USD tăng vọt, nhiều quốc gia “đứng ngồi không yên“
Đà tăng giá mạnh mẽ của đồng USD buộc ngân hàng trung ương các nước đang phát triển phải tung ra những biện pháp nhằm ổn định đồng nội tệ trước các con sóng lớn.
10 phiên gần nhất, đồng USD liên tiếp tăng giá và đã tiến sát tới mốc ngang giá so với đồng euro, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất kể từ khi đồng tiền chung châu Âu chính thức ra đời năm 1999. USD cũng tăng giá so với yên Nhật – đồng tiền đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 30/5.
USD tăng giá, hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và chi phí đi du lịch nước ngoài mà người Mỹ phải trả cũng rẻ hơn. Đồng thời đồng nội tệ tăng giá cũng tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản và châu Âu.
Tuy nhiên, điều này lại ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ đồng thời khiến dòng vốn tháo chạy khỏi các nước đang phát triển, làm bức tranh tăng trưởng của kinh tế thế giới thêm phần phức tạp khó đoán.
Đồng bạc xanh đã tăng giá rất mạnh và thậm chí buộc một số ngân hàng trung ương phải can thiệp. Peso Mexico đã giảm 11% so với USD, liên tục phá đáy kể từ khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ trong khi đồng real Brazil cũng đã mất 6,3%.
Kể từ đầu năm đến nay, các thị trường mới nổi đã phát hành số nợ niêm yết bằng đồng USD lên tới mức cao kỷ lục 409 tỷ USD. Hệ lụy tất yếu khi USD tăng giá là các khoản nợ này ngày càng trở nên đắt đỏ.
Đồng thời, giá các loại hàng hóa như vàng và dầu – những mặt hàng có giá được tính toán bằng đồng USD và cũng là hàng hóa xuất khẩu chủ lực của nhiều nước đang phát triển – cũng đang chịu sức ép lớn từ xu hướng tăng giá của USD.
Tại thời điểm này, nhiều nhà đầu tư đã “nhanh chân” bán tháo tài sản liên quan đến các thị trường mới nổi. Theo số liệu từ Tổ chức tài chính quốc tế IIF, 11 tỷ USD đã bị rút khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu của các nước mới nổi.
Theo Janathan Lewis, CIO của Fiera Capital, đồng USD tăng giá giống như “một con sóng ngầm” khiến các thị trường rơi vào trạng thái bất ổn bởi diễn biến của đồng tiền này ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy vốn trên thị trường tài chính quốc tế.
NHTW Indonesia cho biết trong tuần trước đã liên tục can thiệp vào tỷ giá bằng cách bán ra USD và mua vào trái phiếu Chính phủ với hi vọng có thể kìm hãm đà giảm của đồng rupiah.
Nhìn vào các tín hiệu trên thị trường, các nhà giao dịch nhận định Trung Quốc cũng đã tung ra các biện pháp can thiệp, hạ nhẹ tỷ giá và sử dụng các ngân hàng quốc doanh để ngăn đồng nhân dân tệ giảm giá quá sâu.
Trong khi đó ngân hàng trung ương Mexico quyết định tăng lãi suất vào cuối tuần trước. Tương lai nền kinh tế Mexico đang trở nên u ám vì đồng peso giảm giá quá mạnh và “một đám mây đen” đang bao phủ triển vọng quan hệ thương mại giữa nước này với Mỹ trong khi Mỹ chính là đối tác thương mại lớn nhất của Mexico. Trong quá trình tranh cử, ông Donald Trump đã thề sẽ đàm phán lại hiệp định thương mại giữa Mexico và Canada.
Malaysia cũng hạn chế khối lượng giao dịch trên thị trường tương lai nhằm triệt tiêu hiện tượng đầu cơ đồng ringgit. Cuối tuần trước, ngân hàng trung ương nước này thông báo đã can thiệp vào thị trường để bảo vệ đồng ringgit sau khi đồng tiền này giảm giá hơn 4% so với USD.
Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng trước các con sóng lớn của thị trường, sức mạnh của các ngân hàng trung ương sẽ bị hạn chế.
“Khi dòng tiền đổ vào đồng USD, các ngân hàng trung ương có rất ít khả năng kháng cự. Trên thị trường, có đôi lúc đơn giản là bạn không thể ngáng đường của một chiếc xe tải hạng nặng đang tăng tốc”, Greg McKenna – chuyên gia đến từ AxiTrader nhận định.