nhân cho biết, họ cần nắm được thông tin về thu nhập, môi trường làm việc và các chế độ khác, đặc biệt là nhà ở. Vì vậy, các DN cần tiếp cận người lao động để thông tin cụ thể những vấn đề trên. Cần thiết DN phải tổ chức thông báo qua hệ thống truyền thanh, phát tờ rơi tuyển dụng tại các khu dân cư để nhiều người biết và cân nhắc việc nộp hồ sơ.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Tấn Đối: "Kết nối người lao động với DN địa phương"Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cấp, ngành tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến, giúp cho người lao động kết nối với DN qua mạng, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian tìm việc làm. Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tuyển dụng lao động của các DN trong tỉnh để người lao động nắm bắt.
Đồng thời, thông tin các chương trình vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, cho vay giải quyết việc làm và tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Ngoài ra, sẽ tiếp tục rà soát thống kê số thiếu hụt lao động thật sự, nhu cầu tuyển dụng của các DN trong các KCN về công việc, trình độ chuyên môn, độ tuổi, mức lương... theo từng nhóm ngành, nghề để kết nối tuyển dụng số lao động về từ các tỉnh, thành phố phía nam cho DN địa phương. Mục đích là để ổn định việc làm cho người dân trong tỉnh.
Giám đốc Công ty CP May Vinatex Nghĩa Hành Đặng Trọng Tâm: "Sẵn sàng đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của người lao động" Công ty đã ký kết nhiều đơn hàng lớn cho năm 2022, nên phải lên kế hoạch mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm công nhân ngay từ bây giờ.
Nhiều tháng qua, công ty cũng có thông báo công khai nhưng số lượng công nhân tuyển dụng được quá ít so với nhu cầu. Ngoài việc trả lương, thực hiện chế độ đãi ngộ, công ty sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người lao động, kể cả là bố trí khu tập thể cho công nhân.
Môi trường làm việc thân thiện, dây chuyền hiện đại, nhiều cơ hội học tập, thăng tiến trong công việc cho người lao động. Chúng tôi rất mong muốn công nhân, lao động mạnh dạn đề xuất với công ty các yêu cầu cụ thể, để cùng nhau bàn bạc đi đến hợp tác lao động, ổn định việc làm, vì lợi ích cho cả hai bên.
Anh Lê Văn Hiền, ở phường Quảng Phú (TP. Quảng Ngãi): "Mong tìm được việc làm ở quê" Trước đây, vợ chồng tôi vào TP. Hồ Chí Minh làm thuê kiếm sống và gửi tiền về cho ông bà nuôi con. Nào ngờ dịch COVID-19 xảy ra, chúng tôi thất nghiệp và trở về quê. Mong muốn của tôi là tìm được một công việc ở quê để gần gũi con và bố mẹ. Tuy nhiên, hơn 3 tháng qua, chúng tôi tìm việc mà chưa có. Tôi mong được quan tâm hỗ trợ để vợ chồng tôi có công việc ổn định, vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.
Anh Đinh Công Hùng ở tổ dân phố Thạch Bi, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ): "Cần hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân" Tôi là thợ cắt may công nghiệp làm việc tại TP.Hồ Chí Minh đã 11 năm. Vừa rồi dịch COVID-19 bùng phát, thất nghiệp, tôi về quê. Tôi đã ở nhà hơn 4 tháng, rất muốn đi làm nhưng khi đi xin việc lại gặp nhiều trở ngại so với TP. Hồ Chí Minh. Tôi đến KCN VSIP Quảng Ngãi xin vào làm tại một số nhà máy, nhưng mức lương mà DN trả còn thấp, không đủ chi phí đi lại, ăn uống rồi thuê nhà.
Thực sự, tôi về quê nhưng đi làm lại không thể về nhà mỗi ngày vì nhà và chỗ làm cách nhau đến 70km. Tôi nghĩ các chủ DN cần quan tâm hỗ trợ công nhân tiền thuê nhà và tính toán trả lương phù hợp với từng vị trí công việc để thuận lợi hơn cho công nhân thì mới thu hút được người lao động.