Ưu tiên bố trí ngân sách để phòng chống thiên tai

Minh Anh

Tại Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách chi thường xuyên, dự phòng ngân sách trung ương phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách để thực hiện hoạt động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 30/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1651/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia. Chương trình hướng đến phát triển bền vững, xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, quốc gia chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai sau năm 2030 và chủ động phòng ngừa sau năm 2045.

Chương trình đề ra một số chỉ tiêu cụ thể gồm: Giảm tối thiểu 10% thiệt hại về người so với giai đoạn 2010-2020, trong đó tập trung giảm thiệt hại do lũ, lũ quét, sạt lở đất; thiệt hại về kinh tế thấp hơn giai đoạn 2010-2020 và không vượt quá 1,2% GDP bình quân hàng năm; Dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời, bảo đảm độ tin cậy, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực; 100% cơ quan, tổ chức và hộ gia đình vùng bị ảnh hưởng của thiên tai được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin về thiên tai. Năng lực của lực lượng tham mưu hỗ trợ chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được kiện toàn, phấn đấu 100% cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và một số bộ, ngành đáp ứng được yêu cầu tham mưu, hỗ trợ ra quyết định chỉ đạo phòng, chống thiên tai theo thời gian thực.

Bên cạnh đó, Chương trình còn đặt ra một số mục tiêu khác như: Nhận thức về rủi ro thiên tai và kỹ năng phòng, chống thiên tai của các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân, nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai được nâng cao; Các công trình cơ sở hạ tầng, nhà ở của người dân đủ khả năng chống chịu trước thiên tai theo mức thiết kế, từng bước nâng cấp đáp ứng yêu cầu về quản lý rủi ro thiên tai trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu. Tập trung khắc phục, xử lý 100% vị trí trọng điểm đê điều đặc biệt xung yếu; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp…

Để thực hiện các mục tiêu trên, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề ra gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách và năng lực quản lý điều hành trong phòng, chống thiên tai; Nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai; Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; Tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng; Nâng cao khả năng phục hồi và tái thiết sau thiên tai; Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.

Tại Quyết định số 1651/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từng vùng (Vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, Vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Vùng duyên hải miền Trung, Vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, Vùng đồng bằng sông Cửu Long, các đô thị lớn…) cùng các bộ, ban, ngành căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền và trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách chi thường xuyên, dự phòng ngân sách trung ương phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách để thực hiện hoạt động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách về bảo hiểm rủi ro thiên tai theo quy định của pháp luật; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan bố trí nguồn vốn cho các chương trình, dự án về phòng chống thiên tai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.