Ứng phó với hàng rào phi thuế quan: Hạ thuế, nâng hàng rào kỹ thuật

Theo Ngọc Ánh/nld.com.vn

Việt Nam đang là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hàng loạt ưu đãi thuế mà các nước dành cho hàng xuất khẩu nước ta.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, để tận dụng được ưu đãi, doanh nghiệp Việt cần vượt qua hàng loạt hàng rào phi thuế quan như quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), xuất xứ hàng hóa, các biện pháp về phòng vệ thương mại.

Các nước nhập khẩu nông sản đang siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật và những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, cấp chứng thư xuất khẩu...

Đầu tháng 8/2020, khi làn sóng Covid-19 lần thứ 2 bùng lên và Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã lên kịch bản tăng trưởng cũng như giải pháp trong tình hình mới: Nhiều thị trường nhập khẩu nông sản siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp chứng thư xuất khẩu, đẩy mạnh chính ngạch, thanh kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu...

Lo nông sản không đạt chuẩn

Thông tin "nóng" nhất mà các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản sang châu Âu nhận được là EU có kế hoạch hạ mức dư lượng tối đa (MRLs) đối với 10 chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật: carbon tetrachloride, chlorothalonil, chlorpropham, dimethoate, ethoprophos, fenamidone, methiocarb, omethoate, propiconazole và pymetrozine trong hoặc trên các sản phẩm về giá trị mặc định 0,01ppm (1/100.000.000), trong khi giá trị hiện hành là 0,1ppm.

Theo tổ chức Croplife Việt Nam - đại diện các DN phát triển thuốc bảo vệ thực vật EU và Mỹ, nếu quy định này được áp dụng sẽ tác động trực tiếp đến nông sản Việt Nam vào EU. Nguyên nhân là do nông dân Việt Nam dùng đến 6/10 hoạt chất kể trên cho nhiều loại nông sản nên sẽ không đạt chuẩn xuất khẩu sang EU.

Chỉ những doanh nghiệp được Trung Quốc phê duyệt mới được phép xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này
Chỉ những doanh nghiệp được Trung Quốc phê duyệt mới được phép xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - cơ quan đầu mối tại Việt Nam với các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về những vấn đề SPS (các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch), trực thuộc Bộ NN-PTNT - xác nhận trong tháng 7 đã nhận được thông báo của EU và gửi đến các cơ quan chuyên môn, hiệp hội, những DN bị tác động để lấy ý kiến góp ý. Qua thảo luận với các chuyên gia, mức MRLs mà EU dự kiến rất thấp - gần bằng 0, trường hợp nông dân phun thuốc có hoạt chất đó trên cánh đồng này, cánh đồng bên cạnh cũng bị nhiễm ngay.

"Sau khi nhận được ý kiến của Croplife Việt Nam, chúng tôi đã gửi văn bản đến các cơ quan chuyên môn nhưng đến nay đã hết thời hạn góp ý vẫn chưa nhận được văn bản phản đối. Theo thông lệ, nếu các cơ quan chuyên môn không có ý kiến phản đối bằng văn bản, nghĩa là họ đồng ý đối với tiêu chuẩn mới" - ông Nam thông tin. Theo ông, nếu các nước thành viên WTO khác không có phản đối đủ mạnh để EU không áp dụng quy định mới thì EU sẽ chính thức áp dụng quy định này. Khi đó, nông sản Việt Nam muốn xuất khẩu sang EU phải có kế hoạch thích ứng để không vi phạm.

"Bội thực" rào cản

Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 2.200 thông báo thay đổi quy định SPS từ 18 thị trường, là đối tác thương mại chính, có thể tác động đến xuất khẩu nông sản Việt Nam. Số lượng thông báo tăng đều qua các năm, từ 219 thông báo trong năm 2015 vọt lên 579 vào năm 2019. Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 498 thông báo mới, nhiều nhất là từ EU (84), Nhật Bản (82), Canada (59), Mỹ (51), Hàn Quốc (30).

