Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng, chống thiên tai
Ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược nêu rõ, Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, sử dụng hiệu quả quỹ phòng, chống thiên tai và huy động nguồn lực từ xã hội hóa cho hoạt động phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn...
Chiến lược đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi bão, lũ, giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011-2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011-2020, không vượt quá 1,2% GDP; Phấn đấu 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai...
Bên cạnh đó, năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích thiên tai ngang tầm với các quốc gia hàng đầu trong khu vực; Người dân được bảo đảm an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét; Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão được nâng cao…
Để thực hiện các mục tiêu Chiến lược đề ra, các giải pháp cần tập trung thực hiện gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng chống thiên tai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi; Nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; Xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội…
Về nguồn lực phòng chống thiên tai, Quyết định số 379/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, sử dụng hiệu quả quỹ phòng, chống thiên tai và huy động nguồn lực từ xã hội hóa cho hoạt động phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn.
Trong đó, tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; xử lý dứt điểm các trọng điểm đê điều xung yếu từ cấp III đến cấp đặc biệt; bảo đảm an toàn hồ đập; phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy hiểm; xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn, nhất là của cơ quan tham mưu cấp quốc gia, cấp tỉnh; triển khai các chương trình trọng điểm cấp nhà nước về phòng chống thiên tai.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền đảm bảo huy động kịp thời nguồn lực đáp ứng yêu cầu ứng phó khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai.
Tại Quyết định số 379/QĐ-TTg, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan và địa phương căn cứ chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các chương trình, đề án, dự án trọng điểm để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược. Trong đó, đối với Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ giao một số nhiệm vụ cụ thể gồm:
Một là, chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí ngân sách chi thường xuyên hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, phòng chống thiên tai và các quy định pháp luật khác có liên quan để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chiến lược.
Hai là, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho các chương trình, dự án về phòng chống thiên tai.
Ba là, kịp thời xử lý việc xuất cấp phương tiện, thiết bị dự trữ quốc gia phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.