Vai trò của chính sách thuế với phát triển chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu Việt Nam
Chính sách thuế có vai trò ngày càng quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, làm gia tăng giá trị và hiệu quả của chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu. Thời gian qua, chính sách thuế phát triển chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu đã được quan tâm và tích cực triển khai. Bài viết này phân tích thực trạng và làm rõ hạn chế trong chính sách thuế phát triển chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam, từ đó, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách thuế phát triển chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2030.
Chính sách thuế phát triển chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam
Những thành tựu
- Về thuế giá trị gia tăng: Thực hiện chỉ đạo của Nhà nước trong việc khuyến khích sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam các chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện nay đều đang được hỗ trợ tối ưu. Cụ thể: (1) Đối với gạo tiêu thụ trong nước: Tại khoản 1 Điều 5, khoản 2 Điều 8 Luật Thuế GTGT hợp nhất số 01/VBHN-VPQH ngày 28/4/2016 và hướng dẫn tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT quy định gạo không chịu thuế thu nhập giá trị gia tăng tại khâu trực tiếp bán ra trong chuỗi cung ứng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đây được đánh giá là phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Điều này được lý giải như sau: Hầu hết nông dân không thực hiện hạch toán kế toán, lưu giữ sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ khi mua hàng hóa, dịch vụ; không thể áp dụng kê khai, khấu trừ và tính nộp thuế GTGT đối với sản xuất gạo. Tại khâu kinh doanh thương mại, doanh nghiệp (DN) không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT khi bán cho DN, hợp tác xã (HTX). Chính sách này đã góp phần hỗ trợ DN không phải ứng vốn để trả thuế GTGT khi mua gạo, không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT khi bán cho DN, HTX (giảm thủ tục hành chính, chi phí trong kê khai, nộp thuế GTGT), hạ giá thành gạo tại các khâu thương mại trung gian, qua đó tạo thuận lợi cho DN. (2) Đối với gạo xuất khẩu: Theo khoản 1 Điều 8 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12, gạo xuất khẩu (XK) được áp dụng thuế suất đã góp phần khuyến khích hoạt động XK gạo, tạo thuận lợi cho DN cạnh tranh trên thị trường quốc tế và góp phần đẩy mạnh việc tiêu thụ lúa gạo cho nông dân.
- Về thuế thu nhập DN: Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Luật Thuế TNDN đã thực hiện đúng lộ trình mà Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 đặt ra: từng bước giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông từ 25% giảm xuống 22% (từ ngày 01/01/2014), giảm xuống 20% (từ ngày 01/01/2016).
- Về thuế xuất nhập khẩu: Theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2006, được sửa đổi, bổ sung bởi: Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016, thuế xuất khẩu đối với gạo hiện nay là 0% (Mã hàng và biểu thuế gạo xuất khẩu thuộc chương 10 - Ngũ cốc, nhóm 1006).
- Về thuế sử dụng đất nông nghiệp: Để khuyến khích hoạt động đầu tư sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy liên kết tiêu thụ nông sản, Quốc hội đã thông qua hàng loạt Nghị quyết, Nghị định nhằm miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp như đất phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm.
Một số hạn chế và nguyên nhân
Những kết quả đạt được đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách thuế hiện hành liên quan đến sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất và xuất khẩu gạo nói riêng cũng như phát triển chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể:
Thứ nhất, mức thuế GTGT đối với sản phẩm gạo chưa hợp lý. Tại thị trường trong nước, gạo tiêu thụ nội địa hiện phải chịu thuế GTGT là 5%, việc áp dụng thuế suất thuế GTGT này đối với DN, trong khi tư thương bán buôn nộp mức thuế khoán 1% trên doanh thu, và họ thường kê khai mức doanh thu của họ rất thấp, dẫn đến DN bất lợi trong cạnh tranh tiêu thụ gạo nội địa và tạo rào cản trong việc liên kết giữa DN và nông dân trong chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu, không tạo động lực thúc đẩy phát triển mô hình “cánh đồng lớn”, có thể dẫn đến triệt tiêu liên kết chuỗi. Nguyên nhân của thực trạng trên là do quy định của chính sách thuế định hướng thúc đẩy các DN phát triển nguồn cung cấp gạo tốt, ổn định như các tổng công ty trở thành đơn vị đầu mối trong khâu thương mại cung cấp gạo cho các DN, HTX bán lẻ không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT và do những đơn vị bán lẻ này có mức nộp thế GTGT như hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, các DN bán gạo trực tiếp đến người tiêu dùng không được hưởng lợi từ quy định này mà phải kê khai nộp thuế GTGT với mức thuế suất là 5%. Điều này dường như đi ngược lại với nhu cầu giảm thiểu các đầu mối trung gian trong hệ thống phân phối hàng hóa nói chung và trong chuỗi cung ứng gạo nói riêng.
