Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi):
Vai trò của Kiểm toán nhà nước với việc bảo đảm tính minh bạch quản trị quốc gia
(Tài chính) Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã quy định về địa vị pháp lý, tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Tổng KTNN tại Điều 118 và một số điều liên quan (Điều 70, Điều 74, Điều 77, Điều 80, Điều 84). Với vị thế là cơ quan do Quốc hội (QH) thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN đóng vai trò quan trọng bảo đảm tính minh bạch trong quản trị quốc gia, góp phần bảo đảm tính dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.
Vai trò quan trọng của KTNN trong quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) được thể hiện như sau:
Thứ nhất, để QH quyết định dự toán NSNN, quyết định dự án, công trình quan trọng quốc gia, KTNN thực hiện kiểm toán dự toán NSNN và dự án, công trình quan trọng quốc gia để đưa ra ý kiến giúp QH quyết định phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, bảo đảm tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Kiểm toán dự toán, dự án chính là hình thức kiểm toán trước (tiền kiểm) của KTNN, bảo đảm các nguồn lực được động viên và phân bổ vào những mục tiêu mà quốc gia theo đuổi cũng như tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của các khoản chi NSNN; tránh được những sai sót và gian lận ngay từ khi lập và phân bổ dự toán, dự án.
Thứ hai, KTNN thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN các cấp, các tổ chức, đơn vị có liên quan và cung cấp kết quả kiểm toán giúp QH, HĐND xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN. Đây là hình thức kiểm toán sau (hậu kiểm) của KTNN không chỉ là việc kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn của báo cáo quyết toán NSNN; tính tuân thủ pháp luật trong quản lý, điều hành NSNN mà còn xem xét, đánh giá các khía cạnh về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và sử dụng NSNN.
Thứ ba, với việc công khai kết quả kiểm toán, KTNN cung cấp cho công chúng những thông tin quan trọng, giúp người dân biết rõ tình hình thu chi, quản lý, sử dụng NSNN, tài sản và công quỹ quốc gia, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà nước.
Thứ tư, thông qua kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị với QH, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các luật và cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, tài chính cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước trong từng thời kỳ.
Thứ năm, qua kết quả kiểm toán, KTNN cung cấp cho các cơ quan quản lý các thông tin về những yếu kém, bất cập trong quản lý NSNN; những tổ chức, đơn vị vi phạm chính sách, chế độ quản lý NSNN để các cơ quan quản lý đề ra các biện pháp quản lý thích hợp nhằm quản lý NSNN tốt hơn. Đối với những khoản trốn lậu thuế, các khoản chi sai chế độ mà KTNN đã phát hiện, các cơ quan quản lý có biện pháp thu hồi cho NSNN, duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý NSNN.
Để phát huy các vai trò trên đây của KTNN, xin góp ý vào dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) như sau:
Về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN (Điều 22), dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) có một điều riêng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong lĩnh vực NSNN. Đối chiếu với quy định tại Điều 15 của Luật KTNN (Luật KTNN ban hành sau Luật NSNN) có một số vấn đề chưa phù hợp với quy định về KTNN. Cụ thể là quy định nhiệm vụ “báo cáo kết quả kiểm toán” tại khoản 1, Điều 22: Thực hiện kiểm toán NSNN và báo cáo kết quả kiểm toán với QH, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan khác có liên quan theo quy định của pháp luật. Quy định này chưa phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 118 Hiến pháp năm 2013: Tổng KTNN chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước QH; trong thời gian QH không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước UBTVQH; đồng thời, cũng chưa phù hợp quy định về nhiệm vụ của KTNN tại khoản 8, Điều 15 Luật KTNN: Báo cáo kết quả kiểm toán năm và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán với QH, UBTVQH; gửi báo cáo kiểm toán cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Chủ tịch Nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cung cấp kết quả kiểm toán cho Bộ Tài chính, HĐND nơi kiểm toán và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Luật quy định chưa đầy đủ nhiệm vụ của KTNN liên quan đến lĩnh vực NSNN. Cụ thể là thiếu nhiệm vụ trình ý kiến của KTNN để QH xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách Trung ương, quyết định dự án, công trình quan trọng quốc gia đã được quy định tại khoản 4, Điều 15 Luật KTNN. Dự án Luật không quy định các nhiệm vụ khác của KTNN liên quan đến lĩnh vực NSNN như: tham gia các hoạt động giám sát, xây dựng luật khi có yêu cầu của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ được quy định tại các khoản 6, 7 Điều 15 Luật KTNN. Ngoài việc kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN các cấp; KTNN còn kiểm tra, xác nhận báo cáo tài chính và kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ, tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của việc sử dụng NSNN của các tổ chức, cơ quan, đơn vị có sử dụng NSNN. Nội dung này cũng chưa được đề cập trong dự thảo Luật.
Về kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (Điều 69, dự thảo Luật), nếu quy định như trong dự thảo Luật thì phạm vi kiểm toán (khoản 1 và khoản 2, Điều 69) mới chỉ giới hạn là các cấp ngân sách, chưa chỉ rõ các đơn vị sử dụng NSNN. Việc kiểm toán các tổ chức, đơn vị sử dụng NSNN có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quản lý NSNN. Điều này đã được quy định rõ tại Điều 5 (đối tượng kiểm toán của KTNN) và Điều 63 (các đơn vị được kiểm toán) của Luật KTNN.
