“Vai trò chính sách tài khóa là rất quan trọng, mục tiêu tăng trưởng 2024 là trong tầm tay”
Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên cao cấp trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright - Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, nếu giữ được hướng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ ở trạng thái hỗ trợ tăng trưởng thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm nay là rất lớn.
Phóng viên: Thưa ông, quý I/2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã tăng lên 5,7% so với mức 3,4% cùng kỳ năm ngoái. Ông có nhận định gì về con số này?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Đầu tiên, tôi cho rằng, động lực quan trọng nhất giúp nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khả quan trong quý I/2024 là sự phục hồi của xuất khẩu. Từ cuối năm trước, các đơn hàng xuất khẩu đã quay trở lại. Kim ngạch xuất khẩu quý I tăng tới 17% so với cùng kỳ.
Động lực thứ hai đến từ tăng tốc giải ngân đầu tư công. Tác động từ giải ngân đầu tư công luôn có độ trễ tới tăng trưởng kinh tế. Việc thực hiện đẩy mạnh giải ngân đầu tư công từ 6 tháng cuối năm 2023 đang có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế trong đầu năm nay.
6 tháng đầu năm 2023 chỉ giải ngân được hơn 213 nghìn tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch vốn. 6 tháng cuối năm và cộng thêm tháng 13, mức giải ngân lên tới 450 nghìn tỷ đồng, đạt được 82,5% kế hoạch (và 93% kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao). Hiện hai yếu tố trên có đóng góp quan trọng, giải thích cho việc tăng trưởng kinh tế quý I/2024 đạt mức 5,7%.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của chính sách tài khóa của Việt Nam đối với tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Trước tiên, chúng ta phải xem xét bối cảnh hiện nay. Theo tôi, có 3 thách thức cơ bản đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.
Thứ nhất, đó là sức mua của người dân hiện chưa được cải thiện nhiều nên tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ hiện chỉ quanh 8% so với cùng kỳ và đó là còn chưa loại bỏ trượt giá.
Thứ hai là niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh doanh vẫn còn rất yếu, nhiều doanh nghiệp không đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, và hệ quả sức cầu tín dụng thấp hiện nay.
Thứ ba là thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, với đòn bẩy vay nợ cao trong gian qua buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tái cơ cấu.
Trong bối cảnh đó, vai trò chính sách tài khóa là rất quan trọng, thể hiện ở một số điểm:
Thứ nhất, việc miễn giảm thuế để vừa thúc đẩy cho tiêu dùng, vừa giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp rất quan trọng. Chính sách có tác động tích cực nhất hiện nay đó là giảm thuế suất giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2024. Nếu cân đối được ngân sách, Bộ Tài chính có thể tiếp tục đề xuất lên Quốc hội để kéo dài việc hỗ trợ giảm thuế suất GTGT cho cả 6 tháng cuối năm 2024.
Thứ hai, mặc dù tác động của việc giải ngân đầu tư công tăng tốc cuối năm 2023 tác động tích cực cho tăng trưởng kinh tế đầu năm nay, nhưng tín hiệu giải ngân đầu tư công trong quý I/2024 chưa khả quan. Đó là tình trạng những tháng đầu năm giải ngân đầu tư công luôn chậm chạp trong triển khai dự án đầu tư, để đến cuối năm phải tìm mọi cách tăng tốc để bù đắp cho sự chậm trễ này. Trong quý I năm nay, ước tính mới có 90 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân, chỉ đạt 13,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, mặc dù có cải thiện so với cùng kỳ năm trước.
Tôi cho rằng, cần có những chỉ đạo quyết liệt ở trên xuống, tạo áp lực cho các cấp thực thi để thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Trong năm nay, tâm lý đầu tư kinh doanh vẫn chưa lạc quan, đầu tư của khu vực tư nhân trong nước chỉ tăng 4,6% trong 3 tháng đầu năm theo giá danh nghĩa, nếu trừ đi mức trượt giá 3,8% thì đầu tư khu vực tư nhân chỉ tăng 0,8%. Theo đó, đầu tư công cần được thúc đẩy để tạo động lực kinh tế trong năm nay.
Thứ ba, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đứng trước áp lực gánh nặng thanh toán nghĩa vụ trả gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp. Giá trị trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 1-3 năm qua đến kỳ đáo hạn trong năm nay là lớn. Vì là chứng khoán trên thị trường vốn, Nhà nước không thể dùng nguồn lực nhà nước để giải cứu trái phiếu đến hạn. Vấn đề này phải dùng các giải pháp dựa vào thị trường, bản thân các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải thực hiện tái cơ cấu, bán tài sản, dự án, tìm kiếm cơ hội nguồn lực tài chính để thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi trái phiếu.
Phóng viên: Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2024. Và ba động lực tăng trưởng được Chính phủ xác định trong năm 2024 là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Ông đánh giá thế nào về thực trạng các động lực tăng trưởng cũng như khả năng cán đích mục tiêu tăng trưởng của chúng ta?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Dựa trên kết quả tăng trưởng quý I/2024, tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong 2024 là trong tầm tay nếu giữ được hướng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ ở trạng thái hỗ trợ tăng trưởng như hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý đến những rủi ro với ba động lực tăng trưởng là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư.
