Vẫn còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp bên cạnh những thách thức
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cho rằng bên cạnh những thách thức thì cơ hội của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong năm 2017 là khá lớn khi nền kinh tế thế giới có xu hướng tiếp tục phục hồi và sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Ý kiến của ông Lộc được đưa ra tại Hội thảo “Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp 2017” do Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) phối hợp với Trường Đại học Quản trị Paris (Cộng hòa Pháp) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 15/4.
Trong phát biểu khai mạc hội thảo, PGS - TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cho biết sự phát triển cũng như xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 đã tạo nhiều mô hình kinh doanh mới, làm đảo lộn nhiều mô hình kinh doanh truyền thống. Việt Nam với điểm yếu là năng suất lao động thấp, lại tập trung quá lớn vào lao động giá rẻ, phát triển thiếu bền vững gây bất lợi cho môi trường là thách thức lớn trong xu thế này.
TS. Nguyễn Ngọc Bảo, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, cho rằng con số doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng song cảnh báo số DN đóng cửa, giải thể cũng khá lớn. Thách thức của chúng ta lúc này là việc ổn định vĩ mô và mục tiêu tăng trưởng đều gặp nhiều khó khăn. .
Với thực trạng trên, các chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo kêu gọi cộng đồng DN chung tay với Chính phủ để đổi mới. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, nhận định nếu theo đánh giá của Ngân hàng châu Á tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam đang ở mức khá cao so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên dù đã qua 7 năm từ cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, kinh tế thế giới vẫn phục hồi khá chậm với những rủi ro thường xuyên. Đặc biệt, trong năm 2016, sau thời điểm Việt Nam chính thức tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, một hình thức hội nhập sâu rộng về kinh tế, chính trị và xã hội, sự kiện nước Anh rời EU hay việc hoãn lại Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng tạo nhiều xáo trộn trong nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến tình hình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Vì thế vấn đề sống còn của DN là đổi mới để hội nhập, thích ứng nhanh với những thay đổi của tình hình kinh tế thế giới. TP. Hồ Chí Minh chưa lúc nào thể hiện sự quyết tâm cao như lúc này trong việc đồng hành, sát cánh cùng DN trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh mở, thông thoáng, sát cánh cùng DN - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cơ hội của các DN Việt Nam trong năm 2017 là khá lớn khi nền kinh tế thế giới có xu hướng tiếp tục phục hồi và sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Thực tế kinh tế Việt Nam những năm qua cũng cho thấy, chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài và gia tăng hoạt động thương mại của Chính phủ Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Niềm tin của cộng đồng DN đang quay trở lại và minh chứng cho điều này là xu hướng hình thành một quốc gia khởi nghiệp đang bắt đầu mạnh mẽ tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, để có thể tận dụng cơ hội mang lại, ứng phó với những thách thức theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng các DN Việt Nam cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng và phát triển DN. Chú ý đến cách thức tiếp cận và sử dụng nguồn vốn, kịp thời nắm bắt những nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và đáp ứng tốt nhất những nhu cầu đó.
Ngoài ra, DN phải có năng lực quản trị các yếu tố bất định, lường trước những giải pháp đối phó với những biến động của ngoại cảnh. Cần chú trọng đến những tác động về môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội để tạo được giá trị cốt lõi của mình trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.