Ưu tiên vị thế bán trong nhịp hồi phục
Bức tranh chung về thị trường không có nhiều sự thay đổi, vấn đề lúc này là xem bên nào có sự kiên nhẫn và quyết tâm lớn hơn. Bên Bán (Short) vẫn rất quyết liệt và tự tin tham gia trong trong thời điểm hiện tại, điều này khiến độ lệch liên tục duy trì ở mức rất cao. Với chiến lược đầu cơ trên chỉ số VN30F, vị thế Bán nên được ưu tiên trong những nhịp hồi phục xuất hiện.
Khối ngoại hạ nhiệt
Thông tin đáng chú ý với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong tuần này là đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thêm một bước tiến mới, nhưng các bên vẫn tỏ ra thận trọng về khả năng sớm đạt một thỏa thuận nhằm kết thúc chiến tranh thương mại. Cho đến lúc này, Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa ấn định thời điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trump - Tập để đưa ra quyết định cuối cùng.
Nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu bán ròng trên sàn và tiết chế đà mua ròng các ETFs. Khối ngoại có 3 phiên liên tiếp bán ròng trên sàn HOSE và cũng tiết chế hoạt động mua ròng các ETF nội và ngoại. Khối lượng bán ròng không lớn, nhưng cũng cho thấy sự thận trọng đã bắt đầu thể hiện trong tư duy của những nhà đầu tư nước ngoài.
Sự lo lắng vẫn còn đó
Phái sinh vẫn chiết khấu lớn trên nền thanh khoản thấp. Giá phái sinh và cơ sở vẫn tạo khoảng cách rất lớn, liên tục duy trì độ lệch 15 - 16 điểm kéo dài trong các phiên của tuần qua. Trạng thái lo lắng của nhà đầu tư vẫn còn hiện hữu khi nỗ lực hồi phục của chỉ số cơ sở rất yếu ớt với thanh khoản rất kém. Ðồng thời, độ lệch lớn cũng cho thấy bên đầu cơ giá xuống vẫn rất quyết tâm về xu hướng giảm tiếp diễn của chỉ số trong thời gian tới. Tất nhiên, quan điểm sẽ có lúc đúng, lúc sai nhưng nhìn cách mà bên Short (Bán) tham gia khi giá có nhịp hồi cũng cho thấy sự tự tin cao.
Sự cải thiện về mặt tâm lý của bên đi mua trong tuần qua là diễn biến đáng ghi nhận. Ðây cũng là điều dễ hiểu vì sau giai đoạn giảm mạnh mà giá chững lại thì chắc chắn sẽ có những dòng tiền manh nha quay trở lại thị trường.
Ðiểm yếu vào lúc này vẫn là lực cung quá lớn “treo lơ lửng trên đầu” trong những nhịp hồi của chỉ số và sự sụt giảm của cung sau những nhịp tích lũy là chưa nhiều. Nói cách khác, điểm stop-loss cho các nhà đầu tư vẫn đang cầm hàng chưa bị vi phạm và họ càng có lý do để tiếp tục nắm giữ.
Nếu bên cung vẫn tiếp tục neo cao như vậy thì những nhịp hồi phục sẽ đem đến sự nghi ngờ lớn, trạng thái tích cực chỉ trở lại khi đường cầu tạo ra điểm cắt lên với đường cung, nhưng lúc này điều đó tương đối khó xảy ra.
Ðà lan tỏa chưa tạo đáy đáng tin cậy, ít nhất mẫu hình 2 đáy tại vùng 10 - 15% là trạng thái khiến chúng ta yên tâm hơn về kịch bản tích cực. Nền giá hiện tại chiết khấu chưa đủ sâu và đáy hình thành khá lỏng lẻo, do đó, khó có thể nói thị trường đang dần khả quan trong giai đoạn này.
Ðà lan tỏa trung bình 10 phiên MA(10) vẫn đang trên đà hướng xuống, vì thế thái độ thận trọng trong giai đoạn này là cần thiết, vì rõ ràng dư địa giảm của mặt bằng giá trên toàn bộ thị trường là vẫn còn.
Dòng tiền vào trụ rất yếu
Sự lan tỏa của dòng tiền ở các cổ phiếu là tương đối rời rạc và cũng không có sự đồng thuận cần thiết giữa yếu tố giá và dòng tiền. Ðiển hình nhất là nhóm bất động sản có diễn biến giá tích cực nhất, nhưng lại không có dòng tiền, còn nhóm thực phẩm và đồ uống thì có dòng tiền, nhưng diễn biến giá rất kém. Trong khi đó, ngân hàng là nhóm kém nhất khi cả giá và dòng tiền đều tiêu cực.
Diễn biến của nhóm bất động sản (VIC, VHM, VRE) cần được chú ý đặc biệt. Dòng tiền không có nhưng giá vẫn neo cao là biểu hiện cho sự “đuối sức” của một xu hướng và cũng tiềm ẩn nguy hiểm cao. VCB cũng là một cổ phiếu có diễn biến tương đồng. Còn nhóm thực phẩm đồ uống (VNM, MSN) có lợi thế là thu hút được dòng tiền tham gia và nhóm này sẽ có triển vọng sáng sủa nhất để trở thành ngành dẫn dắt. Nếu nhóm được kỳ vọng nhất không khả quan thì nguy cơ có thêm những nhịp điều chỉnh là rất cao.
Canh bán trong những nhịp hồi phục
Các chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong pha giảm, đó là thực tế không thể phủ nhận. Thị trường gần như “thờ ơ” với những thông tin tích cực bên ngoài, cũng như trạng thái tích cực của các chỉ số thị trường quốc tế. Ðây là diễn biến mà chúng ta cũng không bất ngờ vì TTCK Việt Nam đang rơi vào giai đoạn khác.
Thị trường đang tỏ ra yếu ớt trước sự thận trọng của dòng tiền lớn và khối ngoại cũng đang “rục rịch” quay lại trở bán ròng trong các phiên gần đây. Với bối cảnh hiện tại, chúng tôi cho rằng, chiến lược tham gia Short trong những nhịp hồi của chỉ số sẽ là chiến lược hợp lý hơn, nếu độ lệch của phái sinh và cơ sở thu hẹp lại còn 10 - 11 điểm thì cơ hội Short sẽ rõ ràng hơn. Vùng kháng cự quan trọng cho các nhịp hồi nếu xảy ra trên chỉ số phái sinh là 895 - 900, 910 - 920 điểm.
Ðối với chiến lược Long (Bán), khi chiết khấu thấp hơn so với vùng giá hiện tại (vùng 860 - 870 điểm), đó sẽ là kịch bản được ưu tiên hơn. Còn ở thời điểm hiện tại, chúng tôi cho rằng, hoạt động tham gia Long sẽ khá vất vả bởi các vùng kháng cự bên trên dày đặc.