Ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)

Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng Thị Yến Nhi - Bộ Tài chính, Phạm Xuân Hòa - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Trải qua nhiều giai đoạn, với những điều chỉnh, bổ sung cùng với những cải cách, nâng cao môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên nhiều phương diện, trong đó có yếu tố chính sách ưu đãi thuế, nhất là TNDN. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện hành cũng đã bộc lộ những hạn chế cần được nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với bối cảnh và điều kiện kinh tế trong giai đoạn mới.

Tổng quan về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Ưu đãi thuế được hiểu là việc áp dụng các chính sách thuế có “sự khác biệt” so với các quy định chung của pháp luật thuế nhằm tạo ra sự đối xử ưu đãi hơn cho một nhóm đối tượng người nộp thuế cụ thể.

Trong các loại ưu đãi thuế thì ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là loại hình phổ biến trên thế giới. Ưu đãi thuế TNDN có nhiều hình thức khác nhau và có thể phân loại dựa theo loại hình ưu đãi; theo các yếu tố đầu vào (dựa vào chi phí) và đầu ra (dựa vào lợi nhuận). Khi phân loại theo loại hình ưu đãi, các biện pháp ưu đãi thuế TNDN chủ yếu bao gồm: Ưu đãi về giảm thuế suất; Miễn, giảm thuế thu nhập có thời hạn; Giảm trừ thu nhập chịu thuế theo đầu tư hoặc giảm trừ nghĩa vụ thuế phải nộp theo đầu tư; Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế một tỷ lệ cao hơn số thực chi.

Lý luận và thực tiễn cho thấy, sử dụng chính sách ưu đãi thuế làm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước, góp phần thu hút thêm nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ bên ngoài. Qua đó, tạo thêm việc làm, thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo ra “hiệu ứng lan tỏa” khác cho nền kinh tế. Tuy nhiên, áp dụng chính sách này cũng gây ra những chi phí cho chính phủ như: làm giảm nguồn thu ngân sách, giảm số thu ngân sách từ xói mòn cơ sở thuế. Bên cạnh đó, việc áp dụng ưu đãi thuế có thể dẫn tới cạnh tranh thuế quốc tế tại các quốc gia.

Trong những năm gần đây, đã có nhiều sáng kiến thuế quốc tế được khởi xướng, trong đó đáng chú ý là Dự án Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) nhằm chống lại các hành vi trốn và tránh thuế của các công ty xuyên quốc gia. Triển khai các hành động của BEPS, nhóm các nước OECD đã đưa ra tuyên bố về Khung giải pháp Hai trụ cột và nhận được sự đồng thuận của các quốc gia, trong đó Trụ cột 2 đã đặt ra mức thuế TNDN tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia có mức doanh thu hợp nhất hàng năm từ 750 triệu Euro trở lên với kỳ vọng sẽ tạo ra một “sân chơi bình đẳng” cho tất cả các nước, giải quyết vấn đề thất thu thuế toàn cầu từ các hành vi chuyển lợi nhuận, đồng thời, gián tiếp hạn chế “cuộc đua xuống đáy” trong giảm thuế suất thuế TNDN của các quốc gia để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đối với Việt Nam, để ứng phó với việc các quốc gia trên thế giới thực thi Trụ cột 2, đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu để áp dụng từ 01/01/2024.

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra

Ưu đãi thuế là một trong những nội dung quan trọng trong chính sách thuế của Việt Nam kể từ khi thực hiện cải cách và mở cửa nền kinh tế đến nay. Các hình thức ưu đãi thuế ở Việt Nam khá đa dạng, bao gồm ưu đãi về thuế suất TNDN, ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế TNDN, về miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hay các hình thức ưu đãi qua áp dụng cơ chế khấu hao nhanh hay cơ chế trích lập Quỹ Khoa học và công nghệ tại DN...

Về thuế TNDN, trong hơn 25 năm qua, để thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh trong nước và tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài phù hợp điều kiện kinh tế của Việt Nam trong từng giai đoạn, chính sách thuế TNDN đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng áp dụng thống nhất, không có sự phân biệt giữa DN trong nước với DN có vốn đầu tư nước ngoài; giảm dần thuế suất thuế TNDN phổ thông từ 32% vào năm 1999 xuống các mức 28% từ năm 2004, mức 25% từ năm 2009, mức 22% từ năm 2014 và mức 20% từ năm 2016 (riêng DN có quy mô doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm áp dụng thuế suất 20% từ ngày 01/07/2013).

Theo Luật Thuế TNDN hiện hành, mức ưu đãi cao nhất có thể được áp dụng đối với dự án đầu tư của DN thuộc diện ưu đãi đầu tư là thuế suất 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo; các mức ưu đãi thấp hơn như: (i) Thuế suất 17% trong 10 năm, miễn thuế 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo; (ii) Thuế suất 10%, 15% trong suốt thời gian hoạt động; (iii) Miễn thuế tối đa 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong tối đa 09 năm nhưng không ưu đãi về thuế suất.