Thống kê nêu trên cũng cho thấy vào những năm FTA mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, số thông báo thay đổi quy định SPS tăng lên rõ rệt. Chẳng hạn năm 2015, khi FTA Trung Quốc - ASEAN có hiệu lực thì Trung Quốc gửi đến 141 thông báo; từ năm 2016 đến nay nước này chỉ ban hành 8-41 thông báo/năm. Năm 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, Nhật Bản - đối tác lớn trong CPTPP - có đến 142 thông báo, trong khi giai đoạn 2015-2018 chỉ 6-62 thông báo/năm.

Ông Lý Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (tổ chức chuyên cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với nông sản, thủy sản xuất khẩu sang EU), nhận định xu hướng của thị trường EU là tăng rào cản kỹ thuật khi giảm hàng rào thuế quan. Ngoài các quy định của chính quyền, thị trường EU còn đưa ra nhiều tiêu chuẩn, chứng nhận của các hiệp hội người tiêu dùng, tổ chức phi chính phủ, nhà bán lẻ mà DN muốn xuất khẩu phải tuân theo như: BRC (tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội Bán lẻ Anh thiết lập), ASC (nuôi trồng thủy sản bền vững), GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu)...

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Nafiqad, thuộc Bộ NN-PTNT), với thủy sản, Trung Quốc cấp phép cho từng DN Việt Nam. Theo thỏa thuận, hằng quý, phía Việt Nam gửi văn bản đề nghị bổ sung để Trung Quốc xem xét đưa vào danh sách. Lần gần nhất, cơ quan chức năng nước này cập nhật danh sách là ngày 22/1/2019 với 750 DN, Việt Nam đã gửi đề nghị bổ sung 45 DN và điều chỉnh thông tin của 143 DN nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi từ Trung Quốc.

Đối với tôm xuất khẩu sang Úc, thị trường này yêu cầu sản phẩm chưa nấu chín, chưa chế biến sâu phải được cơ quan thẩm quyền Việt Nam lấy mẫu xét nghiệm và chứng nhận không có bệnh đốm trắng, đầu vàng. Các lô hàng khi cập cảng tại Úc sẽ được cơ quan thẩm quyền sở tại lấy mẫu xét nghiệm và chỉ được phép nhập khẩu khi kết quả đạt yêu cầu. Mới đây, sản phẩm tôm tẩm ướp và tẩm bột từ mặt hàng chế biến sâu chuyển sang nhóm chưa nấu chín phải thực hiện xét nghiệm bệnh, gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu.

Lý do phía Úc đưa ra là sản phẩm sau nhập khẩu được rửa đi để thành tôm tươi, làm mồi câu hoặc thức ăn cho thủy sản. Nafiqad đã trao đổi với Úc, đề nghị không chuyển đổi nhóm mặt hàng mà cần tăng cường công tác kiểm soát sau nhập khẩu để ngăn việc lạm dụng thực phẩm làm mồi câu thay vì áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ với các lô hàng nhập khẩu.

Không chỉ những quy định mới, việc nước nhập khẩu thay đổi quy trình thực thi những quy định cũ cũng làm ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản Việt Nam. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, Trung Quốc từ kiểm dịch tại kho chuyển sang kiểm dịch tại cảng đã làm tăng khả năng hư hỏng chuối tươi do mất nhiệt, trầy xước 5%-7%. DN còn phải tốn thêm chi phí đảo chuyển, bốc xếp 1-2 triệu đồng/container.

Cần xây dựng cơ sở dữ liệu cho DN xuất khẩu

Nêu thực trạng của các DN xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, chậm cập nhật những quy định mới, ông Lý Hoàng Hải đề xuất cần xây dựng cơ sở dữ liệu để hỗ trợ DN cập nhập những thay đổi tiêu chuẩn thị trường. "Các cơ quan chức năng cần ban hành kịp thời những quy định, chính sách phù hợp với yêu cầu của EU và phản biện những quy định không hợp lý. Trong quá khứ, từng có trường hợp EU đưa ra yêu cầu kỹ thuật mới đối với thủy sản không hợp lý, không phù hợp với điều kiện sản xuất Việt Nam nên các DN ngành hàng, cơ quan chức năng đã phản biện. Kết quả là EU không thay đổi quy định như dự định và Việt Nam bảo vệ được sản xuất trong nước" - ông Hải dẫn chứng.