Vai trò của việc nâng cao chất lượng sản phẩm

Nguyễn Linh

Muốn tồn tại và có sức cạnh tranh bắt buộc mỗi doanh nghiệp đều phải tự nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nền kinh tế thị trường, với sự tồn tại khách quan của quy luật cạnh tranh đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế đất nước nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Bất kỳ doanh nghiệp nào dù muốn hay không cũng đều chịu sự chi phối của quy luật cạnh tranh. Nó đòi hỏi mỗi doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải tìm cách thích ứng với thị trường cả về không gian và thời gian, cả về chất lượng và số lượng.

Cạnh tranh là động cơ buộc các doanh nghiệp tìm hiểu các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nói cách khác, doanh nghiệp phải có một hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm một hệ thống quản lý chất lượng đồng bộ. Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là tiêu chuẩn tạo nên sức cạnh tranh của sản phẩm đó.

Có thể nói, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm là tăng uy tín của doanh nghiệp, giữ được khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới, mở rộng thị trường tạo cơ sở cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ nền sản xuất hàng hoá không ngừng phát triển, mức sống con người ngày càng được cải thiện thì nhu cầu về hàng hoá ngày càng trở nên đa dạng, phong phú.

Trong điều kiện mà giá cả không còn là mối quan tâm duy nhất của người tiêu dùng thì chất lượng ngày nay đang là công cụ cạnh tranh hữu hiệu.

Nâng cao chất lượng sản phẩm đồng nghĩa với nâng cao tính hữu ích của sản phẩm, thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm nhờ hoàn thiện quy trình, đổi mới, cải tiến các hoạt động, giảm lãng phí về phế phẩm hoặc sản phẩm phải sửa chữa.