Ứng dụng kế toán quản trị chiến lược trong các quyết định về giá bán sản phẩm

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 10/2019

Vai trò, trách nhiệm của kế toán quản trị đang được mở rộng, bao hàm cả các nhu cầu đối với quá trình ra quyết định chiến lược kinh doanh như: Các quyết định liên quan về kiểm soát, về sự thay đổi chi phí, về giá, chiết khấu và sản phẩm…

Vai trò, trách nhiệm của kế toán quản trị đang được mở rộng.
Vai trò, trách nhiệm của kế toán quản trị đang được mở rộng.

Tuy nhiên, hiện nay, kế toán quản trị chưa được coi trọng đúng mức trong phần lớn doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, khung khổ pháp lý về lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. Bài viết phân tích vấn đề ứng dụng kế toán quản trị chiến lược trong quá trình ra quyết định liên quan đến giá và chiết khấu sản phẩm trong doanh nghiệp, đồng thời gợi mở một số vấn đề lưu ý đến các doanh nghiệp.

Các nguyên tắc thực hiện kế toán quản trị chiến lược

Kế toán quản trị chiến lược là một nội dung của kế toán quản trị, nó tạo ra giá trị cho tổ chức bằng cách hỗ trợ sự hình thành, lựa chọn, thực hiện và đánh giá các chiến lược của tổ chức với việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực, thu thập thông tin tài chính và phi tài chính của cả môi trường bên trong và bên ngoài tổ chức. Để vận hành kế toán quản trị một cách hiệu quả nhất cần chuyên viên kế toán có chuyên môn cao. Những chuyên viên này phải đảm bảo áp dụng các nguyên tắc kế toán quản trị chiến lược vào hoạt động hàng ngày với mục đích duy trì tính liêm chính, đồng thời tận dụng những quan điểm này nhằm nuôi dưỡng và phát triển hoạt động kinh doanh. Cụ thể:

Thứ nhất, sự giao tiếp truyền đạt tầm nhìn có ảnh hưởng

Kế toán quản trị phục vụ cho quá trình ra quyết định, nên việc truyền đạt thông tin rất quan trọng và tùy thuộc vào nhu cầu, mức độ của người tiếp nhận thông tin. Ra quyết định dựa trên việc trao đổi thông tin nhằm mục đích loại bỏ nguy cơ thông tin bị sai lệch, không đồng nhất. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ những thông tin phù hợp nhất mới được dùng để phân loại và phân tích, giúp tăng tầm ảnh hưởng của kế toán quản trị. Bất kỳ dự đoán, thảo luận hoặc báo cáo nào cũng phải dựa trên các nguồn thông tin chính xác, đáng tin cậy, minh bạch và có tính tác động đến doanh nghiệp.

Thứ hai, thông tin thích hợp

Việc có được các thông tin chính xác có ảnh hưởng đến việc ra quyết định thì thông tin đó phải liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị. Nhiều quan điểm cho rằng, các dữ liệu trong quá khứ không thực sự cần thiết và hữu ích. Tuy nhiên, nếu thông tin đó cho biết những hoạt động nào đem đến lợi nhuận cao, những hoạt động nào không có hiệu quả, thì thông tin đó vẫn còn giá trị để khai thác thêm. Thông tin chỉ mất đi giá trị khi nó bao gồm chi phí chìm hoặc chi phí cam kết. Nhiệm vụ của kế toán quản trị là xem xét mọi cơ sở dữ liệu có sẵn và chỉ trích xuất những phần phù hợp nhất với nhu cầu hiện tại, sau đó sàng lọc và đẩy những dữ liệu này qua khâu phân tích.

Thứ ba, phân tích tác động đến giá trị

Các thông tin có liên quan được sử dụng để ra quyết định và tính các tác động và ảnh hưởng của cơ hội cũng như rủi ro đến hoạt động của doanh nghiệp. Các phương án được đưa ra giúp doanh nghiệp cân nhắc từng hành động và đánh giá từng tình huống dựa trên sự hiểu biết thấu đáo về tình hình kinh doanh và tình hình của nền kinh tế. Dựa trên các thông tin thu được, doanh nghiệp điều chỉnh mục tiêu và nhu cầu cho phù hợp hơn, tiến hành khai thác khi có cơ hội hay nên giảm thiểu đầu tư nhằm tránh rủi ro.

Thứ tư, giá trị tạo lập niềm tin

Ưu tiên hàng đầu của chuyên viên kế toán quản trị chính là đảm bảo mọi hoạt động và quyết định kinh doanh đều tuân thủ đúng theo luật pháp và quy tắc ứng xử kế toán địa phương. Bảo toàn tính liêm chính và đạo đức nghề nghiệp chính là phương thức giúp các chuyên viên viên kế toán bảo toàn giá trị và trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp.

Ứng dụng kế toán quản trị chiến lược về giá bán sản phm trong doanh nghiệp

Kế toán quản trị là lĩnh vực chuyên môn sâu của kế toán nhằm nắm bắt các vấn đề về thực trạng, đặc biệt là thực trạng tài chính của các tổ chức kinh tế, phục vụ quản trị nội bộ và ra quyết định quản trị, gồm các quyết định liên quan đến định giá bán, chiết khấu sản phẩm thường phù hợp với chiến lược chung của doanh nghiệp, thể hiện tính linh hoạt trước thay đổi của thị trường.

