Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022
Sáng ngày 23/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp cho ý kiến về việc bổ sung một số dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; thông qua Nghị quyết giải thích Khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Sau khi nghe các cơ quan của Chính phủ trình bày tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ ban hành Nghị quyết bổ sung đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; đồng thời, đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ thêm đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Theo Tờ trình, đây là 2 dự án luật Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2022 trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (dự kiến tổ chức vào tháng 5/2022), thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (dự kiến tổ chức vào tháng 10/2022).
Tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, có 4 chính sách được đề xuất sửa đổi, bao gồm: Hoàn thiện quy định quản lý tài nguyên tần số vô tuyến điện về cơ chế cấp phép, hạn mức tần số… theo hướng đảm bảo khai thác hiệu quả và tạo sự cạnh tranh lành mạnh; Làm rõ các khoản thu mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; Cải cách hành chính trong công tác đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; Nâng cao trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình quản lý, khai thác, sử dụng, đảm bảo tính an toàn, không can nhiễu và chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).
Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chính phủ đề xuất 15 nhóm chính sách lớn nhằm sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Tuy nhiên, qua thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội thấy rằng 8/15 nhóm chính sách cần được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thêm nhằm bảo đảm chất lượng dự án Luật trình Quốc hội cũng như tính khả thi của Luật sau khi được Quốc hội thông qua.
Đó là các nội dung liên quan đến bổ sung quy định chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề và thời hạn của giấy phép hành nghề; vấn đề thi đánh giá năng lực hành nghề; đổi mới quy định về phân tuyến, phân cấp hệ thống khám, chữa bệnh; về an ninh bệnh viện và an toàn cho người hành nghề; giá dịch vụ khám, chữa bệnh; chính sách liên doanh, liên kết thành lập cơ sở khám, chữa bệnh và cung cấp dịch vụ y tế giữa các cơ sở y tế của nhà nước với cơ sở y tế tư nhân...
Theo Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội cho rằng, hồ sơ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) còn nhiều vấn đề cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời đánh giá tổng thể về công tác phòng chống dịch COVID-19 để kiến nghị bổ sung quy định, nhằm đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh và huy động mọi nguồn lực cho công tác khám chữa bệnh khi có dịch bệnh lớn xảy ra.
Cũng trong phiên họp sáng ngày 23/11, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo thẩm tra nội dung của dự thảo Nghị quyết, 100% ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết giải thích Khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2022 và được áp dụng cùng với Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.