Thứ hai, các chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng chưa thực sự thu hút được sự quan tâm và hứng khởi đầu tư của DN tham gia chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu. Ví dụ: chưa có quy định ưu đãi thuế với DN mới thành lập tham gia chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu. Trong cơ chế thị trường, thương hiệu của các sản phẩm, các DN là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả hoạt động mô hình kinh doanh của các DN. Khi cơ sở sản xuất còn hoạt động theo mô hình nhỏ dưới hình thức hộ gia đình thì sẽ ảnh hướng đến chiến lược, hiệu quả hoạt động của từng cơ sở sản xuất. Do đó, rất cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông nghiệp nói chung, các cơ sở sản xuất tham gia chuỗi cung ứng gạo nói riêng phát triển và hoạt động theo hình thức thành lập DN.
Giải pháp hoàn thiện chính sách thuế phát triển chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam
Bài báo này đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách thuế phát triển chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2030 như sau:
Thứ nhất, cần soát xét, thu gọn các thủ tục hành chính để khẩn trương thực hiện việc hoàn thuế GTGT cho người dân, DN theo quy định pháp luật; không để chậm trễ, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của DN; xử lý nghiêm, kịp thời hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, tiêu cực. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc xây dựng dữ liệu về DN, từ đó phân tích, sàng lọc và chủ động xử lý những doanh nghiệp có rủi ro trước; thực hiện hoàn thuế ngay cho những DN có rủi ro thấp, giảm số lượng DN phải kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Cần đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế của DN đúng thời hạn quy định, đúng đối tượng và trường hợp được hoàn thuế theo quy định của pháp luật thuế và pháp luật quản lý thuế. Đồng thời, kiên quyết không hoàn thuế đối với hồ sơ không đủ điều kiện, hồ sơ có dấu hiệu gian lận cần chuyển cho cơ quan công an phối hợp xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Cuối cùng, cần nâng cao năng lực công chức ngành Thuế, cơ quan thuế, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật thuế cho DN, từ đó giúp DN chủ động, tự giác thực hiện các quy định về tài chính, thuế, đặc biệt là trong hoàn thuế GTGT.
Thứ hai, hoàn thiện cơ sở pháp lý và đưa vào áp dụng phổ biến trên thực tế về việc người bán hàng phải xuất hoá đơn cho khách hàng theo từng giao dịch. Cụ thể: Sớm triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền áp dụng cho các cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực bán lẻ đến người tiêu dùng. Đây là hình thức hoá đơn điện tử thuận tiện trong việc sử dụng đem lại lợi ích cho cả người bán hàng và người mua hàng. Đồng thời, cần quyết liệt trong việc phối hợp với các cơ quan ban ngành, địa phương, rà soát, xử lý vi phạm đối với cơ sở kinh doanh không xuất hoá đơn kịp thời cho người mua hàng khi cung cấp hàng hoá, dịch vụ để thúc đẩy các DN, hộ kinh doanh bán hàng phải xuất hoá đơn theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông nghiệp nói chung, các cơ sở sản xuất tham gia chuỗi cung ứng gạo nói riêng phát triển và hoạt động theo hình thức thành lập các DN.