Thông thường, mức giá mà doanh nghiệp định ra phải hợp lý, tức nằm ở khoảng nào đó giữa hai mức giá hoặc không quá thấp để không đem lại lợi nhuận hoặc không quá cao để không thể bán. Quá trình ứng dụng kế toán quản trị chiến lược đối với các quyết định liên quan đến giá và chiết khấu sản phẩm như sau:

Một là, truyền đạt thông tin có ảnh hưởng liên quan đến giá bán và chiết khấu sản phẩm

Định giá bán sản phẩm có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp vì nó tác động tới mức doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp (giá bán cao tạo ra mức lợi nhuận lớn, giá bán thấp thì có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp). Do đó, việc sử dụng những thông tin phù hợp liên quan đến việc xác lập giá giúp nâng tầm của kế toán quản trị. Định giá bán sản phẩm dựa trên chi phí là phương pháp phổ biến nhất trong tất cả các doanh nghiệp và có nguồn gốc lịch sử lâu đời. Chi phí sản xuất ra sản phẩm là yếu tố có tính chất quyết định trực tiếp tới kết quả và hiệu quả tài chính cuối cùng của doanh nghiệp, đó là nhân tố để doanh nghiệp tồn tại và phát triển như thế nào trên thị trường. Do vậy, chỉ cần sự thay đổi đáng kể của chi phí, các nhà quản tri lại có quyết định định giá mới.

Xem xét trường hợp tại một doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm X, dự kiến mức tiêu thụ trong một năm là 10.000 sản phẩm, các số liệu liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ dự kiến như sau:

Kế toán quản trị là lĩnh vực chuyên môn sâu của kế toán nhằm nắm bắt các vấn đề về thực trạng, đặc biệt là thực trạng tài chính của các tổ chức kinh tế, phục vụ quản trị nội bộ và ra quyết định quản trị. Nội dung bao gồm các quyết định liên quan đến định giá bán, chiết khấu sản phẩm phù hợp với chiến lược chung của doanh nghiệp, thể hiện tính linh hoạt trước thay đổi của thị trường.

- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: 9.000 đồng/sản phẩm

- Chi phí nhân công trực tiếp: 8.000 đồng/sản phẩm

- Biến phí bán hàng và quản lý: 3.000 đồng/sản phẩm

- Tổng định phí sản xuất chung: 70.000.000 đồng

- Tổng định phí bán hàng và quản lý: 20.000.000 đồng

- Tỷ lệ hoàn vốn mong muốn (ROI): 20%

- Vốn hoạt động bình quân: 500.000.000 đồng

Giá bán sản phẩm được xác định gồm 2 yếu tố là chi phí nền và số tiền cộng thêm, chi phí nền bao gồm toàn bộ chi phí liên quan đến quá trình sản xuất và phần tiền bù đắp các khoản chi phí liên quan đến quá trình tiêu thụ sản phẩm. Theo phương pháp định giá bán cộng thêm dựa vào chi phí, giá bán trong trường hợp này là 420.000 đồng/sản phẩm. Nếu yếu tố chi phí nguyên vật liệu thay đổi 10% thì giá bán sản phẩm sẽ tăng tương ứng 10%. Điều này có nghĩa là chi phí là cơ sở quan trọng để ra quyết định về cơ cấu mặt hàng cần sản xuất cũng như sản lượng tiêu thụ hàng hóa trên thị trường.

Hai là, xem xét các thông tin thích hợp liên quan đến quá trình định giá bán sản phẩm

Các thông tin liên quan đến giá bán sản phẩm được xem xét cả trong ngắn hạn lẫn trong dài hạn. Trong ngắn hạn, thông tin về các khoản chi phí phù hợp liên quan đến việc xác lập mức giá bán cho sản phẩm được sử dụng để kết hợp sản phẩm tối đa hóa lợi nhuận và loại bỏ các sản phẩm kinh doanh thu lỗ. Giá nên được thiết lập bằng cách sử dụng phương pháp có liên quan đến chi phí biến đổi, do đó chi phí cố định được giả định là không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi từ quyết định giá cả.

Trong dài hạn, hầu hết các doanh nghiệp đều dựa vào toàn bộ chi phí liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để xác định giá bán mục tiêu  hay giá bán tiêu chuẩn, từ đó có thể điều chỉnh tăng giá hoặc giảm giá tùy thuộc vào tình hình cầu hàng hóa. Xem xét trường hợp của công ty Công ty B đang sản xuất kinh doanh mặt hàng X với các thông tin như sau:

- Biến phí nguyên vật liệu trực tiếp: 10.000 đồng/ sản phẩm

- Biến phí nhân công trực tiếp: 5.000 đồng/sản phẩm.

- Biến phí sản xuất chung: 3.000 đồng/sản phẩm.

- Chi phí hoa hồng bán hàng: 1.000 đồng/sản phẩm.

