Tỷ lệ hưởng lương hưu: Việt Nam gần cao nhất thế giới
Các ý kiến cho rằng tỷ lệ hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH)của Việt Nam gần như cao nhất thế giới là nguyên nhân căn bản khiến quỹ Bảo hiểm xã hội có khả năng mất cân đối trong tương lai.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm ngày 11/3 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, đều cho rằng, để giải quyết khả năng mất cân đối quỹ, thì giải pháp căn bản phải là xử lý theo nguyên tắc đóng hưởng.
Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, dự kiến đến năm 2031 chênh lệch thu - chi quỹ hưu trí bắt đầu âm 35.962 tỷ đồng; quỹ bảo hiểm thất nghiệp dự báo đến năm 2020 chênh lệch thu chi hơn 668 tỷ đồng; còn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đến cuối năm 2019 quỹ dự phòng sẽ hết và âm 144 tỷ đồng.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Tổ chức Lao động quốc tế, Ngân hàng Thế giới đều có dự báo là quỹ hưu trí của chúng ta đến một thời điểm nào đó sẽ mất cân đối, 2031 hoặc có thể chậm hơn.
Lý giải vấn đề này, ông Diệp cho biết nguyên nhân đầu tiên là do quan hệ đóng hưởng, tỷ lệ hưởng của Việt Nam gần như cao nhất thế giới (cao nhất 75%). Thứ hai là tỷ lệ tích lũy gần như cao nhất thế giới; ví dụ như nam giới tham gia BHXH 20 năm thì mức tối thiểu là 45%, cứ tăng thêm mỗi năm đóng BHXH được cộng thêm 2%, trong khi các nước xung quanh chỉ 1% hoặc hơn 1%.
Thứ ba, khi người lao động 30 năm tham gia BHXH, mỗi năm đóng 22% tương đương 66 tháng lương vào đó, khi về hưu họ hưởng 75%, tức là đủ cho 88 tháng hưởng lương hưu, cộng tất cả lãi suất đầu tư thì có thể trả tối đa là 120 tháng (tương đương 10 năm sau khi về hưu).
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phân tích, với tuổi thọ bình quân hiện nay là 73 thì người về hưu ở tuổi 60 tuổi trung bình sẽ sống thêm 19 năm. Trong khi đó, phần đóng BHXH chỉ đủ trả cho 10 năm. Như vậy, 9 năm còn lại là quỹ BHXH phải chi trả.
Theo ông Phạm Lương Sơn, hiện nay, mức đóng BHXH tiếp tục giữ nguyên từ Luật BHXH năm 2006. Tuy nhiên, Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung thêm nhiều quyền lợi đối với người hưởng. Mức thu không tăng trong khi mức chi tăng dẫn đến các quỹ sớm mất cân đối là tất yếu.
“Kết quả dự báo việc mất cân đối các quỹ có nguyên nhân chính từ việc tăng các mức hưởng. Vì vậy giải pháp lâu dài cần nghiên cứu, đánh giá chi tiết về thực tế chính sách hiện hành để đề xuất sửa đổi phù hợp hơn trong cân đối giữa mức đóng và mức hưởng”, ông Phạm Lương Sơn nói.
Về giải pháp, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng một trong những giải pháp là nâng tuổi nghỉ hưu. Hiện nay, các nước hầu hết đều nâng tuổi nghỉ hưu lên 67 tuổi. Tuy nhiên, nếu nâng tuổi nghỉ hưu lên thêm 2 hoặc 3 năm thì cũng chỉ giải quyết được một phần của câu chuyện mất cân đối lên tới 9 năm.
Vì thế, cần phải có nhiều giải pháp khác như giảm thiểu tình trạng trốn đóng, nợ đóng; nỗ lực tăng lợi tức đầu tư để quỹ có thể bảo tồn và phát triển được; sử dụng hiệu quả chi phí quản lý theo hướng tiết giảm, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường minh bạch.
