Tỷ giá USD "dậy sóng", thị trường đối mặt nhiều áp lực
(Taichinh) - Liên tục tăng giá sau kỳ nghỉ lễ, tỷ giá đồng USD trên thị trường ngân hàng Việt Nam đã chính thức kịch trần cho phép. Theo bảng niêm yết của các ngân hàng thương mại, tỷ giá đồng USD ngày 6/5 đã chạm mốc 21.673 đồng- mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Cụ thể, tại Vietcombank, tỷ giá VND/USD giữ nguyên ở chiều bán ra là 21.670 đồng, trong khi chiều mua vào được điều chỉnh tăng thêm 10 đồng lên 21.620 đồng.
Tương tự, BIDV giữ nguyên giá bán ra là 21.670 VND/USD, nhưng chiều mua vào tăng thêm 20 đồng lên mức 21.630 VND/USD. Đây mức giá mua vào được ghi nhận là cao nhất trên thị trường.
Mức giá mua vào – bán ra tại nhiều ngân hàng TMCP cũng được duy trì ở mức cao, trong đó giá bán ra ở mức kịch trần là 21.673 VND/USD, giá mua vào tăng thêm 10 đồng ở ACB, tăng 15 đồng ở DongABank…
Trên thị trường tự do, giá USD tại Hà Nội cũng đã tăng vọt lên mức 21.650-21.660 đồng (mua vào) và 21.675-21.685 đồng (bán ra), cao hơn 20-30 đồng so với phiên liền trước.
Giữ hay tăng tỷ giá - đó là câu hỏi được quan tâm hàng đầu trên thị trường tài chính hiện nay, nhất là khi nhiều ý kiến cho rằng việc “neo” tỷ giá đang khiến cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó.
Đại diện Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam cho biết, việc USD tăng giá mạnh, trong khi tỷ giá đứng im gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cà phê, nhất là trong bối cảnh của đối thủ lớn nhất của cà phê Việt Nam - Brazil lại hạ giá đồng nội tệ xuống rất thấp.
Tương tự, đại diện Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng cho biết, tỷ giá đang tác động bất lợi đến xuất khẩu. Vì vậy, nếu tỷ giá không thể điều chỉnh thêm, do ổn định vĩ mô, VASEP đề nghị NHNN nên giảm sâu thêm lãi suất cho vay, với xuất khẩu nông lâm thủy sản để tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho DN…
Phân tích một cách toàn diện về động thái tiếp tục giữ nguyên tỷ giá của NHNN, chuyên gia ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng điều này có thể sẽ khiến nền kinh tế phải chịu đựng 3 rủi ro lớn, đó là nhập siêu, chi phí cơ hội và lãi suất.
Về rủi ro thứ nhất, doanh nghiệp xuất khẩu cần sự hỗ trợ của NHNN qua việc điều chỉnh tỷ giá, để họ được hưởng lợi từ việc này. Nếu điều chỉnh tỷ giá, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có lợi thế về giá bán cạnh tranh hơn, khi xuất khẩu ra các nước khác.
Rủi ro thứ hai, theo ông Hiếu, là chi phí cơ hội. Với xu hướng USD ngày càng mạnh lên, trong khi NHNN lại neo tỷ giá sẽ tạo ra hoạt động đầu cơ trục lợi.
Với rủi ro thứ 3 - đây là điều rất đáng lo ngại - do sự tăng trở lại của lãi suất, do chính sách neo tỷ giá.
Theo ông Hiếu, để ổn định tỷ giá, NHNN sẽ phải bơm USD ra và điều đó có nghĩa là tiền đồng sẽ bị hút về. Hệ lụy của động thái này sẽ làm dự trữ ngoại hối bị xói mòn, và tiền đồng trở nên khan hiếm.
Đánh giá về tác động hai mặt của tỷ giá, Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2015 mà Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng diễn biến tỷ giá hiện nay đang theo hướng có lợi cho nhập khẩu, trong khi một số doanh nghiệp xuất khẩu bắt đầu cảm thấy năng lực cạnh tranh suy yếu do tỷ giá.
Theo VEPR, tiền đồng đang được định giá cao, và tỷ giá danh nghĩa cả năm sẽ tăng hết dư địa 2%. “Việt Nam đang bước vào một chu kỳ chính trị mới, tính ổn định vĩ mô được ưu tiên và sẽ không có những điều chỉnh đột ngột cho đến cuối năm. Chúng tôi nhìn nhận khả năng kiểm soát tỷ giá của NHNN với lượng dự trữ ngoại hối hiện có (36,7 tỷ USD) và cán cân thanh toán vẫn thặng dư. Do đó, điều chỉnh tỷ giá nếu có sẽ rơi vào cuối quý IV”, báo cáo của VEPR viết.
Song, không loại trừ khả năng tăng tỷ giá trong thời gian tới, Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BSC) lưu ý về việc thị trường đang tiến dần tới thời điểm tháng 6, thời điểm FED dự kiến có thể nâng lãi suất USD sớm nhất. Trong trường hợp đó, diễn biến tỷ giá không loại trừ khả năng được điều chỉnh.
Theo BSC, việc duy trì ổn định tỷ giá trong năm nay phức tạp hơn so với năm 2014. Thứ nhất, sự phục hồi kinh tế Hoa Kỳ sẽ tạo áp lực tăng giá đối với đồng USD mạnh mẽ hơn so với cùng kỳ năm 2014, và hiển nhiên điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của NHNN.
Thứ hai, bối cảnh kinh tế Việt Nam có sự thay đổi so với thời gian trước, khi kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, làm gia tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.
Thứ ba, tác động tâm lý từ sự gia tăng tỷ giá tại Việt Nam có thể mạnh hơn bởi dư địa điều chỉnh tỷ giá trong năm 2015 tới thời điểm hiện tại chỉ còn 1%, và sự tập trung về diễn biến của USD là đáng kể hơn, trong bối cảnh đa số các đồng tiền khác đều giảm giá so với USD, khiến USD nổi lên như là một trong những loại tiền tệ có lợi suất tốt nhất tại thời điểm này.
Trong khi đó, đề xuất cách điều hành tỷ giá cụ thể hơn, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng trong bối cảnh hiện nay, một chính sách tỷ giá “bò trườn” 1-2 VND/ngày có thể hữu ích cho nền kinh tế Việt Nam, đảm bảo được sự ổn định trong ngắn hạn và linh hoạt trong dài hạn.
Tỷ giá tăng do tâm lý
NHNN cho biết tỷ giá tăng là do yếu tố tâm lý, bởi thực tế nhu cầu ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường, không có đột biến, các ngân hàng vẫn đảm bảo cung - cầu ngoại tệ. Thậm chí, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng được cải thiện hơn trước do trong tháng 4/2015 vừa qua, ngân hàng mua vào ngoại tệ nhiều hơn bán ra.