Ngoài ra, từ ngày 01/01/2021, theo quy định của Luật Đầu tư đã bổ sung mức ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư đặc biệt theo đó mức ưu đãi thuế cao nhất có thể áp dụng đối với dự án đầu tư là thuế suất ưu đãi 5% trong thời gian 37,5 năm nhưng không vượt quá thời hạn của dự án đầu tư, miễn thuế 06 năm và giảm 50% số thuế phải nộp 13 năm tiếp theo. So với nhiều quốc gia trên thế giới, mức độ ưu đãi trong hệ thống chính sách thuế của Việt Nam là tương đối hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao.

Cùng với các biện pháp kinh tế khác, việc áp dụng các chính sách ưu đãi thuế thời gian qua đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy DN mở rộng sản xuất. Việt Nam đã trở thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn đối với nguồn vốn FDI. Việc áp dụng ưu đãi thuế đã có nhiều tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam như: Thu hút thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bao gồm cơ cấu ngành, lĩnh vực, cơ cấu vùng miền; gia tăng xuất khẩu và thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu…

Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện các chính sách ưu đãi thuế ở Việt Nam thời gian qua cũng chỉ ra một số vấn đề cần phải sớm được nhận diện, nhất là khi xem xét một cách đầy đủ hiệu quả của các chính sách này trong mối tương quan với các chi phí gián tiếp và trực tiếp mà việc áp dụng ưu đãi gây ra. Những tồn tại, bất cập đó là:

Một là, tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn cần khuyến khích phát triển còn hạn chế. Qua rà soát cho thấy, các DN thường tập trung đầu tư tại những nơi có kết cấu hạ tầng thuận lợi như khu vực Đông Nam Bộ và một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng (trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng DN FDI lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 31,7% số lượng DN FDI). Trong khi đó, các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên là 2 khu vực có tỷ trọng DN thực hiện đầu tư thấp.

Hai là, lĩnh vực, địa bàn được hưởng ưu đãi thuế còn dàn trải, cùng với việc lồng ghép nhiều chính sách xã hội trong chính sách thuế đã làm giảm tính trung lập của thuế, làm tăng chi phí ngân sách của việc thực hiện chính sách ưu đãi thuế TNDN. Với tổng số nhóm lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN hiện nay là 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề; về địa bàn ưu đãi thuế hiện có 54/63 tỉnh, thành phố thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế, thêm vào đó là các khu kinh tế (KKT), khu công nghệ cao (KCNC) và các khu công nghiệp (KCN) (trừ KCN tại địa bàn thuận lợi).

Danh mục địa bàn ưu đãi thuế TNDN hiện hành đang áp dụng theo Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Đầu tư với tổng số hơn 440 huyện, thị xã và thành phố được xếp vào các địa bàn ưu đãi đầu tư trong tổng số khoảng 710 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh của cả nước. Qua rà soát cho thấy danh sách các địa bàn ưu đãi đầu tư qua nhiều lần sửa đổi (Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 trước đây) thì không giảm, thậm chí văn bản sau số lượng địa bàn được ưu đãi còn mở rộng hơn so với văn bản trước. Phạm vi được hưởng ưu đãi về thuế rộng dễ làm phát sinh các trường hợp lợi dụng để được hưởng ưu đãi (ví dụ, dưới hình thức giải thể công ty cũ, lập công ty mới, chuyển thu nhập từ dự án không hưởng ưu đãi sang dự án hưởng ưu đãi), làm xói mòn cơ sở thuế.

Ba là, chính sách ưu đãi thuế vẫn còn được lồng ghép trong các luật chuyên ngành. Trong quá trình xây dựng các luật chuyên ngành thời gian qua, tại một số văn bản luật vẫn tiếp tục có các quy định về chính sách ưu đãi thuế như: Luật Đầu tư, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật Hợp tác xã, Luật Dầu khí, Luật Khám bệnh, chữa bệnh... Việc quy định về chính sách thuế tại các văn bản luật chuyên ngành như nêu trên đã ảnh hưởng đến tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Định hướng hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Trên cơ sở các chủ trương, định hướng của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế, theo dõi xu hướng chung của quốc tế, để phát huy hơn nữa hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế, tránh tình trạng dàn trải gây xói mòn cơ sở thuế, đồng thời, thực hiện mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra thì cần phải rà soát, sắp xếp lại ưu đãi thuế cho phù hợp nhằm góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, mở rộng cơ sở thu, tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, lĩnh vực xã hội hóa, khoa học, môi trường, liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, DN quy mô nhỏ, đầu tư tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, trong bối cảnh Việt Nam đã thực hiện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu kể từ năm 2024 (theo Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu) việc rà soát chính sách ưu đãi thuế cũng đảm bảo không xáo trộn, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư nói chung. Việc duy trì hệ thống chính sách ưu đãi thuế như hiện hành là cần thiết song cũng cần áp dụng đồng thời với các biện pháp hỗ trợ ngoài thuế khác để hài hòa lợi ích giữa nhà nước Việt Nam và các DN chịu tác động bởi thuế tối thiểu toàn cầu.