Nâng tuổi nghỉ hưu không đủ giải quyết vấn đề
Ông Bùi Sĩ Lợi cũng cho rằng nâng tuổi nghỉ hưu tuy là giải pháp cần thiết, nhưng không phải là giải pháp tối ưu. Bởi việc mất cân bằng quỹ là do nguyên tắc đóng hưởng quyết định chứ không phải hoàn toàn do tuổi nghỉ hưu.
“Anh Diệp phân tích rất đúng, nếu bây giờ chúng ta nâng lên nam 65, nữ 60 thì bài toán mất cân bằng vẫn hiện hữu. Chúng ta phải đồng bộ tất cả các giải pháp và đã đến lúc chúng ta phải nâng tuổi nghỉ hưu”, ông Lợi nói.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Sĩ Lợi, việc nâng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình với tính toán cụ thể với từng nhóm đối tượng. “Tìm được người tài, giỏi có chuyên môn cao ở lại giúp cho đất nước thì nên giữ, còn anh nào không có chuyên môn, không có năng lực mà ở lại thì là lực cản. Hoặc những người làm trong môi trường độc hại thì không nên nâng, chưa nên nâng vào lúc này, nhưng trong tương lai, nếu điều kiện làm việc tốt lên thì chúng ta lại đề xuất nâng”, ông Lợi phân tích.
Khẳng định giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu không liên quan đến vấn đề chi phí bộ máy của cơ quan BHXH, ông Phạm Lương Sơn phân tích thêm, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vừa bảo đảm tương quan giữa đóng và hưởng, vừa giải quyết việc thiếu hụt lao động khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người nghỉ hưu ngày càng giảm đi do mức sinh giảm.
“Đây là một trong các giải pháp để bảo đảm vấn đề an toàn, lâu dài cho quỹ hưu trí và tử tuất, đưa chế độ hưu trí về đúng với bản chất là chế độ bảo hiểm tuổi già”, ông Sơn nói.
Theo ông Lợi, bài toán về tỷ lệ đóng hưởng không thể giải quyết tại một cuộc tọa đàm, nhưng nguyên tắc là có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao và đóng thấp hưởng thấp. Còn việc tăng tuổi nghỉ hưu phải theo lộ trình, bảo đảm quyền lợi cũng như khả năng cân đối, ổn định lâu dài cho quỹ bảo hiểm.
“Chúng tôi cũng sẽ phối hợp hết sức chặt chẽ với các bộ quản lý nhà nước đặc biệt là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để đưa ra những giải pháp để trình Chính phủ, trình Quốc hội để chúng ta có được một lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu tối ưu nhất”, ông Lợi cho biết.
Chi phí quản lý bộ máy BHXH tăng 2.445 tỷ đồng
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Phạm Lương Sơn khẳng định thông tin “chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015 tăng 75,8% so với năm 2014” là hoàn toàn không chính xác.
Cụ thể, theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, việc lập dự toán chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015 tăng 75,8%, tức tăng khoảng 3.193 tỷ đồng so với năm 2014. Như vậy, đây là việc lập dự toán chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015 chứ không phải là số chi phí quản lý của BHXH Việt Nam.
Thực tế, chi phí quản lý bộ máy của BHXH Việt Nam được giao năm 2015 tăng 2.445 tỷ đồng so với dự toán năm 2014 là để thực hiện một số nhiệm vụ cần thiết, cấp bách mà năm 2014 trở về trước chưa được bố trí kinh phí hoặc bố trí ở mức thấp do tuân thủ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Bùi Sĩ Lợi cho biết thêm một nguyên nhân khác là do số người tham gia bảo hiểm tăng mạnh, năm 2016 số người tham gia hệ thống BHXH tăng hơn 1 triệu người so với năm 2015. Chi phí tăng do nhiều vấn đề, do công tác tuyên truyền, công tác đầu tư, công tác đi vận động đối tượng…
“Tôi khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn giám sát chặt chẽ, kỹ và minh bạch vấn đề chi phí quản lý quỹ của BHXH Việt Nam và chúng tôi yêu cầu không được tăng biên chế. Không tăng người nhưng phải tăng điều kiện làm việc, tăng chất lượng để công tác BHXH, BHYT được công khai minh bạch cho người dân tin tưởng”, ông Lợi cho biết.