Thứ tư, Việt Nam tham gia FTA thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường cho DN của các nước thành viên. Do đó, Việt Nam cần tận dụng hiệu quả hơn các lợi thế về thuế do các FTA mang lại. Tích cực đàm phán nhằm giảm tối đa, mục tiêu hướng đến là giảm về mức 0% thuế nhập khẩu gạo tại các quốc gia đối tác đối với gạo Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này thiết nghĩ cần tâp trung vào các giải pháp sau:
- Đối với các các cơ quan Nhà nước:
Tăng cường thông tin về cam kết, cũng như cách thức tận dụng cơ hội do các FTA mang lại. Qua đó, giúp các DN có căn cứ để chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, từ đó nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm gạo.
Xây dựng và triển khai chiến lược, quy hoạch cụ thể đối với quỹ đất nông nghiệp, dành một diện tích cần thiết để phát triển lúa gạo chất lượng cao, có chính sách hợp lý để chuyển đổi, cải tạo giống nhằm đạt được sản lượng cao và chất lượng tốt.
Xây dựng các tiêu chuẩn về kỹ thuật đối với gạo xuất khẩu, thường xuyên hướng dẫn và kiểm tra sự liên kết giữa nhà sản xuất và nhà xuất khẩu trong chuỗi cung ứng gạo XK.
Trên thực tế, vẫn còn khá nhiều DN chưa hiểu rõ, hiểu kỹ và có sự chuẩn bị đầy đủ nhằm tuân thủ đúng và tận dụng được những ưu đãi từ các FTA mang lại. Vì vậy, các cơ quan Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo nhằm thay đổi tập quán sản xuất, bảo quản, lưu thông gạo… như: kỹ thuật sản xuất nông sản sạch, an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ…
- Đối với các DN sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo:
DN cần có diện tích canh tác đảm bảo đúng giống, chất lượng. Việc triển khai vùng trồng, giống, đánh giá đồng ruộng, xác nhận giống, thu hoạch, kiểm tra chất lượng... phải đảm bảo đúng theo quy định để có được xác nhận về giống lúa sản xuất. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp ổn định nguồn hàng, đầu tư sản xuất bài bản, quy mô lớn, áp dụng công nghệ, giảm chi phí vận chuyển, ứng dụng công nghệ trong bảo quản nông sản, thay đổi nhãn mác để hấp dẫn và phù hợp với thị hiếu của khách hàng hơn.
DN cần chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ để chế biến các sản phẩm sau gạo. Qua đó, sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm XK, cạnh tranh được với các nước khác khi tham gia các FTA thế hệ mới.
Thứ năm, Việt Nam cần chủ động nghiên cứu, có giải pháp ứng phó kịp thời với những tình huống phát sinh khi triển khai thực hiện quy định về thuế tối thiểu toàn cầu. Cụ thể:
- Chủ động triển khai công tác quản lý thu nộp thuế bổ sung khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu như: cách thức kê khai, nơi nộp thuế, chế tài trong trường hợp các DN không thực hiện… để bảo đảm rõ ràng trong thực tế.
- Khẩn trương nghiên cứu sửa Luật Thuế TNDN một cách đồng bộ để bảo đảm hiệu lực pháp lý của các sắc thuế.
- Đối với quyền lợi của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, cần ban hành những chính sách hỗ trợ đầu tư mới, thay thế và bù đắp cho các ưu đãi thuế sẽ không còn tác dụng khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu để các nhà đầu tư có thể yên tâm về môi trường đầu tư tại Việt Nam, tránh để nhà đầu tư nước ngoài rút ra đột ngột làm ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng và hoạt động bình thường của DN khác tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- Chính phủ (2010), Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 04/06/2010 về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
- Chính phủ (2010), Nghị định số 109/2010/NÐ-CP ngày 04/11/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo;
- Chính phủ (2012), Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 5/11/2012 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa tại các vùng trồng lúa trên cả nước;
- Bộ Tài chính (2012), Thông tư số 205/2012/TT-BTC ngày 23/11/2012 hướng dẫn thực hiện Nghị định 42/2012/NĐ-CP ngày 5/11/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa tại các vùng trồng lúa trên cả nước;
- Bộ Tài chính (2017), Công văn số 13091/BTC-TCT ngày 29/9/2017 về việc chính sách thuế GTGT đối với gạo.