Tỷ giá USD/VND có trở thành “con tin” của tương lai?
Có thể xem việc điều hành chính sách tỷ giá của Việt Nam bắt đầu bước sang giai đoạn mới, giai đoạn của thận trọng.
Đánh dấu điểm bắt đầu này là sự kiện Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách đối tác thương mại cần giám sát vừa qua, dù không bị xem là thao túng tiền tệ.
Không mới, nhưng diễn biến tỷ giá USD/VND và chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ nay sẽ tiếp tục được Mỹ chú ý hơn. Và tình huống tỷ giá USD/VND có trở thành “con tin” trong bản danh sách giám sát đặt ra, khi nhìn về tương lai.
Trước hết, chính sách tỷ giá của mỗi quốc gia vẫn gắn với cân đối ngoại thương. Một mức độ phá giá lớn đồng nội tệ đều có thể được xem như một biện pháp hỗ trợ cho cạnh tranh hàng hóa và xuất khẩu. Và điểm này thường được xét đến khi nhìn vào cán cân thương mại song phương nào đó.
Việt Nam, nhiều năm trước từng có nhiều lần, nhiều thời điểm có những đề xuất về phá giá VND để hỗ trợ hơn nữa cho xuất khẩu. Nhưng, những năm gần đây, quan sát các dòng chảy thông tin chính thống, đề xuất đó trở nên mờ nhạt.
Cũng những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước theo đuổi mục tiêu giữ ổn định tỷ giá USD/VND, thậm chí có những giai đoạn theo đuổi quyết liệt. Thực tế, so với nhiều đồng tiền trong khu vực, VND những năm gần đây ổn định ở nhóm đầu
Theo đó, diễn biến tỷ giá USD/VND đã khẳng định Việt Nam, hay cụ thể là Ngân hàng Nhà nước, không sử dụng công cụ này để can thiệp, hỗ trợ ngoại thương một cách không lành mạnh hoặc tạo lợi thế thương mại không lành mạnh. Điểm này cũng được Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh trước Quốc hội tuần qua.
Thế nhưng, ở một hoạt động khác, tình huống “con tin” nói trên trở nên khá gần, khi nhìn vào chuỗi mua ròng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện ba năm gần đây. Và đây cũng là một tiêu chí mà Mỹ xem xét để đưa vào danh sách giám sát nói trên hay không.
Nhìn ngược lại hoạt động đó gắn với biến động của tỷ giá USD/VND, nếu không có việc mua vào lượng lớn ngoại tệ ba năm qua, tại một số thời điểm VND có thể đã lên giá mạnh. Nhưng do tại những thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước yết giá chặn mua vào, và hướng lên giá của VND dừng lại. Tới đây, giá USD mà Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết mua vào trở nên đáng chú ý hơn.
Với các định hướng trong điều hành chính sách tiền tệ hàng năm, tới đây gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia có được đề cập đến cụ thể hay không cũng sẽ là một điểm được chú ý.
Dù những điểm xoay doanh và được chú ý ở tình huống “con tin” này, nhưng không hẳn vì thế mà chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam sẽ có thay đổi lớn; và dù phía trước chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( FED ) có thể đảo chiều.
Có một thực tế khách quan, những năm gần đây Việt Nam trở thành điểm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Cung ngoại tệ theo đó thuận lợi, thặng dư truyền dẫn vào dự trữ ngoại hối quốc gia. Một trong những yếu tố cấu thành điểm thu hút này là sự ổn định của tỷ giá USD/VND, nhà đầu tư nước ngoài đã không bị “móc túi” ở điểm rủi ro này như nhiều năm trước hoặc bớt rủi ro tỷ giá so với tại nhiều quốc gia khác.
Mặt khác, sự ổn định và chênh lệch lãi suất có lợi cho VND cũng kích thích nguồn lực ngoại tệ găm giữ trong nền kinh tế trước đây chuyển đổi, một phần cũng phản ánh niềm tin vào giá trị đồng nội tệ khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp…
Khi đặt ra tình huống “con tin” nói trên, chính sách điều hành dự kiến sẽ chưa có thay đổi lớn nhưng sẽ đòi hỏi linh hoạt hơn nữa. Giai đoạn mới của việc điều hành theo đó sẽ được nhìn nhận ở tính linh hoạt này, cũng như dự kiến sẽ có thận trọng hơn trong những can thiệp.
Còn hiện tại, cũng như thể hiện rõ từ đầu năm đến nay, áp lực hạn chế mất giá VND tập trung nhiều hơn ở cân đối lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Khi mà giải ngân đầu tư công còn ách tắc, khi mà nguồn tiền gửi ngân sách vẫn dồn tới trên dưới 400.000 tỷ đồng tùy thời điểm trong hệ thống ngân hàng, cân đối đó vẫn còn áp lực.
Thay đổi trong can thiệp của Ngân hàng Nhà nước hiện nay cũng thấy rõ, chỉ nhìn riêng một điểm trong ứng xử với nguồn tiền trên và cân đối lãi suất VND với USD trên liên ngân hàng để ổn định tỷ giá: lãi suất tín phiếu.
Nửa đầu năm ngoái, cùng với việc đưa lượng lớn VND ra mua ngoại tệ và tiền gửi ngân sách dồn lớn trong hệ thống, Ngân hàng Nhà nước phải dùng công cụ tín phiếu phát hành ra để hút bớt tiền về. Khi đó, lãi suất tín phiếu chỉ 1,25%/năm kỳ hạn 28 ngày, 1,85%/năm kỳ hạn 91 ngày.
Nay, lãi suất phải trả cho tín phiếu được nâng lên tới 3%/năm và kỳ hạn chỉ 7 ngày.
Trong chênh lệch lớn đó, thay đổi lớn đó có phản ánh chuỗi tăng lãi suất của FED nửa cuối 2018.
Vậy tới đây thì sao? Kỳ vọng lớn đang đặt ra ở mốc ngày 20/6 gần kề, FED ra quyết định về lãi suất. Nếu FED đảo chiều và giảm lãi suất thì lãi suất tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng như ở các hướng điều hành khác, có thay đổi hay không? Điểm chờ đợi này trở nên rất đáng chú ý.