Ưu đãi vốn để hiện đại hóa đội tàu cá khai thác xa bờ
Khai thác hải sản xa bờ là nghề mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho ngư dân các tỉnh ven biển còn gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Do vậy, trong những qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi về vốn, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp người dân tích cực bám biển, đánh bắt xa bờ.
Nhanh chóng vào cuộc
Thống kê cho thấy, khai thác hải sản xa bờ ở Việt Nam hiện nay ngoài tạo công ăn việc làm cho hơn 400.000 lao động trực tiếp trên biển và hàng triệu nhân khẩu ăn theo các dịch vụ đi kèm khác. Đặc biệt, khi những tranh chấp chủ quyền biển, đảo trong khu vực Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp thì việc tổ chức sản xuất khai thác thuỷ hải sản trên biển, hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chú trọng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/NĐ-CP ngày 07/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả mặt xã hội, quốc phòng. Theo đó, có chính sách tín dụng ưu đãi đối với ngư dân đóng tàu công suất lớn về thời hạn vay và lãi suất, hỗ trợ ngư dân nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu đánh bắt xa bờ, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí đào tạo hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.
Ngay khi Nghị định được ban hành, nhiều địa phương và ngân hàng đã nhanh chóng vào cuộc nhằm hỗ trợ người dân ra khơi, bám biển. Thống kê cho thấy, đến ngày 25/7/2015, đã có 27/28 tỉnh/thành phố phê duyệt danh sách người vay vốn với 867 khách hàng (chiếm 38% trên tổng số 2.284 tàu được phân bổ) được phê duyệt vay đóng mới, nâng cấp tại các địa phương. Trong đó, số khách hàng được các ngân hàng thương mại thẩm định, phê duyệt cho vay là 92 khách hàng (đạt 11% số khách hàng đã được phê duyệt vay vốn), riêng Ngân hàng BIDV cho vay 58 con tàu, chiếm 63% tổng số tàu cho vay của các ngân hàng thương mại.
Tại buổi sơ kết đợt thí điểm đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định số 67, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đến nay Tỉnh đã phê duyệt 17 hồ sơ vay vốn đóng tàu, gồm 6 tàu vỏ thép và 11 tàu khai thác vỏ gỗ. Các ngư dân đã ký kết 10 hợp đồng vay vốn và triển khai đóng mới 8 tàu với số tiền được giải ngân đạt 23,42 tỷ đồng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh Quảng Bình cũng đã tiếp nhận 51 hồ sơ đề nghị hỗ trợ về chính sách bảo hiểm khai thác hải sản xa bờ, trong đó có 13 hồ sơ đủ điều kiện được hỗ trợ với kinh phí trên 1,986 tỷ đồng... UBND tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu, 6 tháng cuối năm 2015, toàn tỉnh sẽ đóng mới 20 tàu khai thác hải sản.
Mới đây nhất, ngày 27/7/2015, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, BIDV tiếp tục tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ ngư dân tại tỉnh Bình Định vay vốn đóng tàu vỏ thép khai thác xa bờ. Đây là đợt ký kết hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới tàu vỏ thép của BIDV có quy mô lớn nhất trong cả nước từ trước đến nay.
Theo đó, Chi nhánh BIDV Phú Tài đã đồng thời ký kết 07 hợp đồng tín dụng để cho vay đóng mới tàu vỏ thép với tổng số tiền cho vay 107 tỷ đồng với các ngư dân tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát và Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Trước đó, các Chi nhánh BIDV trên địa bàn tỉnh Bình Định đã ký kết và cho vay với những ngư dân đầu tiên để đóng tàu vỏ thép. Hiện tại, con tàu đã được hạ thuỷ, đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến sẽ vươn khơi trong tháng 9/2015. Được biết, sau đợt ký kết này sẽ nâng tổng số khách hàng được vay vốn theo Nghị định 67 lên 11 chủ tàu, trong đó toàn bộ là do BIDV tài trợ vốn, chiếm khoảng 15% tổng số tàu đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Đặc biệt, trong quá trình hướng dẫn hoàn thiện thủ tục vay vốn, BIDV cũng đã cùng với bà con ngư dân đến các cơ sở đóng tàu để tìm hiểu về năng lực, uy tín của các cơ sở đóng tàu, đảm bảo hoàn thiện được các con tàu có chất lượng.
Ngay khi các tàu cá đi vào vận hành, BIDV hỗ trợ ngư dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm thông qua việc kết nối với các cơ sở thu mua, chế biến hải sản để đảm bảo đầu ra, tạo nguồn thu ổn định cho ngư dân. Đây cũng là chính sách hỗ trợ theo chuỗi giá trị khép kín của BIDV. Song song với việc ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ vay vốn đóng tàu, BIDV cũng xem xét cho vay vốn lưu động đối với khách hàng, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, theo đúng hướng dẫn của Nghị định 67 về các chính sách phát triển thủy sản.
Để chính sách đi vào cuộc sống
Có thể nói, khai thác hải sản xa bờ là nghề mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho ngư dân các tỉnh ven biển còn gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Vì vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn có chính sách khuyến khích và hỗ trợ vốn để người dân ra khơi bám biển. Tuy nhiên, để chủ trương, chính sách, đặc biệt là Nghị định 67/NĐ-CP nhanh chóng đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao, còn rất nhiều việc phải làm.
Mới đây, tại Diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp với chủ đề: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm hiện đại hóa đội tàu cá khai thác xa bờ khu vực miền Trung” được tổ chức tại TP. Nha Trang (Khánh Hoà) dưới sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Tổng cục Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hoà, TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã đề xuất nhiều giải pháp.
Theo đó, TS. Phan Huy Thông kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương cần nghiên cứu các ý kiến, kiến nghị của ngư dân trong việc thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, trình UBND Tỉnh bổ sung chính sách để ngư dân được vay vốn thực hiện việc hiện đại hóa đội tàu, tổ hợp tác tăng cường khối đoàn kết, hỗ trợ ngư dân đi biển. Hỗ trợ kinh phí xây dựng hầm bảo quản sản phẩm khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 20-30% hiện nay xuống theo tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Ngoài ra, theo TS. Phan Huy Thông, hệ thống khuyến nông các tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình khai thác thuỷ sản xa bờ hiệu quả. Lựa chọn thời điểm phù hợp tổ chức đoàn thăm quan giữa các tổ, đội, ngư dân chủ chốt để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm khai thác hải sản xa bờ. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần tổ chức liên kết sản xuất, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm sau khai thác. Ngân hàng tư vấn ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo chính sách nhằm cải hoán, hiện đại hoá tàu khai thác thuỷ sản xa bờ...
Bên cạnh đó, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại đặc biệt về nguồn vốn, mới đây, lãnh đạo Ngân hàng BIDV cũng có một số kiến nghị cụ thể: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh/thành phố chưa phê duyệt hoặc đã phê duyệt nhưng số tàu phê duyệt thấp hơn 20% số lượng tàu được phân bổ cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt danh sách người vay vốn để các chủ tàu/ngư dân sớm tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước; Bộ Tài chính cần nhanh chóng, khẩn trương có hướng dẫn riêng về việc hoàn thuế giá trị gia tăng của tàu đóng mới, nâng cấp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng có hướng dẫn về xác định giá trị tàu; phân bổ số lượng tàu phù hợp; nghiên cứu sử dụng máy mới - máy cũ đối với tàu nâng cấp; UBND tỉnh sớm công bố các mẫu thiết kế tàu vỏ gỗ, vật liệu mới…