Quy định việc kiểm toán sau khi quyết toán đã phê chuẩn là cần thiết. Mặc dù quyết toán đã phê chuẩn nhưng vẫn có khả năng chứa đựng những sai sót, gian lận trong sử dụng NSNN chưa được phát hiện. Các phát hiện của KTNN sau khi đã có quyết toán phê chuẩn chỉ là biện pháp xử lý nghiệp vụ và trong nhiều trường hợp thu hồi được cho NSNN những khoản chi sai chế độ, lãng phí sau khi quyết toán đã phê chuẩn vẫn rất cần thiết.
Luật NSNN hiện hành quy định trường hợp kiểm toán sau khi QH, HĐND phê chuẩn quyết toán thực hiện theo quy định của pháp luật (khoản 4, Điều 66) còn khá chung chung, chưa cụ thể nên rất khó thực hiện. Dự thảo Luật đã quy định rõ hơn việc kiểm toán khi QH, HĐND phê chuẩn quyết toán; trong đó, đối với Báo cáo quyết toán NSNN thì phải được QH cho phép, đối với báo cáo quyết toán ngân sách địa phương thì thực hiện theo quy định của pháp luật về KTNN. Để bảo đảm tính khả thi của Luật, đề nghị cần làm rõ căn cứ và trình tự thủ tục của việc kiểm toán sau khi quyết toán đã phê chuẩn. Về kỹ thuật, đề nghị thay cụm từ thì phải được QH cho phép bằng cụm từ do QH quyết định ở cuối khoản 1, Điều 69 cho phù hợp hơn.
Dự thảo đã quy định rõ và cụ thể hơn về trường hợp quyết toán ngân sách chưa được QH, HĐND phê chuẩn thì Chính phủ, UBND trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cơ quan KTNN đã kiểm toán phải tiếp tục làm rõ những vấn đề QH, HĐND yêu cầu tại Điều 67 (khoản 6) và Điều 68 (khoản 8). Đây là nội dung quan trọng liên quan đến thẩm quyền quyết định NSNN của QH; trách nhiệm giải trình của Chính phủ và trách nhiệm của cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công (KTNN) đối với quản lý NSNN.
Về gửi báo cáo cho cơ quan KTNN, để thuận lợi cho công tác kiểm toán các cấp ngân sách, các cơ quan, đơn vị và tổ chức sử dụng NSNN được nhanh chóng, hiệu quả, cần có quy định về việc gửi báo cáo quyết toán cho cơ quan KTNN. Trong dự án Luật chưa có quy định về việc gửi báo cáo này. Theo chúng tôi, đề nghị bổ sung quy định về việc gửi báo cáo cho cơ quan KTNN. Đối với đơn vị dự toán cấp trên thụ hưởng ngân sách trung ương (các cơ quan trung ương) gửi báo cáo quyết toán cho Bộ Tài chính đồng gửi cơ quan KTNN. Cơ quan tài chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi thẩm định trình UBND, gửi Bộ Tài chính đồng gửi cơ quan KTNN. Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo quyết toán trình Chính phủ đồng thời gửi cơ quan KTNN.
Đề nghị xem xét điều chỉnh quy định thời gian lập và gửi báo cáo quyết toán ngân sách theo hướng rút ngắn (dự thảo Luật quy định trước ngày 1.10) để tăng thời gian dành cho kiểm toán quyết toán NSNN các cấp, bảo đảm tăng tỷ lệ đơn vị được kiểm toán quyết toán, xác nhận số liệu phục vụ HĐND, QH phê chuẩn quyết toán.
Ngoài các ý kiến trên đây, chúng tôi cũng đề nghị, về tên gọi của Luật, nên lấy tên là Luật Quản lý NSNN, đồng thời hàng năm QH sẽ ban hành Luật NSNN thường niên về dự toán NSNN, phân bổ ngân sách Trung ương thay cho việc ban hành Nghị quyết của QH như hiện nay để nâng cao tính pháp lý và kỷ luật tài chính. Về giải thích từ ngữ (Điều 4, dự thảo Luật), trong điều kiện nước ta chưa có Luật Tài chính công, Luật NSNN là luật chuyên ngành về NSNN cần giải thích thuật ngữ tài chính công đã được quy định trong Hiến pháp; đồng thời, làm rõ quan hệ về phạm vi giữa phạm trù tài chính nhà nước với tài chính công để bảo đảm tính thống nhất, tránh mâu thuẫn giữa các luật có liên quan đến NSNN và tài chính công.
Trong điều kiện chưa có luật nào giải thích về thuật ngữ tài chính công, dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) đã giải thích thuật ngữ này tại khoản 2, Điều 4 là: Tài chính công bao gồm: ngân sách nhà nước; dự trữ quốc gia; các quỹ tài chính do Nhà nước thành lập theo quy định của pháp luật; tài chính của các đơn vị hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hóa công, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng kinh phí, ngân quỹ nhà nước; phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; các khoản nợ công.
Về thưởng vượt thu (Điều 57), chúng tôi đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu đề nghị xem xét bỏ quy định này, vì không thể hiện được tính tích cực trong lập dự toán ngân sách địa phương.
Bổ sung hành vi nghiêm cấm (Điều 17) đối với hành vi: quyết định các khoản chi không có trong dự toán được cấp có thẩm quyền duyệt hoặc không được người có thẩm quyền quyết định (vi phạm về điều kiện chi NSNN).
Bổ sung quy định về hành vi vi phạm pháp luật về NSNN (các hành vi vi phạm điều cấm và trách nhiệm pháp lý của các chủ thể quản lý, sử dụng NSNN) để làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm, bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật NSNN.