- Khấu hao tài sản cố định dung sản xuất: 12.000.000 đồng

- Khấu hao tài sản cố định dùng để bán hàng: 10.000.000 đồng

- Chi phí giao tế, tiếp khách : 8.000.000 đồng

Năng lực sản xuất của công ty 1000 sản phẩm. Hiện thời, công ty đang sản xuất và tiêu thụ bình quân trong kỳ 800 sản phẩm với giá bán 60.000 đồng/sản phẩm. Một khách hàng yêu cầu công ty bán 100 sản phẩm (ngoài số sản phẩm kinh doanh hằng kỳ) với giá bán 40.000 đồng/sản phẩm. Công ty có nên bán hay không ?

Khi doanh nghiệp có dư thừa công suất, dòng tiền tăng thêm từ việc chấp nhận thêm đơn hàng là chênh lệnh giữa doanh thu và chi phí biến đổi. Giá theo chi phí biến đổi được sử dụng trong trường hợp này. Khi doanh nghiệp không dư thừa công suất, giá tối thiểu có thể chấp nhận sẽ phải bù đắp được chi phí tăng thêm.

Thông tin thích hợp liên quan đến việc định giá bán trong trường hợp này là sử dụng toàn bộ thông tin liên quan đến chi phí biến đổi, theo mô hình định giá theo chi phí trực tiếp, với giá bán 40.000 đồng/sản phẩm, công ty sẽ tạo thêm mức dư đảm phí: 100sp x (40.000 đồng/sản phẩm – 19.000 đồng/sản phẩm) =1.100.000 đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận gia tăng thêm cho công ty.

Nếu áp dụng mô hình tính giá đặc biệt trong trường hợp công ty còn thừa năng lực:

Giá bán > Biến phí sản xuất kinh doanh

Giá bán > 19.000đồng/sản phẩm

Vậy, với giá bán 40.000đồng/sản phẩm công ty vẫn thực hiện được vì mức giá này giúp công ty gia tăng thêm một khoản lợi nhuận.

Ba là, phân tích các thông tin tác động đến việc xác lập giá bán

Cùng với việc phân tích các nhân tố bên trong liên quan đến việc định giá đó chính là chi phí, doanh nghiệp cũng cần phải phân tích các yếu tố tác động đến giá bán và những ảnh hưởng từ bên ngoài như là đối thủ cạnh tranh hay nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm doanh nghiệp đang sản xuất.

Về nhu cầu thị trường, trước khi nhà quản trị đưa ra quyết định sản xuất sản phẩm gì, cần xác định phân khúc khách hàng, số lượng các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Doanh nghiệp cũng cần dự đoán xu hướng vận động nhu cầu của thị trường để đưa ra các quyết định định giá sản phẩm đúng thời điểm nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Tính cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại trên thị trường: Đối với các sản phẩm cạnh tranh doanh nghiệp nên đưa ra giá bán phù hợp vì nếu giá bán cao quá sẽ không tiêu thụ được, hoặc giá bán thấp quá, doanh nghiệp sẽ mất đi một mức lợi nhuận. Do vậy, các nhà quản trị cần nghiên cứu yếu tố cạnh tranh trên thị trường thông qua những yếu tố như: Uy tín và vị thế của doanh nghiệp, chiến lược dài hạn của doanh nghiệp…

Xem xét trường hợp của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm A với tình hình đối thủ cạnh tranh giảm giá bán 10% và thị phần giảm 3%, doanh số hiện đang giảm và các đối thủ cạnh tranh khác đang mở rộng thị phần. Nếu doanh nghiệp tập trung vào đối thủ cạnh tranh hay lấy đối thủ cạnh tranh làm trung tâm là doanh nghiệp đề ra các giải pháp của mình cơ bản dựa vào những phản ứng và hành động của đối thủ cạnh tranh.

Bốn là, giá trị tạo lập niềm tin

Sự tín nhiệm là nền tảng của các mối quan hệ, là thứ sẽ thuyết phục người mua hàng chọn doanh nghiệp của mình thay vì đối thủ. Một phương thức xác lập giá dựa trên những nhân tố đáng tin cậy sẽ giúp doanh nghiệp bảo toàn tính liêm chính và đạo đức nghề nghiệp cũng mình. Đồng thời, giúp cho khách hàng cảm thấy tự tin vào quyết định mua sản phẩm.

Tóm lại, kế toán quản trị chiến lược về giá cần thu thập các thông tin về giá, truyền đạt các thông tin liên quan đến việc xác lập giá, phân tích các nhân tố tác động đến giá bán để xác lập một mức giá phù hợp cho sản phẩm nhằm nâng cao tính minh bạch trong công tác kế toán và bảo đảm lòng tin cho khách hàng.

Tài liệu tham khảo:
1. VACPA (2018), Những nguyên tắc kế toán quản trị toàn cầu;
2. Hoàng Khánh Vân (2016), Thông tin chi phí trong định giá bán của doanh nghiệp, Tạp chí Tài chính kỳ II, số tháng 7/2016;
3. Nguyễn Văn Dung (2009), Chiến lược và chiến thuật thiết kế và định giá sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh, NXB Tài chính.