Thứ nhất, với xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quý đầu năm đạt 17%, con số tăng trưởng sẽ giảm đi trong những tháng tới. Xuất khẩu khó duy trì được tăng trưởng hai con số trong năm nay khi đà tăng trưởng của các đối tác kinh tế chính sẽ có suy giảm dưới tác động của lãi suất cao trên toàn cầu. Tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa 7-8% sẽ là mức hỗ trợ được cho mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%. Trong xuất khẩu dịch vụ, du lịch quốc tế đang phục hồi mạnh và khả năng rất cao là sẽ quay lại và thậm chí còn vượt mức tiền đại dịch COVID-19 năm 2019.
Thứ hai, hiện nay tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa dịch vụ 8% như đề cập là một mức tăng trưởng thấp. Sự cải thiện xuất khẩu và sản xuất công nghiệp chế biến – chế tạo sẽ giúp thúc đẩy việc làm và thu nhập của lao động. Dự kiến, tăng trưởng tiêu dùng dân cư sẽ được cải thiện trong những tháng tới. Để hỗ trợ thúc đẩy tiêu dùng, trong khả năng cân đối được ngân sách thì chúng ta nên tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế xuất thuế GTGT.
Thứ ba, về đầu tư, hiện nay có điểm sáng đó là vốn FDI thực hiện đang tăng trưởng rất tích cực (tăng 8,9% theo giá danh nghĩa trong quý I).
Đối với đầu tư tư nhân trong nước, khó khăn lớn nhất là tâm lý bi quan, đến từ những bất trắc tình hình bất ổn kinh tế toàn cầu và ở trong nước là cảm nhận rủi ro pháp lý. Đầu tư tư nhân vì vậy khó có tốc tăng trưởng cao.
Đầu tư công vẫn là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng từ phía đầu tư. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư công năm nay theo kế hoạch là thấp hơn năm ngoái về giá trị tuyệt đối. Yếu tố thúc đẩy đầu tư FDI và đầu tư tư nhân trong nước quan trọng nhất là ở khâu thực thi chính sách, khắc phục tâm lý sở rủi ro, sợ trách nhiệm trong cấp phép và giải quyết thủ tục đầu tư.
Phóng viên: Ông có bình luận gì về chính sách tiền tệ và đầu tư công trong duy trì phục hồi tăng trưởng trong 2024, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Về mặt chính sách vĩ mô, cần nhìn nhận chính sách tiền tệ hiện ở trạng thái hỗ trợ tăng trưởng nhưng không thể nới lỏng thêm.
Gần đây, việc nới lỏng chính sách tiền tệ để tạo thanh khoản dồi dào, duy trì lãi suất tiền gửi, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp đã tạo áp lực lớn về tỷ giá. Thách thức hiện nay là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chưa sớm giảm lãi suất điều hành, và theo đó nhiều Ngân hàng Trung ương tại châu Á cũng khó giảm được lãi suất.
Trong bối cảnh chính sách tiền tệ đã hết dư địa, gánh nặng hỗ trợ tăng trưởng sẽ đặt lên chính sách tài khóa với hai hướng ưu tiên: tiếp tục miễn giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp từ phía thu và đẩy mạnh đầu tư công ở phía chi ngân sách.
Phóng viên: Ông có đánh giá gì về việc thời gian qua Bộ Tài chính thực hiện nhiều biện pháp cải cách thể chế với thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trong đó có nỗ lực nâng hạng thị trường…?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi đã trở thành kỳ vọng lớn của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Những tín hiệu gần đây cho thấy câu chuyện này chỉ là thời gian. FTSE sẽ là tổ chức đầu tiên nâng hạng cho thị trường, sau đó là MSCI.
Các vướng mắc còn lại trong tiến trình nâng hạng tạo áp lực với cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thực tế, đã có những chuyển biến tích cực, nỗ lực gỡ bảo các rào cản cho tiến trình nâng hạng thị trường của cơ quan quản lý.
Nếu nhìn vào các thị trường cận biên khác trong vòng 10 năm trở lại đây được nâng hạng thì tác động với thị trường chứng khoán là trong trung và dài hạn chứ không phải trong ngắn hạn, mặc dù các nhà đầu tư (thường là trong nước) kỳ vọng sẽ có sự bứt phá giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Cần một thời gian đáng kể sau quyết định nâng hạng để có được dòng vốn đầu tư nước ngoài từ các nhà đầu tư tổ chức như bảo hiểm, quỹ hưu trí.
Điều quan trọng, chúng ta phải có nhiều nỗ lực quản lý vĩ mô và cải cách thể chế trùng khớp thời điểm khi thị trường chứng khoán đón nhận tin được nâng hạng. Kinh tế vĩ mô được giữ ổn định với các cân đối nằm trong mục tiêu kiểm soát là nền tảng để tạo được sự lạc quan cho nhà đầu tư.
Về cải cách thể chế đối với thị trường chứng khoán, ba hướng ưu tiên chính sách là tiếp tục minh bạch hóa thị trường, chống thao túng giá chứng khoán, và quan trọng nhất là bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông chia sẻ!