Thực hiện Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 8/6/2024 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian tới. Các nội dung chủ yếu liên quan đến chính sách ưu đãi thuế được đề xuất tại dự thảo Luật như sau:

Thứ nhất, kế thừa các quy định về ngành nghề ưu đãi, mức ưu đãi tại Luật Thuế TNDN hiện hành và nghiên cứu, tiếp thu và thể hiện một số quy định về ưu đãi thuế TNDN tại các luật của Quốc hội đã ban hành gần đây (trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt tại Luật Đầu tư và nội dung tại một số luật chuyên ngành khác) để đảm bảo tính đồng bộ, đồng thời có rà soát, sắp xếp lại các lĩnh vực ưu đãi và địa bàn ưu đãi thuế nhằm góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, mở rộng cơ sở thu, tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao... Một số nội dung cụ thể như:

- Rà soát các ngành, nghề ưu đãi đối với: phát triển công nghệ sinh học, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, phát triển ngành nghề truyền thống, dự án sản xuất có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng, dự án đầu tư tại khu công nghiệp, dự án đầu tư tại khu công nghệ cao nhưng không phải là dự án trong lĩnh vực công nghệ cao; điều chỉnh mức ưu đãi đối với dự án đầu tư tại khu kinh tế nhưng không nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn để đảm bảo chính sách ưu đãi thuế có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.

- Bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đã được quy định cụ thể chính sách ưu đãi thuế TNDN (thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế) tại Luật Đầu tư năm 2020 để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bao gồm: Dự án thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đã được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020; Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo DN nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Bổ sung ngành nghề ưu đãi đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số để thúc đẩy phát triển lĩnh vực, bao gồm: sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm; sản xuất sản phẩm an toàn thông tin mạng và cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng; sản xuất sản phẩm công nghệ số. Đồng thời, quy định rõ dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong các ngành điện tử - tin học được hưởng ưu đãi thuế bao gồm cả thiết kế, sản xuất bán dẫn.

Thứ hai, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII), về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII) và về phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, thông qua các chính sách như:

- Bổ sung khoản thu nhập miễn thuế đối với: Thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; Thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ các-bon lần đầu sau khi phát hành, thu nhập từ tiền lãi, từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành và từ chuyển nhượng của các loại chứng chỉ giảm phát thải, không giới hạn chỉ là chứng chỉ CERs như luật hiện hành.

- Bổ sung các quy định: Áp dụng thuế suất 15% đối với DN có tổng doanh thu năm không quá 03 tỷ đồng và thuế suất 17% đối với DN có tổng doanh thu năm từ trên 03 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng; Miễn thuế 02 năm đối với DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh; Áp dụng phương pháp tính thuế đơn giản theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với DN có tổng doanh thu năm không quá 03 tỷ đồng trong trường hợp xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí với tỷ lệ bằng 0,75 tỷ lệ hiện đang áp dụng đối với hộ kinh doanh theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, nhằm tạo thuận lợi cho các DN có quy mô siêu nhỏ, khuyến khích cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.

Thứ ba, quy định nguyên tắc và điều kiện ưu đãi thuế TNDN, trong đó bổ sung quy định để xử lý mối tương quan giữa Luật Thuế TNDN với các luật chuyên ngành khác; sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp hay kinh doanh sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; nguyên tắc tính thời gian ưu đãi đối với DN công nghệ cao, DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, DN khoa học công nghệ, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như về thời điểm áp dụng thuế suất ưu đãi, thời điểm tính thời gian ưu đãi miễn, giảm thuế của các DN công nghệ cao, DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, DN khoa học và công nghệ và đối với dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nhằm đảm bảo bao quát các trường hợp phát sinh, phù hợp với Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học công nghẹ và pháp luật liên quan; về áp dụng ưu đãi đối với dự án đầu tư mở rộng; về chuyển lỗ; về mức lãi suất đối với số thuế của phần trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ của DN sử dụng không hết.

Thứ năm, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định việc miễn thuế đối với hoạt động của Quỹ hỗ trợ đầu tư cũng như TNDN nhận được từ khoản hỗ trợ của Quỹ để đảm bảo tính đồng bộ của chính sách và góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với các DN chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, tiếp tục duy trì tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Chính trị (2014), Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;
  2. Quốc hội (2008), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008;
  3. Quốc hội (2024), Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024;
  4. Quốc hội (2023), Nghị quyết số 107/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2024